Tăng cao vì lo xa
Theo Dự luật lần 3, Bộ Tài chính tiếp tục bảo lưu đề xuất tăng khung thuế môi trường với xăng lên mức tối đa 8.000 đồng/lít, xăng máy bay lên tối đa 6.000 đồng/lít, các loại dầu lên tối đa 4.000 đồng/lít (trừ dầu hỏa vẫn giữ mức tối đa 2.000 đồng/lít như hiện hành).
Sau khi đưa ra các dự thảo lần trước, nhiều bộ ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đã có ý kiến góp ý gửi về bộ. Cụ thể, có ý kiến cho rằng, căn cứ điều chỉnh khung thuế chưa rõ, theo dự thảo mức thuế ở Việt Nam thấp, nhưng cơ quan soạn thảo không nêu rõ dẫn chứng các nước ra sao.
Có ý kiến đề nghị tăng mức thuế tối đa trong khung thuế bằng 1,5 lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành, chỉ tăng từ 4.000 đồng/lít lên 6.000 đồng/lít (thay vì mức 8.000 đồng/lít). Có cơ quan đề nghị chỉ tăng mức thuế tối đa đối với xăng lên 5.000 đồng/lít, vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, do đó khi tăng mức thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến mọi mặt hoạt động của xã hội.
Đáp lại những ý kiến trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng khung thuế môi trường không chỉ xét ở góc độ thuế nhập khẩu với xăng dầu giảm, đã tính tới những yếu tố khác, như: Hạn chế dùng xăng dầu để khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế; giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam thấp; để chủ động ứng phó với biến động giá xăng dầu thế giới… Ngoài ra, theo đơn vị soạn thảo, khung thuế đề xuất tăng để áp dụng cho thời gian dài, khi nào cần tăng sẽ có đánh giá tác động tới kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ hoàn chỉnh và bổ sung báo cáo đánh giá tác động.
Bộ Tài chính đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít. (Người dân xếp hàng mua xăng tại cây xăng số 1 Trần Quang Khải - Hà Nội). Ảnh: Như Ý.
Cố tăng bằng được và ngụy biện
Cũng có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính bổ sung việc tăng thuế bảo vệ môi trường để ưu tiên cho công tác bảo vệ môi trường. Vấn đề này Bộ Tài chính lặp lại giải thích, khoản thu thuế bảo vệ môi trường không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể, mà hòa vào ngân sách và chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Theo Dự luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế. “Do đó, đề nghị giữ như quy định tại dự thảo luật”, Bộ Tài chính lý giải.
Đây là lần thứ 3 Dự luật này được đưa ra lấy ý kiến công khai. Khác 2 lần trước, lần này Bộ Tài chính không gửi kèm dự thảo tờ trình, với các giải thích cho khung thuế được đưa ra; tổng thu thuế môi trường các năm qua; tổng chi và các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường…
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cho rằng, Bộ Tài chính đang cho thấy sự cố gắng để thực hiện bằng được mục đích của mình (tăng khung thuế môi trường với xăng dầu - PV). Thông qua mọi cách minh chứng, lập luận, ngụy biện cho đề xuất tăng khung thuế của mình.
Còn TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế chia sẻ, chỉ sau thời gian ngắn bị dư luận phản đối vì tiền chi bảo vệ môi trường thấp hơn số thu thuế bảo vệ môi trường, nhưng vẫn đề xuất tăng khung thuế, Bộ Tài chính đã thay đổi các tính toán. Tất cả đưa ra chỉ để bảo lưu quan điểm thuế môi trường vẫn phải tăng. Ông Doanh phản đối mạnh việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Dù không phải tăng ngay, nhưng tăng khung tức là mở ra cơ hội để tăng về sau. Trong khi đề xuất tăng thuế môi trường với xăng dầu chỉ là lý do để tăng thu ngân sách trong bối cảnh ngân sách khó khăn, vì thu với xăng dầu luôn dễ nhất, ai cũng phải dùng xăng.
Nếu Dự luật được Quốc hội thông qua, khung thuế môi trường mới với xăng dầu sẽ áp dụng từ 1/7/2018.
Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2012 - 2016, tổng thu thuế bảo vệ môi trường là 105.985 tỷ đồng. Về tổng chi cho môi trường trong cùng giai đoạn, dự thảo lần 1, Bộ Tài chính đưa ra mức chi là 52.142 tỷ đồng; tới dự thảo lần 2 tổng số chi này tăng lên 131.857 tỷ đồng (cao hơn số thu). |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn