Bộ Tài chính cho hay: Bộ Công Thương cần phối hợp với các bên liên quan thí điểm bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với cây lúa và cây cà phê. Hình thức ở đây là Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn kinh phí bảo hiểm cho hộ nghèo, cận nghèo tập trung vào các sản phẩm trên, chứ không hỗ trợ 100% cho các hộ nông dân như trước đây.
Các hộ nông dân khác không thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo và trường hợp gánh chịu thiên tai, dịch bệnh lớn. Để tăng tính tự chủ cho người dân, Bộ Tài chính đề nghị triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo nguyên tắc tự nguyện đối với hộ sản xuất, không giới hạn phạm vi địa bàn và đối tượng bảo hiểm (như cây trồng, vật nuôi, thủy sản...
Theo lý giải của Bộ Tài chính, tháng 9/2016, Bộ đã có Tờ trình số 145/TTr-BTC gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam. Sau đó Thủ tướng đã đồng ý về các cơ chế nêu trên và giao Bộ Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và các địa phương nghiên cứu xây dựng dự thảo, trình Chính phủ ban hành để thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp đúng theo trình tự, dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý II/2017.
Được biết, do hạn hán lớn trong thời gian vừa qua xảy ra tại các tỉnh Nam Trung bộ như (Bình Thuận, Ninh Thuận) và các tỉnh Tây Nguyên; ngập mặn xảy ra ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã khiến bà con nông dân gánh chịu thiệt hại lớn, diện tích lúa, hoa màu và cây con bị thiệt hại nặng. Số thiệt hại do hạn hán cũng đã tác động mạnh làm giảm tăng trưởng của ngành nông nghiệp xuống âm trong 8 tháng đầu năm 2016.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), hiện sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương của Việt Nam ngày càng đòi hỏi chi phí đầu vào cao hơn và làm tăng chi phí môi trường. Việt Nam đang phải gánh chịu nhiều thách thức từ các thảm họa tự nhiên như hiện tượng nóng lên của trái đất, nước biển dâng, xâm nhập mặn gia tăng.
"Người nông dân, ngành nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế đã và đang chịu tác động từ hàng loạt thiên tai, dịch bênh (mưa bão, nước biển dâng, hạn mặn) và cả con người (phân bón giả). Tuy nhiên, những biện pháp hỗ trợ phi truyền thống như cộng đồng, doanh nghiệp chưa đến được với người dân. Giá trị sản xuất nông nghiệp giảm sút, bộ phận người nông dân không còn gắn bó với ruộng đồng... Đây là thực tiễn Việt Nam cần đặt ra trong mối tương quan tăng trưởng bền vững", nhận định trong Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016, Chuyển đổi Nông nghiệp Việt Nam của WB.
Năm 2013, các chương trình bảo hiểm nông nghiệp được thí điểm triển khai rầm rộ trên cây lúa, vật nuôi và thủy sản ở 20 tỉnh, thành phố. Ban đều, bảo hiểm nông nghiệp được đánh giá là chính sách giúp ích cho nông dân. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian thí điểm, dường như không còn nhiều đơn vị hào hứng, nhất là các DN bảo hiểm, tổ chức tín dụng.
Về bảo hiểm nông nghiệp, theo đánh giá của Bộ Tài chính: Nhà nước đã có nhiều chính sách nhưng hiện mới chỉ là thí điểm trên phạm vi rộng, trong khi đó việc tham gia của người dân chưa nhiều. Đặc biệt, triển khai bảo hiểm nông nghiệp về địa phương yếu do cán bộ nông nghiệp địa phương mỏng, dịch vụ mới lạ đối với nông dân nên khó thu hút, vận động người tham gia.
Trong các năm từ 2011 - 2014, Chính phủ đã có 1 Quyết định và 1 Nghị định hỗ trợ và thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây con và nghề cá. Cụ thể, theo Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đối với 3 sản phẩm bảo hiểm là bảo hiểm cây lúa, bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm thủy sản (tôm, cá) đã có hơn 300.000 hộ tham gia, với giá trị được bảo hiểm hơn 7.700 tỷ đồng. Ngoài ra, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Nhà nước hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, đến hết 30/6/2016 đã có 28/28 địa phương áp dụng bảo hiểm, với tổng giá trị bảo hiểm hơn 37.400 tỷ đồng.
Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn