Món quà từ Tổng thống Obama vẫn chưa mang lại "kỳ tích" cho Habeco trong việc vực dậy kết quả kinh doanh lao dốc đầu năm nay
Hồi tháng 5 vừa rồi, trong chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama, có một chi tiết khá thú vị mà người dân Việt Nam có lẽ sẽ còn giữ ấn tượng mãi, đó là việc “ông chủ Nhà Trắng” ngồi ghế nhựa, cầm chai bia Hà Nội đầy thoải mái và thưởng thức bún chả trong một quán nhỏ bình dân trong lòng phố cổ.
Giới chuyên gia marketing lúc đó cho rằng, đó như một món quà “trời cho” quá lớn đối với Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) khi thương hiệu bia Hà Nội của doanh nghiệp này đang được “PR miễn phí” bởi người đàn ông có sức ảnh hưởng nhất nhì thế giới.
Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2016 của Habeco lại không khỏi gây thất vọng với sự sụt giảm ở hầu hết chỉ tiêu.
Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của Habeco và 17 công ty con sau khi đã được soát xét cho thấy, trong nửa đầu năm nay, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Habeco chỉ đạt tổng cộng 4.038,7 tỷ đồng, sụt giảm hơn 13% so với cùng kỳ.
Giá vốn hàng bán tuy đã tiết giảm đáng kể, song lợi nhuận gộp vẫn chỉ đạt 1.049,8 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ.
Đồng thời, phần lãi thu về từ các công ty liên doanh, liên kết cũng giảm chỉ còn xấp xỉ 17 tỷ đồng, bằng 65% cùng kỳ 2015.
Ngược lại, chi phí bán hàng tăng gần 13%; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 24% đã khiến “ông lớn” ngành bia phải ghi nhận mức sụt giảm 38,3% chỉ tiêu lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.
Phần lợi nhuận khác cũng không khá khẩm hơn, giảm gần 12% và qua đó, góp phần đưa tổng lợi nhuận kết toán trước thuế của Habeco trong nửa đầu 2016 giảm 38% so với cùng kỳ, đạt còn 416,5 tỷ đồng.
Sau khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, lợi nhuận ròng hợp nhất mà Habeco thu được còn 319,7 tỷ đồng, sụt giảm gần 41% so với nửa đầu năm 2015.
Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), năm 2015, Habeco chỉ đứng ở vị trí thứ 3 về sản lượng bia tiêu thụ với 667,8 triệu lít (chỉ bằng phân nửa Sabeco và xếp sau Heineken).
Habeco có vốn điều lệ 2.318 tỷ đồng. Hiện tại, Nhà nước vẫn đang nắm giữ 81,79% vốn Habeco. Vốn góp của Carlsberg là 17,34%; của Indochina Carlsberg Company Limited là 0,15% và 0,72% còn lại là vốn góp của các đối tượng khác. Trước đây, Carlsberg từng có ý định muốn nâng sở hữu tại Habeco lên hơn 30% song kế hoạch này cho đến nay vẫn chưa được hiện thực hoá.
Theo thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải công bố tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8 diễn ra chiều qua (31/8), trong năm 2016 này dự kiến Nhà nước sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi Habeco, tương đương với 9.000 tỷ đồng. Trong khi đó, trên sổ sách, phần vốn góp Nhà nước có giá trị 1.895,9 tỷ đồng.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước khi thoái vốn Nhà nước, Habeco sẽ phải niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sau 9 năm cổ phần hóa. Khi thoái vốn, nhà đầu tư không phân biệt đối tượng trong nước hay ngoài nước đều có thể tham gia đấu giá mua cổ phần. Hiện tại, số lượng cổ phiếu đã phát hành ra công chúng của Habeco là 231,8 triệu đơn vị.
Bích Diệp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn