Chú trọng thị trường truyền thống
Báo cáo tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 27/5, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, do những biến động về khí hậu thời tiết, nắng nóng kéo dài, rét đến muộn kèm theo rét đậm, rét hại kéo dài dẫn đến xáo trộn về sinh trưởng của cây vải thiều.
Đây là nguyên nhân khiến cho vải thiều ra hoa muộn, tỷ lệ ra hoa và đậu quả giảm khoảng 40% so với năm 2016, ước đạt khoảng 100 nghìn tấn. Năm nay sản lượng vải thiều theo tiêu chuẩn VIETGAP đạt khoảng 40.000 tấn, theo tiêu chuẩn GLOBALGAP đạt khoảng 1.600 tấn. Đặc biệt, Bắc Giang đã có 218 ha vải thiều được Mỹ cấp mã số với 394 hộ sản xuất.
Các thị trường truyền thống tiếp tục được Bắc Giang xác định là quan trọng nhất trong tiêu thụ vải thiều năm nay. Trong đó, đối với thị trường nội địa, Bắc Giang xác định tập trung vào Hà Nội và TPHCM, một số tỉnh lân cận. Thị trường xuất khẩu năm nay ước đạt khoảng 50 nghìn tấn, chiếm 50% tổng sản lượng nhưng vẫn tập trung vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bắc Giang tiếp tục nâng cao sản lượng xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, đồng thời mở rộng thêm một số thị trường xuất khẩu khác như Trung Đông, Thái Lan, Canada…
Thu mua vải thiều sớm.
Vải thiều “rộng cửa” sang Trung Quốc
Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định: Chính quyền các cấp của Bắc Giang sẽ cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn cho các thương nhân đến Bắc Giang đầu tư, kinh doanh, thu mua, chế biến và tiêu thụ vải thiều.
Ông Thái cũng đề nghị các tỉnh vùng giáp biên sẽ tạo điều kiện về giao thông cho các phương tiện vận chuyển vải thiều, tạo điều kiện về kho, bãi, ưu tiên thông quan trước đối với vải thiều, rút ngắn tối đa thời gian thông quan và cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, bố trí cán bộ làm thêm giờ để việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhanh chóng, kịp thời, phối hợp vận động trao đổi cơ quan chức năng phía Trung Quốc mở rộng các điểm thông quan xuất khẩu đối với vải thiều.
Bắc Giang cũng đề nghị các ngành chức năng tích cực hỗ trợ kết nối cung cầu tiêu thụ vải thiều, hỗ trợ thực hiện các quy trình trình kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch để quả vải thiều đạt chất lượng cao nhất, thực hiện các thủ tục kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm bảo đảm thông thoáng và thuận lợi nhất, tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường và đơn giản hóa các thủ tục nhập khẩu quả vải thiều tươi với một số thị trường như Mỹ, Autralia, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tại hội nghị, đại diện các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc như Lạng Sơn, Lào Cai đều khẳng định tạo điều kiện thuận lợi hết sức cho vải thiều Bắc Giang sang Trung Quốc với phương châm, thời gian thông quan không quá 20 phút.
Đại diện tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để vải thiều được thông quan nhanh chóng. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng ưu tiên giải quyết thủ tục thông quan cho quả vải thiều trước so với các loại hàng hóa khác, bố trí phân làn phương tiện và khu vực tập kết riêng cho mặt hàng vải thiều đồng thời đang đề nghị Chính phủ cho phép thông quan mặt hàng vải thiều đến 22 giờ hàng ngày.
Năm nay, các lực lượng chức năng tại Hà Khẩu (Lào Cai) đã đồng thuận cho phép xe tải cỡ lớn của Việt Nam được vận chuyển thẳng qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, giúp giảm chi phí bốc xếp hàng hóa và cước phí vận tải của doanh nghiệp.
Ông Phương Đông, Phó Huyện trưởng huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) đánh giá cao chất lượng, mẫu mã của quả vải thiều Bắc Giang: “Vải thiều Bắc Giang có chất lượng tốt, mùi vị thơm ngon, được quảng bá rộng rãi ở Trung Quốc và nhận được sự ủng hộ, yêu thích sâu sắc của người tiêu dùng Trung Quốc, đáp ứng được yêu cầu thị trường Trung Quốc, đồng thời mở rộng thương mại song phương hai nước”, ông Phương Đông nói.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn