Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam vừa có văn bản cho biết đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải về việc hãng tàu Hanjn bị thua lỗ và đã nộp đơn lên toà án xin phá sản.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, sự kiện này có thể sẽ gây tác động trực tiếp đến hoạt động giao nhận, xuất nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp trong nước.
Để giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp Việt, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp tại cảng theo dõi sát tình hình tàu và container của hãng tàu Hanjin vào cảng, bố trí quy trình và phương tiện hợp lý để giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhận và giải phóng hàng nhanh chóng, thuận lợi.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã có hợp đồng vận chuyển hàng hoá với hãng tàu Hanjin và đã đưa vào container của Hanjin được lấy hàng ra và chuyển sang hãng tàu khác. Theo đó, các Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, doanh nghiệp dịch vụ Logistics cần nhanh chóng chọn các tàu thay thế, tránh chậm trễ trong việc giao nhận hàng và gây ùn tắc tại cảng. Đặc biệt, phải thông báo với Bộ Công Thương về tình hình nhận hàng, gửi hàng của các doanh nghiệp đã ký hợp đồng với hãng tàu Hanjin.
Đầu tháng 9 vừa qua, hãng tàu biển lớn nhất Hàn Quốc Hanjin tuyên bố phá sản đã gây ra nhiều xáo trộn trong thương mại toàn cầu. Động thái này diễn ra sau khi các ngân hàng quyết định chấm dứt hỗ trợ tài chính cho Hanjin và các cảng biển từ Trung Quốc tới Tây Ban Nha, Mỹ và Canada từ chối cho tàu của Hanjin vào cảng.
Hanjin là hãng vận tải tàu container lớn thứ 7 thế giới. Đây có thể là vụ phá sản lớn nhất từ trước đến nay trong ngành vận tải biển thế giới, vượt qua vụ phá sản của hãng United States Lines vào năm 1986. Sự việc lại diễn ra vào chính thời điểm sôi động nhất hàng năm của hoạt động vận tải biển toàn cầu nhằm vận chuyển hàng hóa phục vụ cho các kỳ nghỉ cuối năm. Hiện nhiều khách hàng của Hanjin cũng chưa tìm được đối tác thay thế.
Trong thông cáo phát đi ngay sau sự kiện trên, Bộ Công Thương cho biết, ngày 31/8/2016, Văn phòng đại diện của Hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) tại Việt Nam đã có thông báo về việc dừng không nhận booking hàng hóa mới kể từ ngày 31/8/2016.
Theo Bộ Công Thương, việc đệ đơn phá sản của Hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) đã, đang và sẽ có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu yêu cầu các doanh nghiệp nhanh chóng giải phóng hàng, lựa cọn các tàu thay thế.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, một số doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh gặp khó khăn không nhỏ. Với thị phần chiếm khoảng 5%, việc Hanjin phá sản cũng khiến tất cả các ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động.
“Các ngành hàng có khối lượng xuất nhập khẩu nhiều như dệt may, da giày, đồ gỗ hay hàng thủy sản đều bị ảnh hưởng. Trước mắt, mức cước phí của một số tuyến đường biển sẽ tăng do thiếu tàu, những đơn hàng đã đặt Hanjin sẽ phải chuyển sang hãng khác dù giá có thể cao hơn”, vị này cho biết.
Phương Dung
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn