Buổi tọa đàm diễn ra tại trụ sở báo Tiền Phong với sự có mặt của đại diện đến từ Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH), Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư BOT lớn và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
Sẽ miễn giảm tại mọi trạm thu phí
Vấn đề cấp thiết được chủ tọa buổi tọa đàm - Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong đặt ra: Sau khi Bộ GTVT quyết định miễn phí với người dân lân cận trạm thu phí cầu Bến Thủy, tình hình tập trung đông người không dịu đi mà có nguy cơ tiếp diễn như hiệu ứng domino.
Để giải quyết vấn đề, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư - cơ quan tham mưu quản lý các dự án BOT của Bộ GTVT cho hay, Bộ GTVT sẽ cùng các bộ ngành liên quan, nhà đầu tư, ngân hàng xây dựng một chính sách chung, theo hướng: Miễn hoặc giảm cho người dân xung quanh trạm thu phí theo khoảng cách. Chẳng hạn, tùy vào khoảng cách sinh sống của người dân có thể sẽ được miễn hoàn toàn hoặc được miễn 70%, 50% hay 20% khi qua trạm thu phí.
Người dân trong vùng phản đối việc thu phí ở cầu Bến Thủy 1. Ảnh: PV.
Ông Huy phân trần, các dự án BOT trên quốc lộ hiện nay vận hành theo hình thức thu phí hở (tuyến BOT có nhiều lối vào, chỉ thu phí tại một trạm cho toàn tuyến, khác với thu phí kín theo km của cao tốc - PV). Loại hình dự án và hình thức này chắc chắn sẽ có bất cập là không thể mang lại sự công bằng tuyệt đối cho tất cả các đối tượng.
Theo ông Huy, mâu thuẫn ở chỗ: Có người đi quãng đường ngắn nhưng vẫn phải trả tiền toàn tuyến. Ngược lại, nhà đầu tư chịu thiệt khi không thể thu phí những người đi trên chặng dài, không qua trạm. Chẳng hạn, tại dự án BOT từ Vinh đến Hà Tĩnh của Cienco 4, trạm đặt ở cầu Bến Thủy nên toàn bộ xe đi từ Nghi Xuân vào Hà Tĩnh, nhà đầu tư không thu được phí.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đề nghị có chính sách thống nhất. Ông Lương Văn Sơn - Giám đốc Ban chiến lược đầu tư, Tổng Cty Sông Đà (đầu tư dự án, thu phí tại Trạm thu phí cầu Rác, Hà Tĩnh) cho hay: Cuối tuần vừa rồi, sau khi miễn giảm tại khu vực cầu Bến Thủy liền có vài chục xe tụ tập để phản đối trạm thu phí cầu Rác. Đơn vị kịp thời giải quyết bằng hình thức miễn giảm giá vé cho nhân dân ở khu vực thu phí, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế.
Tổng Giám đốc Cienco 4 Nguyễn Tuấn Huỳnh phản ánh: Những năm qua, Cienco 4 tự trích thu nhập để giảm phí với người dân, không được tính vào chi phí của dự án (ước tính mỗi năm khoảng 4-5 tỷ đồng). Khi người dân đề nghị miễn nhiều hơn, vượt ngoài khả năng tự xử lý, Cienco 4 mong chờ sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước. Ông Huỳnh đề nghị, việc miễn giảm đã được Bộ GTVT quyết cho cầu Bến Thủy cần đưa vào phương án tài chính của dự án, không để doanh nghiệp phải tự chịu.
Người dân tập trung phản đối thu phí trên cầu Bến Thủy. Ảnh: Cảnh Huệ.
“Xin đừng bỏ rơi nhà đầu tư”
Đại biểu QH - Chủ tịch HĐQT Cty Tasco Phạm Quang Dũng, một trong những nhà đầu tư BOT lớn nhất hiện nay có bài phát biểu nhiều tâm tư. Ông Dũng kể, với tầm nhìn “đường đến đâu, giàu có theo đến đấy”, các địa phương khát khao, vận động nhà đầu tư BOT. Khi đường xong, dựng trạm thu phí để thu hồi vốn, nhà đầu tư hết sức khó khăn, căng thẳng (Tasco nằm trong liên doanh hai trạm thu phí có hiện tượng tập trung đông người gồm BOT tỉnh lộ 39B tại Thái Bình và QL 32 qua Phú Thọ - PV). Mặc dù, khi lập dự án, chọn địa điểm đặt trạm đều có thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Đại biểu QH này cho hay, việc Nhà nước can thiệp vào hợp đồng của nhà đầu tư là chưa đúng. “Đó là lý do, hơn 30 năm đổi mới, chưa một nhà đầu tư nước ngoài nào dám bỏ vốn vào các dự án làm đường của nước ta. Đến bây giờ, chúng ta giải quyết không có tình và có lý thì hậu quả rất lớn”. Gần đây, nhà đầu tư đặc biệt băn khoăn về các quyết định mang tính hành chính can thiệp vào việc thu phí của nhà đầu tư, trái với lộ trình trong hợp đồng BOT. “Tôi nghĩ, sẽ chẳng có ai dám làm BOT nữa đâu”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh cho hay, Cienco 4 tiên phong trong đầu tư BOT từ năm 2003, triển khai trên nhiều tỉnh thành, nhiều nhất tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Ông Huỳnh cho rằng, lâu nay, Cienco 4 được người dân Nghệ An, Hà Tĩnh vinh danh, nhưng giờ coi như tội đồ, một số cơ quan truyền thông cho rằng Cienco 4 “lãi khủng”, “móc túi người dân”… Trong khi, là công ty chuyên xây dựng cầu đường, Cienco 4 làm dự án BOT chủ yếu lấy công làm lãi, kiếm công ăn việc làm. Khi làm BOT, Cienco 4 được quy định lãi định mức 10-11% và phải trả nhiều khoản thuế, phí khác.
Ông Huỳnh khẳng định Cienco 4 không có lỗi gì trong việc thực hiện trách nhiệm hợp đồng BOT. Còn quyền lợi người dân đến nay chắc chắn đang bị ảnh hưởng và cần các cơ quan đứng ra giải quyết. “Nhà nước đừng bỏ rơi doanh nghiệp. Chúng tôi đang “nằm” chờ và rất lo lắng. Chúng tôi đang bị ảnh hưởng và nhận lại những điều không tương xứng với những gì chúng tôi đã tâm huyết bỏ ra”, ông Huỳnh nói.
Quy trình có vấn đề
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho hay: Những người tập trung phản đối trạm thu phí vừa qua chủ yếu sinh sống gần trạm thu phí. Trong khi, vị trí trạm có nhiều bất cập như dự án một nơi, thu phí một nẻo. Đặt biệt là trạm quá gần các khu đông dân cư.
Ông Thanh bình luận: “Nhà nước, nhà đầu tư nói đúng quy trình, tôi đồng ý. Nhưng quy trình đó có vấn đề. Người dân sống quanh trạm BOT, hàng ngày đi qua nhiều lần, mỗi lần qua lại thu phí thì không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị phải lấy ý kiến người dân, còn lãnh đạo địa phương ai cũng sẽ ủng hộ. Nhà đầu tư phải giải thích rõ cho dân, mọi người sẽ đồng tình. Lấy ý kiến đầy đủ, đa chiều thì quy trình sẽ đúng đắn”. Ông Thanh cũng nói khi lấy ý kiến vị trí trạm, chỉ thông qua lãnh đạo địa phương, chứ người dân không biết.
Đại biểu QH, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của QH, TS Lưu Bình Nhưỡng khẳng định, lợi ích của BOT vô cùng to lớn nhưng việc đặt trạm thu phí gần các khu dân cư là không phù hợp. Đại biểu Nhưỡng đánh giá: “Khi làm, anh không tự mình giải thích những cái lợi cho dân, thì người dân sẽ bức xúc. Nếu lấy ý kiến, cho bà con đề xuất thì đã khác. Tôi cho rằng những bất cập ở trạm thu phí bắt đầu phải từ chính doanh nghiệp. Không phải vì doanh nghiệp làm sai pháp luật mà vì doanh nghiệp làm chưa kín kẽ”.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, khi lập dự án, chọn vị trí đặt trạm, các bộ ngành có lấy ý kiến các địa phương nhưng chỉ lấy ý kiến lãnh đạo địa phương. Việc lấy ý kiến rộng rãi người dân hoặc thông qua các thiết chế đại diện cho người dân như HĐND chưa được thực hiện.
“Khi làm, anh không tự mình giải thích những cái lợi cho dân, thì người dân sẽ bức xúc. Nếu lấy ý kiến, cho bà con đề xuất thì đã khác. Tôi cho rằng những bất cập ở trạm thu phí bắt đầu phải từ chính doanh nghiệp. Không phải vì doanh nghiệp làm sai pháp luật mà vì doanh nghiệp làm chưa kín kẽ”. TS Lưu Bình Nhưỡng |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn