Xiaomi lâu nay vẫn bị coi là "Apple của Trung Quốc", với các sản phẩm học hỏi Apple cả về thiết kế phần cứng lẫn giao diện phần mềm. Tuy vậy, chiếc smartphone "không viền" Mi Mix vừa bán ra cho thấy Xiaomi bắt đầu có sự khác biệt, không còn là "kẻ sao chép" thuần tuý nữa.
Xiaomi hiện tại mới bán Mi Mix ở thị trường Trung Quốc và cháy hàng sau 10 giây mở bán trực tuyến. Sản phẩm hiện đã có mặt ở Việt Nam dưới dạng hàng xách tay. Máy có hai phiên bản khác nhau ở RAM và bộ nhớ: một bản RAM 4GB, bộ nhớ 128GB và một bản RAM 6GB với bộ nhớ trong 256GB.
Phiên bản chúng tôi đang có trên tay là bản RAM 4GB/bộ nhớ trong 128GB lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá 16,99 triệu đồng, khá cao do sản phẩm mới bán ra và hiện đang rất khan hiếm ngay cả ở thị trường Trung Quốc. Chúng tôi mới sử dụng máy trong khoảng thời gian ngắn nên bài viết này chỉ là vài chia sẻ nhanh về những ấn tượng ban đầu với sản phẩm. Bài viết đánh giá chi tiết sẽ gửi tới bạn đọc vài ngày tới sau khi có thời gian trải nghiệm kỹ càng hơn.
Viền cực mỏng, màn 6.4 inch mà cầm gọn gần như iPhone 7 Plus
Mặc dù đã biết Mi Mix là smartphone "không viền", đã thấy ảnh và cả những clip giới thiệu của nhà sản xuất trên mạng những ngày qua nhưng khi cầm trên tay tôi vẫn thấy bất ngờ, nhất là khi mở một trang báo mạng ra đọc. Phần viền cực mảnh khiến nội dung gần như tràn ra tận mép màn hình, nhìn rất đã.
Tỷ lệ màn hình/mặt trước của Mi Mix lên tới 91,3%. Đây là con số cực cao khi biết rằng tỷ lệ màn hình/mặt trước trên các smartphone thông thường hiện nay là khoảng 70%, thậm chí tỷ lệ này ở chiếc iPhone 7 Plus chỉ có 67,7%. Ngay cả chiếc smartphone viền siêu mỏng Sharp Aquos Crystal cũng chỉ có tỷ lệ màn hình/mặt trước là 78,5%. Với viền mảnh như vậy, bề ngang của Mi Mix chỉ nhỉnh hơn chút so với chiếc iPhone 7 Plus (81,9 mm và 77,9mm) dù hai máy có kích cỡ màn hình chênh nhau rất nhiều (6.4 inch và 5.5 inch).
Để có thiết kế khác biệt như vậy, Xiaomi đã phải đưa vào nhiều thay đổi về cách bố trí các linh kiện như chuyển camera trước xuống cạnh dưới và cả những công nghệ mới như cảm biến tiệm cận siêu âm, hệ thống loa thoại với công nghệ gốm áp điện.
Smartphone trơn tay nhất từ trước tới nay
Ngoài viền máy cực kỳ mỏng, điểm khác biệt của Mi Mix là toàn bộ thân máy của điện thoại được làm bằng chất liệu gốm, kể cả khung, mặt lưng và các phím bấm (nguồn, âm lượng). Chất liệu gốm khiến cho Mi Mix trông rất bóng bẩy, các chi tiết ghép nối đều trơn mịn và có hình thức cao cấp. Máy hơi dày (7,9mm) so với những smartphone cao cấp hiện nay và cảm giác cầm tương đối nặng tay (202g).
Tuy nhiên, thân máy bằng gốm không phải là chất liệu hoàn hảo. Máy cầm rất trơn tay, có lẽ là smartphone tôi thấy trơn tay nhất từ trước tới nay. Lúc cầm máy để lướt web hay chụp ảnh chỉ lo rơi vỡ. Phần viền quá mỏng chắc chắn sẽ làm cho màn hình dễ vỡ nếu chẳng may rơi rớt và điều này đã được kiểm chứng phần nào . Có lẽ cũng biết rõ điều này nên Xiaomi đã tặng kèm sẵn một vỏ ốp giả da theo máy. Ngoài nhiệm vụ chống trơn trượt, chiếc ốp này còn có tác dụng hạn chế nứt vỡ màn hình hay vỏ máy khi đánh rơi.
Bề mặt trơn bóng màu đen của Mi Mix cũng bám vân tay và vết mồ hôi rất mạnh, khiến máy nhanh chóng trở nên "nhem nhuốc", thêm một lý do để dùng đến chiếc vỏ ốp đi kèm.
Hệ thống loa áp điện: biến toàn bộ thân máy thành loa thoại
Do không còn đủ phần viền màn hình ở phía trên để đặt loa thoại và cảm biến tiệm cận như các smartphone thông thường nên Xiaomi đã sử dụng các công nghệ hoàn toàn mới cho hai chức năng này: hệ thống loa thoại sử dụng công nghệ gốm áp điện để nghe gọi và cảm biến tiệm cận siêu âm thay cho cảm biến hồng ngoại.
Gốm áp điện là những loại vật liệu có tính chất áp điện như BaTiO3 (Barium titanate), PbTiO3 (Lead titanate). Vật liệu này có hiệu ứng thuận nghịch, khi truyền vào nó một điện trường thì nó sẽ biến đổi hình dạng. Tương tự như khi chúng ta cung cấp điện cho một chiếc loa bình thường thì màng loa sẽ dao động để tạo ra âm thanh.
Trên chiếc Mi Mix, tín hiệu âm thanh kỹ thuật số sẽ được chuyển đổi qua bộ DAC thành tín hiệu điện. Tín hiệu này đi qua gốm áp điện và sau đó truyền đến bộ khung của máy. Bộ khung của máy dao động và truyền tải âm thanh đến tai của chúng ta. Như vậy, có thể nói thông qua khung máy, công nghệ gốm áp điện đã biến toàn bộ thiết bị thành loa thoại. Chính vì vậy, áp tai vào đâu trên chiếc Mi Mix cũng có thể nghe được cuộc gọi đến, thậm chí cả ở mặt sau. Khi nghe điện thoại thì bộ khung của máy sẽ rung nhẹ, hơi khó chịu đôi chút.
Quay mặt lưng vào tai vẫn có thể nghe được cuộc gọi đến
Chất lượng đàm thoại vẫn đủ rõ ràng, gần như các smartphone thông thường. Tuy vậy, vùng nghe rõ nhất vẫn là nửa trên ở mặt trước màn hình của điện thoại. Điểm hạn chế ở hệ thống loa gốm áp điện này là âm thanh cuộc gọi bị lộ lọt ra ngoài khá rõ nếu nghe trong môi trường tĩnh. Nếu nghe ở nơi có nhiều tiếng ồn, hiện tượng này đỡ hơn.
Cảm biến tiệm cận siêu âm
Cùng với loa thoại công nghệ áp điện, sự hạn hẹp của viền màn hình phía trên buộc Xiaomi phải áp dụng công nghệ siêu âm thay cho hồng ngoại với cảm biến tiệm cận. Cảm biến tiệm siêu âm của Mi Mix được đặt ở dưới màn hình. Trong thực tế, cảm biến này hoạt động nhạy tương đương với cảm biến hồng ngoại. Chỉ hơi che đi phần cạnh trên hoặc ở phía trên mặt sau là màn hình sẽ tự tắt khi bạn đang gọi điện.
Chụp ảnh tự sướng phải lộn ngược máy, khó chỉnh góc chụp đẹp
Viền màn hình trên quá mỏng còn làm thay đổi cả vị trí của camera trước. Trên chiếc Mi Mix, camera tự sướng được đưa xuống góc bên phải, phía dưới màn hình. Đây cũng là cạnh viền duy nhất của máy có độ dày tương đương các smartphone khác. Do thay đổi vị trí nên nếu chụp tự sướng theo cách thông thường thì góc ảnh trông rất dị, khó chụp và bàn tay cũng dễ che mất camera. Vì vậy, phải lộn ngược máy lên thì việc selfie mới dễ dàng hơn. Tuy vậy, ngay cả khi lộn ngược máy thì góc chụp vẫn hơi lệch, đối tượng chụp bị nghiêng nhẹ và khó chỉnh được tư thế đẹp.
TP
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn