Vì sao phải đề nghị khởi tố bà Hứa Thị Phấn trong đại án VNCB?

Thứ bảy - 20/08/2016 01:56

Vì sao phải đề nghị khởi tố bà Hứa Thị Phấn trong đại án VNCB?

Trong đại án tham nhũng tại VNCB, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) đã đề nghị khởi tố bà Hứa Thị Phấn để điều tra làm rõ hàng loạt các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Gây lỗ lũy nghiêm trọng

Theo điều tra, trong 2 năm 2009 – 2010, bà Hứa Thị Phấn (còn gọi là Sáu Phấn), Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng, nhờ người đứng tên mua lại 84,92% cổ phần để trở thành cổ đông lớn nhất Ngân hàng Đại Tín - Trust Bank.

Những tưởng khi lên nắm quyền điều hành Trust Bank, Sáu Phấn sẽ đưa ngân hàng này phát triển mạnh hơn nữa. Nào ngờ, ngay sau khi “lên ngôi”, bà Phấn lại sử dụng ảnh hưởng của mình, nhờ 29 đối tượng đứng tên giúp, vay của Trust Bank số tiền lên tới 3.581 tỷ đồng. Tài sản thế chấp cho khoản vay phần lớn là những khoảnh đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè. Đáng chú ý, trong lần vay mượn này, những khoảnh đất dùng để thế chấp nếu quy ra giá thị trường vào thời điểm ấy chỉ khoảng 0,3 – 1 triệu đồng/m2 nhưng lại được Trust Bank định giá lên tới 8 - 32 triệu đồng/m2.

Trust Bank thời của bà Phấn đã rách nhưng đến thời ông Danh thì càng thêm nát

“Được nước lấn tới”, Sáu Phấn tiếp tục dùng lại “chiêu bài” cũ đã được tinh luyện để tiếp tục nâng khống giá bất động sản nhằm bòn rút Trust Bank. Điều đó được thể hiện rõ qua hợp đồng mua, bán nhà khi giá trị quyền sử dụng đất được nâng lên đến hơn 2 tỷ đồng/m2; trong khi giá đất (trọn đường) Phạm Ngọc Thạch, Quận 1 là 37,4 triệu đồng/m2 (theo Quyết định số 82/2011/QĐ-UBND ngày 18/12/2011 của UBND TPHCM).

Sáu Phấn còn liên tục phối hợp với những “chân rết”, sử dụng “chiêu thức” tương tự để chiếm hữu thêm các căn nhà số 10 Lý Tự Trọng, 426 Nguyễn Thị Minh Khai hay nhà số 1 – 3 – 5 Cao Xuân Dục, Quận 8, TPHCM.

Không những thế, đến cuối năm 2012, trước thời điểm ông Phạm Công Danh (người mua lại Trust Bank) tiếp quản thì vốn chủ sở hữu của Trust Bank đã tiếp tục âm tới 5.711 tỷ đồng, lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 10/7/2012 đã cho thấy, thực trạng tài chính của Trust Bank khi ấy rất xấu, vốn chủ sở hữu bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng, trong khi đó vốn điều lệ của nhà băng này chỉ 3.000 tỷ đồng.

Dưới thời bà Phấn, Trust Bank - tiền thân của Ngân hàng Xây dựng từ một ngân hàng triển vọng nhất miền Tây dần trở thành một “cổ máy rỗng ruột”, từng bước lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng. Bà Phấn là đầu tàu lái chiếc thuyền mang tên Trust Bank đến “cửa tử”.

Với hàng loạt các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nêu trên, nhóm luật sư tham gia bào chữa cho ông Phạm Công Danh đưa ra đề nghị khởi tố bà Hứa Thị Phấn.

“Kiến nghị Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa thuộc TAND TPHCM xem xét quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao điều tra làm rõ những sai phạm của nhóm bà Hứa Thị Phấn và những người đã gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đại Tín để xử lý trong vụ án Phạm Công Danh nhằm không để lọt tội phạm, bảo đảm công bằng trước pháp luật và giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự theo đúng quy định của pháp luật”, Luật sư Hà Hải (một trong các luật sư tham gia bào chữa cho ông Phạm Công Danh) nói.

Hành vi tương tự gây ra cho Trust Bank nhưng hiện chỉ mình ông chủ tập đoàn Thiên Thanh ngã ngựa

Nhiều vấn đề mờ ám

Tháng 1/2008, bà Phấn mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TPHCM của ông Nguyễn Xuân Lai với giá 21.762,3 cây vàng SJC. Đến tháng 10/2008, bà Phấn bán lại căn nhà này cho Công ty Cổ phần Địa ốc Lam Giang (Công ty con do bà Phấn lập ra) với giá 25.000 cây vàng SJC (tương đương khoảng 425 tỷ đồng). Năm 2012, bà Phấn lại bán tiếp tài sản trên cho bên mua là Ngân hàng Đại Tín với giá là 1.260 tỷ đồng.

Chuỗi hành vi mua bán lòng vòng như vậy của bà Phấn cũng đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn. Theo đó, bà Phấn mua bán lòng vòng nhằm mục đích gì? Cơ quan chức năng cần làm rõ hồ sơ mua bán từng giai đoạn và xác minh tại cơ quan thuế để làm rõ bà Phấn có trốn thuế không? Theo thông báo nộp thuế ngày 16/2/2012 số tiền 25,2 tỷ đồng thì bà Phấn đã nộp chưa? Việc chuyển quyền sở hữu giữa Công ty Cổ phần Địa ốc Lam Giang cho bà Phấn có được thực hiện? Bà Phấn có trốn những khoản thuế khác hay không?... Đây cũng chính là những khuất tất liên quan tới bà Hứa Thị Phấn mà cơ quan chức năng cũng cần phải điều tra, làm rõ.

Theo tìm hiểu của PV, số liệu tại Chi cục Thuế Quận 1, TPHCM cho thấy, riêng trong thương vụ mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (nay là nhà hàng Thiên Vương Tửu), bà Sáu Phấn đã có dấu hiệu trốn thuế 177 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, Luật sư Hà Hải cùng các cộng sự tham gia bào chữa cho ông Phạm Công Danh còn cho rằng, việc chuyển nhượng cổ phần tại Trust Bank từ nhóm bà Hứa Thị Phấn sang cho ông Phạm Công Danh là trái pháp luật.

Theo nhóm luật sư này, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 9/10/2012 từ bà Sáu Phấn sang ông Phạm Công Danh là không có căn cứ pháp luật, sai cả hình thức và nội dung.

Lý giải điều này, nhóm luật sư cho biết, chủ thể tham gia ký Hợp đồng là trái pháp luật. Bởi lẽ, danh sách các cổ đông tham gia chuyển nhượng (do bà Phấn làm đại diện) hoàn toàn để trống. Chính vì vậy, bà Hứa Thị Phấn không đủ tư cách để đại diện cho các cổ đông tức các tổ chức, cá nhân để ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Trust Bank. Bên cạnh đó, những luật sư này cũng cho rằng, số cổ phần và giá chuyển nhượng hơn 2.500 tỷ đồng tương ứng với cổ phần được ghi trong Hợp đồng này là hoàn toàn không có căn cứ.

Trong thương vụ mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (nay là nhà hàng Thiên Vương Tửu), bà Sáu Phấn đã có dấu hiệu trốn thuế 177 tỷ đồng

Nói về sự vô căn cứ đó, Luật sư Hà Hải quả quyết: “Không có tài liệu, chứng cứ nào xác định bà Hứa Thị Phấn đại diện cho các tổ chức cá nhân có số cổ phần nêu trên. Thực tế Hợp đồng ủy quyền ngày 9/10/2012 ghi 01 công ty và 14 cá nhân ủy quyền cho bà Hứa Thị Phấn không ghi cụ thể là từng cổ đông đã sở hữu bao nhiêu cổ phần tại Trust Bank".

"Nếu số cổ phần nêu trong Hợp đồng ủy quyền này là đúng thì bà Hứa Thị Phấn lấy đâu ra 252.110.151 cổ phần; tổng giá trị chuyển nhượng theo mệnh giá là 2.521.101.510.000 đồng để chuyển nhượng cho ông Phạm Công Danh?”, ông Hải nói.

Trước những hành vi mờ ám và có dấu hiệu vi phạm pháp luật như vậy của chủ cũ Trust Bank, những luật sư tham gia bào chữa cho ông Phạm Công Danh cũng đã đề nghị HĐXX TAND TPHCM khởi tố bà Hứa Thị Phấn. Song song với những đề nghị của các luật sư, phía Viện kiểm sát cũng tích cực xem xét, bổ sung hồ sơ để tiến hành chuẩn bị khởi tố bà Hứa Thị Phấn, đưa những sai phạm của nhân vật này ra ánh sáng.

Được biết, ngày 16/8, Viện kiểm sát cũng đã đề nghị khởi tố bà Hứa Thị Phấn và tiến hành điều tra, làm rõ về các vấn đề bà này cùng với nhóm Phú Mỹ đã gây thất thoát tài sản của Trust Bank; đầu tư trái phiếu, lập hồ sơ nhưng không cho vay, mua bán bất động sản lòng vòng không nộp thuế; lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

Công Quang

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây