Trang bị tàu xịn để vươn khơi
Sinh ra, lớn lên trong một gia đình truyền thống có hơn 40 năm đi biển, nhưng anh Ngộ không chọn nghề khai thác hải sản truyền thống lại chọn công việc mới mẻ, mạo hiểm chưa ai làm đó là nghề câu lươn biển.
Lươn biển đánh bắt ở Việt Nam được người Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan rất mê. Ảnh: Kim Oanh.
Anh Ngộ cho biết, gia đình anh làm nghề đi biển, tuy vậy hơn 10 năm nay anh không đi đánh bắt mà chỉ chuyên mua thuỷ, hải sản xuất sang các nước. Trong thời gian này, có mấy đối tác muốn mua con lươn biển. Anh bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu thấy vùng biển Việt Nam có con lươn biển này. Tuy nhiên không phải do ngư dân không đánh bắt mà vì đánh bắt không hiệu quả, bởi nếu không có kỹ thuật chăm sóc con lươn biển rất dễ hư hỏng. Trong khi, lươn biển nuôi sống mới có giá trị kinh tế cao.
Để làm ăn với khách nước ngoài bền vững, điều đầu tiên mình phải học là giữ chữ tín, cam kết chất lượng nguồn hàng, độ tươi sống, thời gian giao hàng”. Anh Thái Vinh Ngộ |
Từ đó, anh nghĩ đến việc đầu tư để đánh bắt con lươn biển và bàn với vợ làm. Ban đầu anh thuê tàu sắt để đi câu thử, tuy nhiên không hiệu quả, do không đồng bộ, con lươn đánh bắt về chết hết.
Sau đó, anh Ngộ sang Nhật Bản, Hàn Quốc để tìm tòi, học hỏi phương thức câu lươn biển trên tàu và cách để nuôi sống con lươn. Nắm được kỹ thuật, giữa 2016, hai vợ chồng anh mạnh dạn thế chấp ngôi nhà và mảnh đất đang ở để vay 10 tỷ đồng từ Ngân hàng NNPTNT để đóng mới nguyên chiếc tàu công suất 1370 CV với tổng kinh phí 11 tỷ đồng để vươn khơi câu lươn biển.
Tàu được thiết kế khác xa với một chiếc tàu đánh bắt cá thông thường. Máy móc lắp đặt trên tàu được anh đầu tư công nghệ từ các nước Mỹ, Nhật Bản. Tàu được lắp đặt với nhiều máy móc gồm ngoài máy chính của tàu, còn được lắp đặt thêm máy oxy, phân cỡ, máy đông lạnh… để duy trì sự sống cho con lươn.
Anh Thái Vinh Ngộ "liều" vay món tiền "khủng" đóng tàu to để câu lươn biển xuất khẩu. Ảnh: Kim Oanh.
“Con tàu này mình tự mua máy móc, lắp ráp để phù hợp cho nghề câu lươn. Trên tàu được trang bị 7-8 cái máy như máy tời, máy phân cỡ cá, máy đông lạnh… để loại bỏ những con lươn nhỏ về với biển. Đây gần như là một nghề mới, con lươn được câu dưới độ sâu từ 800-1.500m. Chỉ có mình mới dám làm thế này” - anh Ngộ chia sẻ.
Đưa lươn biển xuất ngoại
Hiểu việc đầu tư đóng tàu, mua sắm máy móc thiết bị phát triển nghề câu lươn biển là bước đi mạo hiểm, nhưng khi trò chuyện, anh Ngộ luôn tin quyết định của mình sẽ thành công.
Anh Ngộ lý giải, nghề câu lươn biển hiện còn quá mới mẻ đối với ngư dân Việt bởi người tiêu dùng trong nước không dám sử dụng do tâm lý e ngại. Điều này trái ngược với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan khi người dân xem lươn biển là một đặc sản. Ngoài ra, ngư dân lâu nay đã quen với việc đánh bắt hải sản nên khi thí điểm mô hình đánh bắt mới, nhiều người sẽ bán tín bán nghi.
“Sau khi con tàu đầu tiên được hạ thuỷ, suốt 7 tháng mình mất ăn mất ngủ trên từng chuyến biển cùng 13 thuyền viên. Tính ra, trừ chi phí vận chuyển, trả lương lao động, mình xem như… huề vốn. Năm vừa rồi thời gian đánh bắt có 7 tháng thì đến 2 tháng trời mưa bão, lao động nghỉ tết. Chỉ với gần 5 tháng thôi mà tính ra huề vốn là một thành công lớn ngoài mong đợi” - anh Ngộ vừa nói vừa tính toán.
“Khi mình mới bắt đầu làm, kêu bạn đi biển không ai dám đi vì nghề lạ quá, họ không biết thu nhập thế nào. Sau mình quyết định trả lương cho mỗi người 10 triệu đồng/tháng họ mới đi” - anh Ngộ chia sẻ thêm.
Anh Thái Vinh Ngộ kiểm tra lại máy tàu để chuẩn bị ra khơi câu lươn biển xuất khẩu. Ảnh: Kim Oanh
Sau thành công ban đầu với con tàu thứ nhất, tháng 3 vừa qua, anh Ngộ tiếp tục vay vốn, cùng với sự đóng góp từ bạn bè, người thân đóng mới và cho hạ thuỷ con tàu thứ 2 với công suất 970 CV cũng được đầu tư với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng. Anh Ngộ cho biết, con lươn biển sau khi câu lên được anh đưa về nuôi tại nhà xưởng sau đó đóng thùng xuất sang các nước bằng máy bay.
Nói về kỹ thuật câu lươn biển, anh Ngộ cho biết thức ăn ưa thích của lươn biển là cá nục nên hằng năm anh dự trữ 150 tấn cá cho mỗi con tàu ra khơi. Mồi được anh bỏ vào trong những thùng phi được khoét lỗ vừa đủ để dụ con lươn chui vào, rồi thả xuống độ sâu 800 - 1.500m trong 1-2 ngày, thả càng sâu lươn sẽ chui vào càng nhiều, sau đó kéo lên tàu thu lươn.
Còn về quy trình chăm sóc cho đến khi đưa con lươn xuất sang các nước đòi hỏi cả một quá trình. Anh Ngộ lý giải: “Con lươn sau khi kéo lên sẽ được đưa ngay vào các bể nuôi trên tàu được điều chỉnh nhiệt độ, oxy thích hợp bởi các thiết bị trên tàu để duy trì sự sống. Lên bờ, con lươn sẽ tiếp tục được đưa ngay vào nuôi trong nhà xưởng khoảng vài ngày cũng được hỗ trợ các thiết bị điều chỉnh oxy, môi trường nước, nhiệt độ... Sau đó khi đủ trọng lượng yêu cầu mới đóng thùng xuất đi các nước bằng máy bay”.
Anh Ngộ cho biết thêm, không giống ở Việt Nam, các nhà hàng tại Nhật Bản, Đài Loan rất khắt khe đối với chất lượng hải sản. Điều quan trọng là khi con lươn xuất qua nước bạn phải đảm bảo yêu cầu của đối tác, đủ trọng lượng và quan trọng là phải còn sống.
“Con lươn biển từ khi đánh bắt cho đến lúc giao khách hàng, ngoài yêu cầu về trọng lượng, thì toàn bộ con lươn phải còn sống. Nếu lươn chết, khách hàng sẽ căn cứ theo hợp đồng, toàn bộ số hàng sẽ trả lại và mình chấp nhận chịu lỗ. Để làm ăn với khách nước ngoài bền vững, điều đầu tiên mình phải học là giữ chữ tín, cam kết chất lượng nguồn hàng, độ tươi sống, thời gian giao hàng. Hiện nguồn hàng của mình đều được khách hàng bao tiêu toàn bộ. Đánh bắt bao nhiêu họ thu mua bấy nhiêu…” - anh Ngộ chia sẻ thêm.
Được biết, hiện với hai tàu câu lươn, anh Ngộ đang tạo việc làm cho gần 40 lao động với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, có nhiều ngư dân được anh hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp đánh bắt và thu mua con lươn với một điều kiện, là không được đánh bắt theo kiểu tận diệt…
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn