Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết: “Kế hoạch xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản đang được địa phương triển khai rất bài bản và đúng lộ trình. Các trình tự thủ tục hồ sơ xuất khẩu thịt gà chế biến đã được Công ty TNHH Koyu & Unitek (đơn vị xuất khẩu thịt gà) hoàn tất.
Hình thành chuỗi sản xuất khép kín
Theo ông Trần Văn Quang, phía Chi cục Thú y Đồng Nai cũng đã xây dựng xong 10 xã an toàn thực phẩm để phục vụ chương trình xuất khẩu thịt gà. 10 xã an toàn thực phẩm sẽ là nơi cung cấp nguyên liệu để Công ty TNHH Koyu & Unitek chế biến xuất khẩu”.
Hai năm ròng rã thực hiện hàng trăm yêu cầu khắt khe của Nhật Bản, Công ty Koyu & Unitek là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam sẽ xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến vào thị trường khó tính nhất thế giới vào giữa năm 2017. Ðể có thể xuất khẩu ức gà vào thị trường Nhật Bản, yêu cầu bắt buộc là sản phẩm phải đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như quy trình phòng trừ dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Nhật Bản.
Dây chuyền chế biến thịt gà tại nhà máy của Koyu & Unitek. ảnh: T.L
Theo ông Quang, đến thời điểm này Công ty TNHH Koyu & Unitek đã hình thành được chuỗi sản xuất khép kín từ con giống, quy trình nuôi, thức ăn, quy trình giết mổ, chế biến chuỗi hoàn chỉnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Công ty TNHH Koyu & Unitek đã tiến hành liên kết với một số trang trại trên địa bàn Ðồng Nai và một số tỉnh tại khu vực Ðông Nam Bộ để chuẩn bị nguồn nguyên liệu phục vụ cho công tác chế biến.
Ngoài việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc xuất khẩu sản phẩm ức gà vào thị trường Nhật Bản, hiện đơn vị xuất khẩu đã hoàn thiện xây dựng hệ thống chế biến sản phẩm. Công ty này vừa mới hoàn thành nhà máy chế biến ức gà. Sang tháng 4 tới, Cục Thú y Nhật Bản sẽ sang Việt Nam thẩm định, nếu đáp ứng được các yêu cầu, phía Nhật Bản sẽ cho phép Công ty TNHH Koyu & Unitek chính thức xuất khẩu sản phẩm từ ức gà vào thị trường của họ.
Đại diện Công ty TNHH Koyu & Unitek cho biết, nếu không có gì thay đổi thì vào tháng 7 tới, lô sản phẩm chế biến từ ức gà đầu tiên của sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với số lượng 300 tấn/tháng.
Gà Việt hướng đến trời Âu
Ngày 28.3, Công ty Koyu&Unitek (Đồng Nai) đã khánh thành nhà máy chế biến thịt gà mới để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ông Khưu Nhon Hiếu - Tổng Giám đốc Koyu & Unitek, cho biết đã đầu tư 6 triệu USD nhập dây chuyền máy móc công nghệ từ Nhật Bản để xây dựng nhà máy có công suất chế biến 50.000 con gà/ngày. Sản phẩm đầu ra của nhà máy này là các loại thịt gà đã chế biến như gà rán, burger gà, gà viên... đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Nói về thị trường Nhật Bản, đại diện Công ty Koyu & Unitek cho biết: Tín hiệu thị trường Nhật đang rất tốt, hiện nay khách đặt công ty sản lượng gà chế biến lên tới 2.000 tấn mỗi tháng, trong khi nhà máy chỉ có công suất 300 tấn/tháng. Thị trường Nhật cũng đứng thứ ba thế giới về nhập khẩu thịt gà, sau Trung Quốc và Nga.
“Ngoài thị trường Nhật, công ty đang có kế hoạch xuất khẩu thịt gà sang Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc cũng thích ăn gà nhập khẩu hơn là gà nuôi nội địa. Hay như Singapore cũng đang nhập thịt gà chế biến từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Chúng ta có thể cạnh tranh được với họ. Ngoài ra, chúng tôi còn dự kiến xuất đi các nước châu Âu” - vị đại diện cho biết.
Chia sẻ với NTNN, ông Nguyễn Đức Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Việc xuất khẩu thành công thịt gà sang thị trường Nhật Bản không những giúp nâng cao giá trị con gà Việt Nam, mà cái được lớn nhất là mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi gà, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường trong nước, từ đó nâng cao vị thế của con gà nội. Đây là tín hiệu rất vui với người chăn nuôi gà. Bởi khi tham gia vào chuỗi liên kết sẽ giúp người nuôi hoàn toàn chủ động về việc nhập và xuất gà”.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Quang, việc phát triển các chuỗi liên kết cùng với áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho người chăn nuôi, nhất là với con gà - một trong hai vật nuôi chủ lực của tỉnh Đồng Nai. Chính vì vậy, để mở ra cơ hội thâm nhập nhiều thị trường mới cho các sản phẩm từ thịt gà, Ðồng Nai đã tiến hành xây dựng 10 xã an toàn dịch bệnh, vùng an toàn dịch bệnh sẽ tạo cơ hội hình thành vùng chăn nuôi hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chăn nuôi.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn