Hà Nội là nơi có mức sống 'đắt đỏ' nhất cả nước
Đây là thông tin được ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, công bố mới đây tại cuộc họp báo công bố chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2016.
Theo đó SCOLI- là chỉ tiêu thống kê quốc gia, phản ánh xu hướng, mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định và thường là một năm. Chỉ số SCOLI phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội, là cơ sở để tính chỉ số phát triển con người (HDI), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo sức mua tương đương.
Kết quả (SCOLI) năm 2016 cho thấy, trong khi vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có chỉ số SCOLI cao nhất, thì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại có chỉ số giá SCOLI thấp nhất. Theo đó, Hà Nội có mức giá cao nhất cả nước, đúng thứ hai là Lào Cai và thứ 3 là TP.HCM. Chỉ số SCOLI của TP.HCM bằng 99,67% so với Hà Nội. Còn Lào Cai có hầu hết nhóm giá cả gần tương đương với Hà Nội.
Đáng chú ý, Lai Châu có sự thay đổi từ vị trí mức sống “đắt đỏ” nhất cả nước trong năm 2015 nay đã rời xuống vị trí thứ 4, khi mà giá bình quân tại các nhóm y tế và giáo dục của Lai Châu đã thấp hơn so với Hà Nội, tương ứng là 92% và 93%.
Báo cáo chỉ ra, so với năm 2015, vị trí các tỉnh có giá cả đắt đỏ không có sự thay đổi lớn. Các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc có mức giá cao sau Hà Nội, Lào Cai là Điện Biên (98,41%), Lạng Sơn (98,17%) và Hà Giang (97,16%).
Ông Lâm phân tích, các tỉnh này có mức giá cao chủ yếu xuất phát từ nhóm hàng giao thông và khiến cho các nhóm khác giá cả cũng không thấp hơn là bao. Nguyên nhân chủ yếu, khu vực núi cao việc đi lại, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, điều này làm cho giá cả các tỉnh trong vùng cao hơn so với các tỉnh khác trên cả nước.
Lý giải nguyên nhân Hà Nội là thành phố có mức sống “đắt đỏ” nhất một chuyên gia kinh tế cho rằng, về khách quan hệ thống phân phối ở Hà Nội phát triển còn ở trình độ thấp cả về số lượng và chất lượng. Đơn cử như việc mở rộng hệ thống các siêu thị, nếu ở Hà Nội mới có chưa đến 90 siêu thị với khoảng trên 20 trung tâm thương mại và 400 chợ thì TP Hồ Chí Minh đã có 100 siêu thị, 100 trung tâm thương mại, 240 chợ… Ngoài ra thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống chợ đầu mối nông sản thực phẩm được thiết lập rất bài bản tạo ra nguồn cung hàng hóa dồi dào, có chất lượng cho khâu bán lẻ để phục vụ người tiêu dùng hàng ngày.
Về nguồn hàng phục vụ cho tiêu dùng hàng ngày như gạo, thịt, cá, rau quả, thủy hải sản... chủ yếu là từ ở các thành phố phía Nam. Trong khi ở phía Bắc chỉ có khoảng 30%. Như vậy cho thấy muốn tổ chức hàng hóa ở phía Nam đưa ra phía Bắc với cự ly hàng nghìn kilômét, rõ ràng chi phí vận chuyển sẽ tốn kém hơn từ 5-10% và được cộng vào giá thành hàng hóa khi bán lẻ cho người dân Hà Nội.
Trước đó, năm 2015, lần đầu tiên Tổng Cục Thống kê công bố chính thức công bố chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI). Tại lần công bố đầu tiên cho các năm 2010-1014 cho thấy, khi chọn Hà Nội là gốc so sánh, TP. HCM là địa phương có chỉ số SCOLI cao nhất cả nước trong các năm 2010-2012. Chỉ số SCOLI của TP. HCM cao hơn Hà Nội 1,2% vào năm 20110 và 0,8% vào năm 2011. Trong đó, nhóm học phí luôn cao hơn Hà Nội 40%.
Năm 2013, TP. HCM đứng thứ 4 và năm 2014 đứng thứ 6 trong cả nước về mức độ đắt đỏ. Do trong những năm này, TP. HCM thực hiện chương trình bình ổn giá nên giá lương thực, thực phẩm, may mặc, đồ uống, thuốc lá của TP. HCM không có mức tăng đột biến.
Tuy nhiên, nhóm giáo dục tại TP. HCM năm 2014 vẫn cao nhất cả nước và bằng 168,59% so với Hà Nội. Ngoài ra, 2 nhóm hàng là “thiết bị và đồ dùng gia đình” và nhóm “hàng hóa và dịch vụ khác” cũng cao hơn Hà Nội từ 4% - 7%, trong khi đó các nhóm hàng khác đều thấp hơn Hà Nội từ 22% - 6%.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn