Lao động thi tiếng Hàn để được sang Hàn Quốc làm việc năm 2016. Ảnh: Phạm Thanh.
Bỏ trốn về nước vẫn được tuyển lại
Sáng 3/4, trao đổi với báo chí về kế hoạch tổ chức thi tiếng Hàn tuyển 3.600 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong năm nay, ông Đặng Sỹ Dũng, Phó Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Năm nay sẽ có nhiều thay đổi so với trước. Theo đó, 800 chỉ tiêu làm trong ngành nông nghiệp tại Hàn Quốc chỉ dành cho lao động cư trú tại 64 huyện nghèo thuộc chương trình 30a và các xã nghèo ven biển, hải đảo.
Đặc biệt, những lao động về nước đúng hạn, từng bỏ trốn ra ngoài làm bất hợp pháp nhưng tự nguyện về nước trước ngày 31/12/2016 vẫn được thi để trở lại Hàn Quốc làm việc (kể cả những huyện bị tạm dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc do lao động bổ trốn nhiều). Đồng thời, ngành nghề ngư nghiệp chỉ tuyển tại những huyện ven biển, hải đảo có nghề biển, nhằm tránh trường hợp không có nhu cầu sang Hàn Quốc đi biển vẫn thi, và khi đi rồi thì bỏ trốn.
Ngoài ra, có 5 huyện của Hà Tĩnh, 3 huyện của Quảng Bình dù thuộc diện tạm dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc, vẫn được ưu tiên tuyển đi làm ngư nghiệp. Do những địa phương này vừa chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ra.
Kỳ thi tiếng Hàn năm nay do phía Hàn Quốc trực tiếp thực hiện, từ khâu ra đề, giám sát, chấm thi tới tuyển chọn. Trung tâm Lao động ngoài nước (Cục Quản lý Lao động Ngoài nước) là đơn vị duy nhất của Việt Nam được giao phối hợp tổ chức. “Quá trình thi, tuyển chọn đều do phía Hàn Quốc thực hiện, nên việc can thiệp, gian lận từ phía Việt Nam là không thể. Tuy nhiên, do lao động có nhu cầu đi Hàn Quốc rất lớn, nhiều đối tượng đã lợi dụng tung tin nhằm lừa đảo. Người lao động không nên tin lời rêu rao của ai đó đảm bảo thi đỗ, đi Hàn Quốc nhanh, sẽ không có điều đó xảy ra”, ông Dũng nói.
Trong kỳ thi tiếng Hàn năm 2016, có khoảng 30 trường hợp gian lận bị phát hiện. Những người vi phạm này sẽ bị cấm 3 năm không được dự thi tiếng Hàn để đi lao động tại Hàn Quốc. Dự kiến, kỳ thi tiếng Hàn năm 2017 sẽ tuyển 1.500 lao động sản xuất chế tạo, 500 lao động xây dựng, 800 lao động ngư nghiệp, 800 lao động nông nghiệp. Người lao động nộp hồ sơ tại Sở LĐ-TB&XH các địa phương và trung tâm lao động ngoài nước.
Nạn bỏ trốn khiến quan chức “đau đầu”
Theo thống kê từ Hàn Quốc, hiện Việt Nam có khoảng 40.000 người đang làm việc tại nước này. Ngoài ra, có thêm 16.100 lao động đang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chiếm 39% số lao động cư trú bất hợp pháp tại quốc gia này.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, nếu chiếu theo quy định của Hàn Quốc, Việt Nam có thể không đủ điều kiện được tiếp tục đưa lao động sang, do tỷ lệ lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp lớn. “Chúng tôi rất đau đầu và đau đáu tình trạng lao động bỏ trốn, không chỉ tại Hàn Quốc, thị trường Đài Loan cũng rất phức tạp”, ông Đặng Sỹ Dũng nói. Theo ông Dũng, lao động bỏ trốn vì nhiều người vẫn muốn ở lại làm thêm vài năm. Lao động Việt Nam nhanh nhẹn, học việc nhanh cả khi đổi nghề khác và sự tương đồng về văn hóa nên các doanh nghiệp nước bạn thích sử dụng. Ngoài ra, cũng phải kể tới cộng đồng người Việt tại những nước này lớn…
Để ngăn chặn tình trạng lao động bỏ trốn, đơn vị quản lý tiếp tục nhấn mạnh tới giải pháp tuyên truyền, tạm dừng tuyển chọn tại những địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao, xử phạt, ký quỹ… Tuy vậy, ông Dũng thừa nhận, biện pháp xử phạt rất khó thực hiện.
Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH tạm dừng tuyển chọn lao động sinh sống tại 58 quận/huyện, thuộc 12 tỉnh thành có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao. Trong đó, Nghệ An có 11 huyện, Hải Dương 7 huyện, Hà Tĩnh 6 huyện, Hà Nội 5 huyện, Nam Định 5 huyện, Bắc Ninh 5 huyện, Thanh Hóa 4 huyện, Thái Bình 4 huyện, Quảng Bình 3 huyện, Hưng Yên 3 huyện, Bắc Giang 3 huyện, Phú Thọ 2 huyện. Ngoài ra, còn 51 quận/huyện khác cũng vào “tầm ngắm”, không loại trừ sẽ bị tạm dừng tuyển trong năm 2018. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn