Là chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý chất lượng thực phẩm, ông Vũ Thế Thành cho rằng trên thế giới không có định nghĩa thực phẩm sạch, chỉ có thực phẩm lành mạnh, ăn thực phẩm nào có lợi và không có lợi. Chỉ có ở Việt Nam mới có khái niệm thực phẩm sạch – bẩn.
“Thực phẩm đã đi ra ngoài thị trường thì không thể nói sạch hay bẩn. Bất kỳ thực phẩm nào không tuân thủ VSATTP thì nhà sản xuất đó có vấn đề” – ông Thành nói.
Đánh giá về xu hướng thực phẩm hữu cơ trên thị trường hiện nay, chuyên gia Vũ Thế Thành cho biết, theo nghiên cứu hiện có, không có gì khác biệt nhiều giữa thực phẩm hữu cơ và thực phẩm trồng theo phương pháp thông thường.
Các đại biểu tham gia diễn đàn
“Giữa ma trận thực phẩm, dòng sản phẩm hữu cơ nổi lên như một “cứu cánh” niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế thực phẩm hữu cơ so với thực phẩm trồng theo phương pháp thông thường, tuân thủ theo quy định của nhà nước thì độ rủi ro, bệnh tật như nhau”, ông Thành nhận định
Theo ông Thành, thực phẩm hữu cơ có lượng nitrat thấp hơn nhưng vẫn không làm tăng giảm rủi ro bệnh tật. Dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả thông thường nếu tuân thủ đúng quy định nhà nước thì vẫn an toàn như thực phẩm hữu cơ. Hơn nữa, chất lượng về dinh dưỡng trong hai dòng thực phẩm này cũng không khác gì nhau.
“Thực phẩm hữu cơ có ưu điểm bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Tuy nhiên, giá thành của thực phẩm hữu cơ hiện còn quá đắt so với mức sống của số đông người tiêu dùng. Vì vậy, đối tượng mà thực phẩm hữu cơ hướng đến chắc chắn không phải là người có thu nhập thấp” – ông Thành cho biết.
Chuyên gia cũng cho biết thêm, trên thị trường thực phẩm tại Việt Nam hiện nay có tình trạng mập mờ thông tin trên nhãn hiệu (thành phần sử dụng, tính năng sản phẩm....) và loạn chứng nhận, giải thưởng. Chính điều này làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng.
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ nhiệm CLB HVNCLC, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp dự báo, viễn cảnh không sáng sủa lắm cho người nông dân không quyết liệt thay đổi: nhiều cái khó sẽ ập đến trong năm 2017 từ kinh tế vĩ mô, thị trường xuất khẩu nông sản, thị trường bán lẻ trong nước, từ biến đổi khí hậu, thay đổi thị hiếu tiêu dùng và cách tiếp cận sản phẩm của người tiêu dùng.
“Người nông dân cũng biết con đường sống của họ là làm nông sản sạch nhưng bắt đầu từ đâu, ai hỗ trợ, hướng dẫn thì lại… mù tịt. Tất cả đều cần những chính sách từ nhà nước được thực thi thay vì chỉ nằm trên giấy. Bộ NN xem xét tổ chức các cuộc đối thoại, lắng nghe nông dân nhiều hơn để có những hỗ trợ sâu sát, kịp thời hơn” – bà Hạnh bày tỏ.
Nhiều nông dân hiện đang trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tự nhiên tại TPHCM cho biết, mặc dù họ có trong tay sản phẩm sạch nhưng không biết tiêu thụ ở đâu, làm sao tiếp cận kênh phân phối hiện đại là hệ thống các siêu thị?
TS Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam thừa nhận: “Các sản phẩm sạch luôn được các siêu thị hoan nghênh nhưng muốn vào siêu thị thì phải tuân theo quy định của siêu thị. Ví dụ như sản phẩm đó có thực sự là yêu cầu của người tiêu dùng không, có cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại hay không, giá cả đã thích hợp chưa… “
Theo bà Loan, không nhất thiết những sản phẩm sạch phải vào siêu thị mới tiêu thụ được, còn có nhiều kênh phân phối khác như trường học, nhà hàng, khách sạn hoặc tự trồng, tự bán. Tuy nhiên, giá cả là yếu tố rất quan trọng, không phải cứ sạch là giá phải cao mà cần có sự điều chỉnh hợp lý để người tiêu dùng đều có thể tiếp cận.
Hiện nay, việc đưa sản phẩm từ nông trại đến tay người tiêu dùng vẫn còn khập khiễng, phân đoạn. Người tiêu dùng muốn có thực phẩm sạch nhưng không kết nối được với người cung cấp. Đây chính là “điểm chết” hiện nay và vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn