Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở rà soát, nhóm công tác liên ngành đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế 73 nhóm văn bản pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, ngành.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có tới 27 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế trong khi Bộ Y tế có 9 văn bản, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Khoa học và Công nghệ có 7 văn bản. Các bộ khác có 1 - 4 văn bản nằm trong diện đề xuất của Bộ Tài chính.
Theo Bộ Tài chính, đề xuất trên nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Quyết định số 2026/QĐ-TTg về cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá xuất nhập khẩu.
Theo đó, nhằm đạt chỉ tiêu “giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016 và phấn đấu giảm thời gian thông quan hàng hoá đến cuối năm 2016 xuống ngang bằng với các nước ASEAN 4, đến năm 2020 đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3”.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cho biết một trong những khó khăn khi thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn là thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, kiểm tra chuyên ngành không đúng, thiếu sự kết hợp giữa các bộ ngành làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn áp dụng phương án tự công nhận chất lượng lẫn nhau, hoặc phương pháp quản lý rủi ro, thậm chí đầu bên kia đã kiểm tra chất lượng thì phía nhập khẩu không cần tốn thời gian kiểm tra thêm.
Tính cho đến hết 6 tháng đầu năm, có 309.000 tờ khai kiểm tra chuyên ngành và chỉ phát hiện vi phạm 7 trường hợp. Điều này cho thấy, tỷ lệ vi phạm rất thấp và hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Thế nhưng, các bộ ngành liên quan đều khăng khăng giữ quan điểm phải kiểm tra chuyên ngành 100% các lô hàng xuất nhập khẩu để an toàn cho người tiêu dùng trong nước.
Mới đây nhất, ngày 18/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thị sát hoạt động kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa tại cảng Cát Lái và làm việc với Cục Hải quan TPHCM.
Lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cũng cho biết số vụ vi phạm trên tổng số tờ khai kiểm tra chuyên ngành trong quý /2016 rất thấp. Trong khi đó số lượng tờ khai hải quan để kiểm tra chuyên ngành thì nhiều, chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra trả cho các cơ quan kiểm tra chuyên ngành rất lớn, trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.
Điều này cho thấy quy định về kiểm tra chuyên ngành hiện nay không hiệu quả và hiệu lực. Ngoài ra, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp cũng nêu hàng loạt bất hợp lý, vướng mắc cụ thể từ các quy định kiểm tra chuyên ngành hiện nay và đề xuất cần rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng trong thời gian tới giảm số lượng các mặt hàng bắt buộc phải kiểm tra chuyên ngành xuống mức thấp nhất; thời gian kiểm tra nhanh nhất với tần suất giảm ít nhất 15% vào quý IV/2016.
Phương Dung
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn