Chị K.H (Tây Hồ, Hà Nội) vừa đặt mua bộ váy trên trang Facebook Soraka.vn với giá 560.000 đồng. Tuy nhiên khi nhận hàng, chị K.H 'sốc' khi bộ váy khác xa với hình chị nhìn trên mạng. Chị K.H cho biết: “Lúc đặt mua, phía bán hàng cam kết hình đúng như trên mạng và có thể đổi trả được”. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận hàng, chị H liên hệ theo số điện thoại trên bưu phẩm nhưng phía Soraka chỉ hứa hẹn, sẽ đổi sang size khác hoặc mẫu khác chứ không hàng và lấy lại tiền.
“Cộng thêm cước phí vận chuyển, tôi mất gần 600.000 đồng cho chiếc váy không thể mặc được. Chất vải quá xấu và khác đến 80% hình trên mạng nên giờ chắc vứt xó chiếc váy này”, chị H nói.
Còn chị Mai Ngọc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cảm giác như bị lừa khi đặt mua bộ bikini cánh bướm trên địa chỉ Facebook Queen fashion với giá 315 đồng/bộ. Chị Ngọc chia sẻ: “Lúc nhìn hình ảnh trên mạng bộ bơi màu đen nhưng khi nhận lại là màu xanh đậm và chất vải rất nhão không như những cam kết của người bán hàng về chất lượng”.
Chiếc váy 'thảm hoạ' khi mua qua địa chỉ Facebook Soraka.vn.
Tương tự, chị Kim Chi (Đại Mỗ, Hà Nội) cũng thất vọng khi nhận được bộ quần áo màu hồng khi đặt mua trên mạng. Chị Chi cho biết, lúc mở Facebook ra thấy ngập quảng cáo quần áo. Khi gọi điện thoại đặt chị cũng được tư vấn và lập tức được chuyển hàng ngay trong ngày.
“Vì không muốn tốn nhiều thời gian mua sắm nên tôi mua hàng qua mạng. Cứ tưởng tìm được địa chỉ tin tưởng vì trên facebook đưa cả địa chỉ shop quần áo nhưng lại mất tiền, không dùng được”, chị Chi nói.
Chị Nga Linh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - người có thâm niên 'săn' hàng qua mạng cho biết, đối với các sản phẩm hàng hiệu thì người mua hàng có thể yên tâm về chất lượng, mẫu mã ở trên mạng so với thực tế bởi đó là những thương hiệu uy tín. Song, chị Linh cũng cảnh báo cũng có trường hợp dù là hàng hiệu nhưng đôi khi có vài lỗi nhỏ, các cửa hàng 'gia cố' lại mà khách hàng không biết.
'Những trường này là cá biệt bởi thời trang hàng hiệu luôn có chính sách chăm sóc khách hàng rất tốt và họ luôn giữ uy tín', chị Linh chia sẻ.
Trên mạng xã hội, rất nhiều người cũng rao bán đồng hồ Rolex ’xịn’ với giá vài ba triệu đồng trong khi những chiếc đồng hồ này có giá từ hàng trăm triệu đồng tới bạc tỷ.
Cũng theo chị Linh, để mua được hàng ưng ý hoặc đúng với mẫu mã, chất lượng và giá cả thì người mua cần thỏa thuận với người bán việc đổi trả để tránh việc 'đầu dê, thịt chó'.
'Đối với mặt hàng có giá trị lớn thì tốt nhất nên thanh toán khi nhận hàng và có sự thỏa thuận về đổi trả, bảo hành để tránh rắc rối cũng như mất tiền oan', chị Linh khuyên.
Việc kinh doanh bán hàng trên mạng nở rộ khi ngày càng có nhiều người tham gia mạng xã hội hay các website thương mại điện tử. Tuy nhiên, người mua như lạc vào ma trận bởi các hình ảnh quảng cáo lung linh nhưng khi nhận hàng không giống như hình ảnh. Trong khi đó, chủ cửa hàng tìm mọi lý do để thoái thác việc đổi trả cho khách.
Theo đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hiện, việc thu thuế kinh doanh qua mạng xã hội chưa thể thu thuế được vì còn nhiều khó khăn. Hầu hết giao dịch bằng thông qua điện thoại và bằng tiền mặt. Sắp tới ngành sẽ có hướng dẫn thu thuế kinh doanh trên Facebook, qua mạng xã hội trong thời gian sớm nhất. Vị này khẳng định theo quy định pháp luật về thuế, chính sách thuế thu nhập cá nhân thì thu thuế qua các trang web thương mại điện tử như Facebook là có cơ sở. Tuy nhiên, vị này thừa nhận, việc quản lý và thu thuế như thế nào thì cơ quan thuế còn phải nghiên cứu. Cơ quan thuế sẽ phối hợp với ngân hàng, công thương, thông tin truyền thông... nghiên cứu trên cơ sở đó đề ra chính sách phù hợp với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn