Chị Nguyễn Thị Gái ở Bù Đăng (Bình Phước) cho biết, chị có 3ha trồng điều nhưng hai năm trở lại đây luôn nằm trong danh sách hộ nghèo. Lý do là thời tiết thiếu thuận lợi, sương muối nhiều khiến tỷ lệ đậu trái thấp chưa từng có, có khu vực dường như mất trắng. Do đó dù giá điều cao ngất nhưng gia đình chị Gái vẫn trắng tay.
Hiện, Bù Đăng là nơi có diện tích điều lớn nhất với gần 60.000 ha, ghi nhận ban đầu có khoảng hơn 865 ha bị sâu bệnh gây hại, một số khác thì bị cháy khô…
Không chỉ tỉnh Bình Phước bị mất mùa mà tại Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Thuận… người trồng cũng đang gặp khó với vụ điều năm nay. Hiện, Bình Thuận có khoảng 18.000ha điều, chủ yếu trồng tập trung ở ba huyện Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Tân. Trong đó, Đức Linh là nơi có diện tích điều nhiều nhất tỉnh với hơn 10.000 ha, tập trung tại các xã Mê Pu, Sùng Nhơn, Đức Hạnh, Tân Hà… Theo Phòng nông nghiệp tỉnh Bình Thuận, đến nay, các vườn điều bị hư hại 80-90%.
Điều mất mùa, giá tăng cao nên nông dân gần như mất trắng.
Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, năm nay tình trạng mất mùa nặng hơn so với mọi năm. Khảo sát của Vinacas tại các tỉnh cho thấy, nhiều nơi nhà vườn mất trắng, một số khác chỉ đạt 40%, nơi cao lắm cũng chỉ đạt 70% năng suất so với cùng kỳ. Nhìn tổng thể, mùa điều năm nay mất mùa và giảm sản lượng lên tới 50%. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp chế biến đã phải giảm công suất.
Trong những tháng đầu năm nay, lượng điều dành cho xuất khẩu giảm tới 70% so với cùng kỳ, nhiều doanh nghiệp đã phải nhập thêm nguyên liệu với số lượng lớn hơn các năm để sản xuất cho thị trường nhập khẩu. Thống kê 2 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng điều ước đạt 26.000 tấn, tương đương giá trị 232 triệu USD , giảm 26,2% về khối lượng và giảm 12% về giá trị so với cùng kỳ 2016.
“Hiện giá điều thế giới tăng so với cùng kỳ năm trước, điều nhân giá bình quân 9,5 USD một kg, còn điều thô 1.800 USD một tấn. Lượng điều hiện thiếu hụt nên nếu nhập nhiều từ nước ngoài thì giá thành phẩm có thể sẽ biến động” - ông Thanh nói.
Là chuyên gia trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Lãng cho hay, trên thực tế điều nguyên liệu trong nước không đủ hàng xuất khẩu, chỉ đạt 400.000 tấn và phải nhập thêm từ Bờ Biển Ngà. Năm nay dù được giá nhưng người dân lại mất mùa, nên dự kiến điều nguyên liệu nhập khẩu sẽ tăng hơn so với mọi năm. Với tình trạng này, nếu năm nay sản lượng điều trong nước giảm 100.000 - 200.000 tấn thì các doanh nghiệp sẽ phải nhập thêm 700.000-800.000 tấn để phục vụ chế biến cho xuất khẩu.
Trước tình hình này, tỉnh Bình Phước sẽ tổ chức hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều từ ngày 14 – 16/5, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến điều kịp thời điều chính phương án sản xuất, thực hiện các quy định trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà VN ký kết với các đối tác trên thế giới.
Bà Huỳnh Thị Hằng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, diện tích và sản lượng điều của Bình Phước chiếm ½ cả nước. Tuy chiếm tỷ trọng lớn nhưng giá trị hạt điều chỉ đạt 500 triệu USD, lý do là hạt điều Bình Phước vẫn mới dừng ở khâu nguyên liệu và xuất khẩu thô. Cần phải tạo thêm thương hiệu điều cho tỉnh.
“Ngành điều là ngành quan trọng của tỉnh Bình Phước, tuy nhiên diện tích chỉ còn 143.000ha, năng suất bình quân đạt 1,6 tấn/ha. Toàn tỉnh có 270 nhà máy chế biến và 1.600 hộ kinh doanh điều, giải quyết cho 40.000 lao động tại chỗ. Do đó, tỉnh muốn tạo điều kiện để người trồng điều, các doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu có cơ hội giao thương, hợp tác, đàm phán với các đối tác nước ngoài” – bà Hằng cho hay.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn