Hiện nay, vấn đề đau đầu nhất của các trường đại học chính là thí sinh “ảo”, trao đổi với Dân trí, ông Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, năm nay chắc chắn tỷ lệ hồ sơ “ảo” rất cao, có thể lên tới 50% nên khó xác định bởi các trường xét tuyển theo nhiều hình thức. Mặc dù trường xét tuyển theo nhóm GX nhưng qua nhận hồ sơ cho thấy 50% thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 ở trường ngoài nhóm.
Cùng tâm trạng lo tỷ lệ thí sinh “ảo”, ông Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng cho hay đây là vấn đề đau đầu của trường, mặc dù ra nhập nhóm GX có thể có giảm “ảo” nhưng chỉ được một phần. Ví dụ: thí sinh nộp nguyện vọng 1 vào Học viện ngân hàng nhưng nguyện vọng 2 nộp vào Học viện tài chính, ĐH Thương Mại… nên số lượng hồ sơ “ảo” khá lớn. Do đó, cần phải tính toán gọi nhập học như thế nào để tối ưu nhất với chỉ tiêu vì năm nay không có cơ sở để phân tích bởi thí sinh được nộp hồ sơ cùng lúc 2 trường với 4 ngành nhưng chỉ được chọn 1 ngành, 1 trường để học nên khó có phương án chống “ảo” hiệu quả.
Thí sinh ảo là tất yếu
Ngày 16/8, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&DDT Bùi Văn Ga cho rằng, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh thì các trường phải chấp nhận ảo. Không phải ở nước ta mà ở các nước phát triển, các trường cũng phải chấp nhận thực trạng này trong tuyển sinh.
Thống kê tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu để các trường tải dữ liệu về xét tuyển cho thấy đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường trong đợt 1. Thí sinh ảo là tất yếu.
Trong cơ sở dữ liệu các trường tải về để xét tuyển, Bộ đã cung cấp thông tin về tất cả các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký trong cùng đợt để tham khảo, phán đoán và lọc ảo. Trong qui chế cũng đã bổ sung nhiều qui định hỗ trợ các trường khắc phục thí sinh ảo như khuyến khích tuyển sinh theo nhóm trường, cung cấp cho các trường dữ liệu thí sinh đăng ký vào các trường/ngành cùng đợt xét tuyển, yêu cầu thí sinh nộp giấy báo kết quả thi (duy nhất) trong vòng 5 ngày kể từ khi trường công bố kết quả xét tuyển để khẳng định nhập học, không qui định điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước...
Theo thứ trưởng Ga, Bộ cũng đã khuyến khích các trường thống nhất với nhau tổ chức xét tuyển chung trong cả nước hay tham gia các nhóm xét tuyển ở các vùng miền để khắc phục hay giảm thiểu ảnh hưởng của thí sinh ảo, nhưng nhiều trường còn do dự về việc này.
Bộ đã yêu cầu các trường không được tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu đã công bố để một mặt đảm bảo chất lượng đào tạo và mặt khác không gây khó khăn về nguồn tuyển đối với các trường khác. Các trường tự chủ lựa chọn phương án xét tuyển thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành trong đó có quy định không được tuyển vượt chỉ tiêu.
Nhật Hồng
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn