Bộ Công Thương vừa công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.
Phát biểu tại buổi lễ công bố, liên quan đến trữ lượng khai thác than, ông Lê Văn Duẩn, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - Vinacomin (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) khẳng định, than vẫn có sản lượng khai thác được lâu nhất trong số các nguồn năng lượng sơ cấp.
"Với tổng tài nguyên trữ lượng cụ thể của than sông Hồng, nếu bể này thành công, thì tài nguyên than rất lớn có thể khai thác vài trăm năm, và lên tới hàng chục tỷ tấn. Riêng dải Khoái Châu - Tiền Hải dự tính khai thác được khoảng 42 tỷ tấn. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là dự tính và vẫn chỉ là tiềm năng. Tiềm năng khai thác than của Việt Nam vẫn rất lớn nhưng phụ thuộc vào khả năng phát triển công nghiệp khai thác của ngành than", ông nói.
Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch lần này, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 khoảng 269.003 tỷ đồng (bình quân 17.934 tỷ đồng/năm). Trong đó, riêng giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 96.566 tỷ đồng (bình quân 19.313 tỷ đồng/năm).
Một điểm cũng đáng lưu ý, tại quy hoạch điều chỉnh, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 dự kiến khoảng 269.003 tỷ đồng thấp hơn so với quy hoạch cũ lên tới 421.970 tỷ đồng.
Giải thích về việc điều chỉnh quy hoạch, ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết, nguyên nhân điều chỉnh vốn đầu tư là do theo quy hoạch, sản lượng than thương phẩm sẽ giảm rất mạnh. Cụ thể vào năm 2020 đạt từ 47-50 triệu tấn sau đó nâng lên 55-57 triệu tấn vào năm 2030. Trong khi yêu cầu đề ra cho quy hoạch cũ (Quy hoạch 60) thì sản lượng than khai thác lên tới 60-65 triệu tấn vào năm 2020, sau đó nâng lên trên 75 triệu tấn vào năm 2030.
"Mặc dù việc thực hiện quy hoạch 60 thời gian qua đã đáp ứng được nhu cầu năng lượng trong nước. Tuy vậy, trước sự phát triển của các ngành sử dụng nhiều năng lượng như nhiệt điện, ximăng... đã có nhiều thay đổi, do vậy bản quy hoạch cũng cần có sự cập nhật cho phù hợp với thực tế", ông Thọ cho biết.
Trả lời câu hỏi về việc đầu tư trên 19 nghìn tỷ đồng mỗi năm sẽ mang lại hiệu quả cho kinh tế - xã hội như thế nào, đại diện Bộ Công Thương, khẳng định việc khai thác than sẽ đảm bảo an ninh năng lượng đầu tiên, tiếp đó là an sinh xã hội.
Để đảm bảo đủ nguồn vốn, ông Thọ cho biết thêm, trong quy hoạch điều chỉnh đã tính tới nhiều phương án, trong đó sẽ hướng tới việc đa dạng hình thức huy động vốn, gồm các hình thức BOT, PPP...
Lãnh đạo Tổng cục năng lượng cũng cho biết, mặc dù là ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng các doanh nghiệp khác nếu có đủ điều kiện cũng khuyến khích nhập khẩu than và điều này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của TKV.
Phương Dung
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn