Theo Hiệp hội này, việc các dự án BĐS khi đã được chấp thuận về quy hoạch của Chính phủ, bộ ngành và địa phương là phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội rồi nên việc đòi hỏi phù hợp về quy hoạch điện lực là không cần thiết, phát sinh vấn đề giải quyết.
HoREA kiến nghị bỏ quy định các dự án nhà ở phải phù hợp với quy hoạch điện lực cấp trung và hạ thế ở địa phương bởi đây là phát sinh thêm thủ tục không cần thiết cho DN
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM khẳng định: Việc phát sinh yêu cầu các dự án BĐS phải phù hợp với quy hoạch ngành điện ở trung và hạ thế của địa phương là điều vô lý, phát sinh thời gian, công sức của DN. Giảm tiến trình thực hiện dự án, trong khi các khu chung cư, căn hộ đều tiêu dùng điện sinh hoạt, không phải như các khu công nghiệp, chế xuất.
Ông Châu nhấn mạnh, trên thực tế, các công trình cấp điện chuyên dùng của khách hàng (hầu hết có công suất nhỏ, từ vài trăm kVA đến 1 ÷ 2 MVA nên không ảnh hưởng đến công suất nguồn điện của hệ thống) đều không có trong quy hoạch được duyệt do được thực hiện theo nhu cầu đăng ký mới của các nhà đầu tư. Trong khi lưới điện TP.HCM hay các địa phương khác hiện đang có độ dự phòng cấp điện lên đến trên 40% về mặt công suất và trên 50% về khả năng tải của các tuyến dây cấp điện.
Các dự án khi đề nghị cấp điện đều đã được cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng cho công trình chính, nghĩa là đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng như phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của thành phố, trong đó bao gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông, giao thông,...). Do đó, các chủ đầu tư có quyền được yêu cầu đảm bảo việc cung cấp điện để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, việc xem xét điều chỉnh quy hoạch là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM việc quy định các chủ đầu tư dự án BĐS phải xác nhận sự phù hợp quy hoạch điện lực trong vòng 03 ngày làm việc đối với các dự án đã có trong quy hoạch chi tiết theo quy định tại Thông tư 33/2014/TT-BCT là chưa hợp lý và gây thêm những phát sinh không đáng có đối với các DN, chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu các chủ đầu tư phải lập thủ tục hiệu chỉnh bổ sung quy hoạch đối với các dự án chưa có trong quy hoạch chi tiết là việc của cơ quan Nhà nước, không phải việc của DN. Trong quá trình thực hiện, rất nhiều DN phải đi xin giấy phép cấp điện, cấp nước và vướng phải những thủ tục về sự phù hợp với quy hoạch thì vô hình chung có dự án thì mới có quy hoạch điện lực cấp trung và hạ thế.
HoREA cho rằng, việc quy hoạch điện lực trung và hạ thế ở những địa phương khác nếu chưa được thực hiện, đòi hỏi các DN phải dành thời gian và công sức để làm việc với các đơn vị điện lực địa phương. Nếu các dự án được phù hợp với quy hoạch thì đó cũng chỉ là các quy hoạch tạm thời, bởi vốn dĩ không có quy hoạch tổng thể, chi tiết trong thời gian qua.
Do đó, HoREA đề nghị quy hoạch điện lực trung hạ thế cần phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương. Không nên đòi hỏi DN phải đáp ứng những việc mà không thuộc trách nhiệm và quyền hạn của họ. Các dự án BĐS đã và đang được phê duyệt phù hợp với quy hoạch của địa phương, nếu cần phù hợp với quy hoạch của ngành điện, ngành nước, phòng cháy chữa cháy... thì DN có thể bị trì hoãn tiến độ, gây hiệu ứng không tốt đối với môi trường đầu tư.
Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn