Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã chi hơn 1,5 tỉ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Thị trường nhập khẩu chính thức ăn gia súc của Việt Nam vẫn là Argentina (chiếm 45% thị phần), tiếp đến là Mỹ (13%), Ấn Độ và Trung Quốc.
Ngoài ra, trong năm tháng đầu năm nước ta cũng nhập khẩu 643 ngàn tấn đậu nành với giá trị 280 triệu USD, tăng 8% về khối lượng và tăng 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Khối lượng và giá trị nhập khẩu bắp cũng tăng. Đặc biệt, bốn tháng đầu năm, khối lượng nhập khẩu bắp của thị trường Thái Lan tăng hơn 48 lần so với cùng kỳ năm 2016 nhưng giá trị tăng hơn 4,5 lần.
Trong khi đó, giá heo hơi trong nước vẫn đang ở mức thấp 24.000-25.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang thua lỗ nặng nề. Dù mới đây đón tin vui Trung Quốc sẽ nhập khẩu lại heo Việt Nam nhưng vẫn khó khăn xuất sang thị trường này với yêu cầu xuất theo đường chính ngạch. Chưa kể những điều kiện về vùng kiểm dịch an toàn, giết mổ, đông lạnh đảm bảo yêu cầu Trung Quốc đưa ra.
Theo các chuyên gia chăn nuôi, hiện tại với năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang vượt sức tiêu thụ, phải hướng tới xuất khẩu hoặc có biện pháp hành chính để giảm tốc độ lại, không những để giải quyết bài toán kinh tế mà còn liên quan tới môi trường.
Mới đây, Cục Chăn nuôi cho biết đã tham mưu và trình Bộ NN&PTNT gửi văn bản tới tất cả các tỉnh, thành phố, tạm thời dừng xây dựng các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới. Theo Cục Chăn nuôi, ngành thức ăn chăn nuôi phải đẩy mạnh nội lực, làm sao sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả hơn, kiểm soát dịch bệnh, giảm giá thành.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn