Là người ngoài ngành giáo dục nhưng ông Phạm Văn Bình rất quan tâm đến hoạt động dạy và học ở các nhà trường, ông đã có nhiều đóng góp cho công tác khuyến học ở địa phương như tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, hiến đất để xây dựng trường học…
Năm 2013, ông Bình đã có một sáng kiến: bán cà phê gây quỹ khuyến học. Để thực hiện dự án này, ông đã đầu tư mua sắm tủ, cà phê gói loại uống liền, trà, nước bằng số tiền tiết kiệm ít ỏi của cá nhân ông. Cách làm của ông là để cà phê, trà, nước… tại văn phòng UBND xã; khách uống cà phê đa số là cán bộ, nhân viên ở cơ quan tự pha chế cà phê, trà, nước và cũng tự giác bỏ tiền vào thùng theo giá đã niêm yết.
Cà phê khuyến học của ông Bình đã được nhiều người biết đến và ủng hộ nhiệt tình. Mọi người ủng hộ cà phê của ông vì sự tiện lợi của nó; hơn nữa khi uống một ly cà phê, mọi người đã đóng góp một ít công sức của mình vào quỹ khuyến học của địa phương.
Ông Dương Văn Xuân - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tiên Phước cho biết, cứ mỗi tuần, Ban khuyến học công đoàn xã đến kiểm tra số tiền và đưa vào quỹ, sau đó mua bổ sung cà phê, để thêm tiền lẻ vào thùng cho tuần tới.
Mô hình này mỗi năm thu được từ 3-4 triệu đồng ở mỗi chi hội. Với địa bàn xã Tiên Cẩm hiện nay được 3 chi hội khuyến học thì mỗi năm cũng thu được khoảng 10 triệu đồng; số tiền này dùng để chi thưởng cho các em học sinh có học lực khá giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã nhằm động viên các em cố gắng vươn lên trong học tập.
Mô hình thứ hai là thùng khuyến học ở thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước). Mô hình này bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2016 này. Sau khi vận động các gia đình hội viên đồng ý thực hiện, Ban chấp hành chi hội khối phố mang thùng đến đặt tại nhà các hội viên. Đến nay đã có 150 thùng khuyến học được đặt ở chi hội khối phố Bình Phước (thị trấn Tiên Kỳ).
Tùy theo tấm lòng của mỗi gia đình dành cho khuyến học, ví dụ như tiền lẻ hàng ngày sau khi đi chợ được các gia đình bỏ vào thùng, tiền dư của ông bà, bố mẹ do con cháu cho… Dù không nhiều nhưng “góp gió thành bão”.
Theo thỏa thuận của các hội viên, trước ngày 2/10 hàng năm, ban chấp hành chi hội đến cùng gia đình mở khóa thùng kiểm đếm tiền trong thùng, sau đó trích từ 30-40% số tiền trong thùng dùng cho quỹ khuyến học của chi hội, còn lại là dùng khuyến học trong gia đình.
Ông Nguyễn Chí Thắng - một người dân ở khối phố Bình Phước (thị trấn Tiên Kỳ) cho hay, ở khối phố này có 150 thành viên tham gia. Nếu mỗi hộ gia đình bình quân bỏ vào thùng một năm chỉ 200 ngàn đồng thì chi hội đã có 30 triệu đồng. Số tiền này giúp đỡ rất nhiều cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm… và làm được rất nhiều việc khác.
“Đây là việc làm nâng cao ý thức cho người dân trong công tác khuyến học, khuyến tài, mang lại lợi ích chung cho xã hội”, ông Thắng nói.
Mô hình khuyến học thứ ba cũng đang được thực hiện huyện Tiên Phước, đó là nuôi heo khuyến học tại xã Tiên Hà. Tại thôn Phú Vinh (xã Tiên Hà), mỗi gia đình có 1 con heo. Hiện đã có 36 hộ tham gia. Đầu tháng 9 vừa qua, chi hội khuyến học thôn Phú Vinh đã mổ heo, tổng cộng được 82 triệu đồng. Số tiền này được hỗ trợ chi hội khuyến học thôn 4 triệu đồng, còn lại là quỹ khuyến của gia đình.
Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tiên Phước cho biết, sắp đến thôn Tú An (xã Tiên Hà) cũng tiến hành mổ heo đất. Số tiền này cũng sẽ được thực hiện như thôn Phú Vinh.
Theo báo cáo của Hội Khuyến học huyện Tiên Phước, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng cộng toàn huyện Hội đã huy động nguồn quỹ được trên 1,3 tỉ đồng; trong đó đã cấp học bổng, khen thưởng, hỗ trợ khó khăn cho học sinh, sinh viên là 4.922 suất, với số tiền trên 1,2 tỉ đồng. So với chỉ tiêu đăng ký huy động quỹ cả năm của toàn huyện Hội đến nay đã đạt trên 65%.
Công Bính
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn