Đũa dẹt, kim loại nặng nên khiến việc gắp thức ăn trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, người Hàn Quốc có lý do riêng của mình.
Người châu Á có thói quen dùng đũa để gắp các loại thức ăn. Dụng cụ này phổ biến ở tất cả các quốc gia phương Đông, đặc biệt là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, ở mỗi khu vực, mỗi quốc gia, thiết kế của đôi đũa cũng có phần khác nhau. Ở Trung Quốc và Việt Nam, đũa thường có hình trụ, thon dài, mặt cắt của cán đũa hình vuông và tròn dần về phía đầu đũa. Ở Nhật Bản, hình dáng chiếc đũa cũng tương tự, chỉ khác ở điểm: càng về đầu càng nhỏ và nhọn. Chất liệu làm đũa ở các quốc gia này thường là gỗ hoặc nhựa.
Riêng Hàn Quốc, người dân nơi đây lại sử dụng đũa với hình dáng hoàn toàn khác, có phần khó dùng hơn. Thậm chí, người ta còn "bình bầu" đây là chiếc đũa khó dùng nhất thế giới, ngay cả với người châu Á. Chiếc đũa ở xứ sở kim chi được làm bằng kim loại, dạng dẹt, cầm nặng tay, do đó khó gắp hơn nhiều so với đũa gỗ hay đũa nhựa.
Sự khác nhau giữa đũa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Lý do người Hàn lựa chọn chất liệu kim loại bởi lẽ chúng dễ lau rửa, không dễ nhiễm khuẩn như đũa gỗ. Tuy đũa sắt cầm không chắc tay như đũa gỗ nhưng rất vệ sinh, thân thiện với môi trường. Đũa gỗ rất dễ trở thành nơi ẩn náu của vi khuẩn, còn đũa kim loại sẽ không sinh ra vi khuẩn, dễ rửa và không có độc. "Tuổi thọ" của chiếc đũa cũng lâu hơn. Các món ăn Hàn Quốc thường ăn trên chảo, nồi nóng như thịt nướng, các loại canh, gà xào bắp cải... Đũa gỗ rất dễ bị bén lửa hay biến dạng dưới tác dụng của nhiệt. Đũa kim loại tránh được tình trạng này.
Người Hàn Quốc còn giải thích rằng, thói quen dùng đũa kim loại đã có từ lâu đời, thời xưa, người ta dũng đũa bạc thuần để thử xem kim chi được chôn dưới đất có độc hay không, còn người có tiền thì thường dùng đũa bạc để ăn, đề phòng thức ăn có độc. Điều này xuất phát từ quan niệm của người Hàn xưa kia để bảo đảm an toàn thực phẩm. Kể từ năm 18 trước Công Nguyên đến năm 660 sau Công Nguyên, các gia đình hoàng tộc người Hàn thường sử dụng đũa bạc để thử độc trên thức ăn, nếu đồ ăn có chất độc thì đũa bạc sẽ đổi màu. Biện pháp này nhanh chóng được người dân khắp nơi trên đất nước sử dụng, tuy nhiên nhiều gia đình không có đủ điều kiện để sử dụng đũa bạc nên đã mua đũa kim loại để thay thế.
Chiếc đũa gây bao khó khăn cho người ngoại quốc. (Ảnh: carolyntay).
Đũa kim loại là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe của người Hàn Quốc. Đũa kim loại được đánh giá là loại đũa lành mạnh bậc nhất. Trong khi đũa gỗ dễ có vi khuẩn, sản sinh nấm mốc trong thời tiết ẩm ướt, đặc biệt dễ tạo ra aflatoxin - một loại nấm mốc gây ung thư; đũa nhựa không chịu được nhiệt độ cao... thì đũa kim loại được đánh giá cao về độ bền đẹp, dễ lau rửa, đây là yếu tố giúp người Hàn Quốc hạn chế được khả năng mắc bệnh do dùng đũa kém vệ sinh.
Còn về hình dáng dẹt khó gắp, nguyên do là bởi thời xưa, người phụ nữ phong kiến Hàn Quốc phải hầu chồng 3 bữa cơm thịnh soạn sau đó phải bưng từng đĩa lớn đĩa nhỏ lên bàn. Chiếc đũa hình dáng dẹt có thể tránh được việc đũa bị lăn, hay rơi khi xếp nhiều món lên bàn.
Chiếc đũa dẹt còn giống như một chiếc kéo dùng để xắn các loại mì, miến khi ăn. Chỉ trừ món mì lạnh, do sợi mì dai, ngâm trong nước lạnh nên khó xắn, còn lại "chiếc kéo" đặc biệt này có thể "cắt", gỡ các loại thức ăn rất tiện dụng và dễ dàng hơn đũa vuông tròn.
Đũa kim loại rất phù hợp với nền ẩm thực chuộng món cay, nóng như Hàn Quốc. Vì đồ ăn Hàn Quốc thường sử dụng nhiều ớt bột, sau một thời gian sử dụng đũa gỗ, nhựa dễ chuyển màu, còn đũa kim loại lại vô cùng dễ vệ sinh. Ngoài ra, người Hàn thường xuyên ăn thịt nướng, đũa kim loại chịu nhiệt tốt nên được ưa chuộng hơn trong các quán nướng. Ngược lại đũa gỗ dễ bắt lửa, có thể nguy hiểm tới khách hàng.
Như vậy có thể thấy, thói quen dùng đũa kim loại của người Hàn không đơn giản chỉ là sở thích mà nó còn bắt nguồn từ những kỹ năng sống để giúp ích cho sức khỏe và đời sống hàng ngày.
Cách dùng đũa Hàn Quốc yêu cầu người ăn phải khéo léo, cẩn thận khi gắp hay cho lên miệng, tránh cho miếng thức ăn rơi hay tệ hơn là bị rơi đũa. Nếu chưa quen, bạn có thể thực hành với các bước hướng dẫn cơ bản, trong đó, một chiếc đũa sẽ được kẹp cố định bởi ngón đeo nhẫn và ngón cái, ngón giữa làm nhiệm vụ đưa đẩy chiếc đũa thứ hai để gắp đồ ăn.
Nguồn tin: eneoia.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn