Như vậy, từ tháng 4-2017, các doanh nghiệp sữa sẽ quay về kê khai giá sữa. Khi tăng, giảm giá sữa trong phạm vi 5% thì DN gửi thông báo cho cơ quan quản lý (Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương); nếu tăng, giảm liên tiếp mà cộng dồn lại có vượt hơn 5% thì DN thực hiện thủ tục kê khai giá.
DN đầu mối sẽ xác định giá bán lẻ và thông báo hệ thống phân phối của mình cho ngành công thương. Mức giá bán lẻ này là giá trần cao nhất trong hệ thống bán lẻ. DN đầu mối và các cơ quan quản lý sẽ giám sát giá bán lẻ trong hệ thống, không vượt quá giá trần.
Sáng 18-4, tại hội thảo góp ý dự thảo thông tư về quản lý giá sữa, đại diện Công ty Vinamilk cho rằng việc tính mức biển đổi “liên tiếp” trên 5% cần được xác định trong một khoảng thời gian nào, ví dụ trong vòng sáu tháng, một năm hay hai năm. Ông cho rằng một năm là thời gian dài và có nhiều biến động về giá thành, nên sẽ biến động trên 5%, mà yêu cầu kê khai giá thì có lẽ DN nào cũng phải kê khai giá.
Sở Công Thương TP.HCM cũng có ý kiến về vướng mắc có thể xảy ra khi kê khai giá “liên tiếp”. Ví dụ có DN kê khai tuần đầu 2%, tuần kế tiếp kê khai tăng 2%, cộng hai tuần thì mới tăng có 4%. Thế nhưng đến tuần thứ ba lại khai tăng 2% nữa, trong vòng ba tuần đã tăng đến 6% nhưng nếu chỉ xét “liên tiếp” thì hai lần liên tiếp chỉ có 4%.
Ông Nguyễn Lộc An, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư, cho biết trước đây Luật Giá có hở một lần rồi, quy định không khai quá 15%, thế là cứ 12-14% mà người ta xin tăng. Chúng tôi sẽ ghi nhận để sửa lại, tiếp thu.
Đại biểu đang nêu ý kiến tại hội thảo góp ý dự thảo thông tư về quản lý giá sữa
Ông Arnaud Renard (Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu - Eurocham) cho rằng thị trường sữa hiện rất cạnh tranh. Dự thảo đưa ra cách tiếp cận mới, là kiểm soát chuỗi cung ứng - phân phối, nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, ông góp ý rằng dự thảo này của Bộ Công Thương đã sai... Luật Giá. Luật Giá quy định việc kê khai giá là chỉ cần nộp thông báo cho cơ quan quản lý mà thôi. Trong khi đó, theo dự thảo của Bộ Công Thương thì giá sữa gần như phải đăng ký giá, phải xin phép. Nếu DN gửi giá đến cơ quan quản lý mà không được cơ quan quản lý chấp nhận thì DN không được áp dụng giá đó. DN sẽ không được điều chỉnh giá nếu không hợp lý.
"Đây là can thiệp quá sâu vào quyền định giá của DN" - ông Arnaud Renard nhận xét.
Ông Nguyễn Lộc An khẳng định: “Tôi làm đúng Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, chúng tôi sẽ trả lời cụ thể nếu ngài có văn bản”.
Nghị định 177/2013 hướng dẫn thi hành Luật Giá và Nghị định 149/2016 hướng dẫn bổ sung, có quy định rằng sữa cho trẻ dưới sáu tuổi thì Bộ Công Thương được toàn quyền quản lý. Như vậy, chúng tôi (Bộ Công Thương) đưa ra dự thảo này là đúng, chúng tôi chỉ đưa ra quy định cho sữa cho trẻ dưới sáu tuổi, chúng tôi không “đụng” đến các mặt hàng khác.
Ông cũng viện dẫn rằng nghị định trên cho phép Bộ Tài chính quy định mẫu và hướng dẫn tiếp nhận văn bản kê khai giá. Bộ Tài chính đã có Thông tư 56/2014 và Thông tư 233/2016, hướng dẫn cho phép cơ quan quản lý được quyền yêu cầu DN giải trình về giá, nếu DN giải trình mà không hợp lý thì cơ quan quản lý có quyền buộc DN áp dụng giá hiện dùng, không tăng giá mới.
Ông An cũng cho rằng Bộ Công Thương đã áp dụng ba nguồn cho DN làm thủ tục: văn bản chính thức, fax và thư điện tử (online). Để nhanh thì DN gửi văn bản qua online nhưng sau đó vẫn phải gửi bản giấy chính thức để lưu trữ làm bằng chứng.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn