Đừng biến con mình thành “gà công nghiệp”

Thứ ba - 13/09/2016 00:45

Đừng biến con mình thành “gà công nghiệp”

Đi học được bố mẹ, ông bà mang cặp sách vào tận lớp, thậm chí học tiểu học vẫn được người lớn bón cơm…

Đó là hình ảnh thường thấy của học sinh các trường ở thành phố lớn, cộng với ít tham gia các hoạt động lao động khiến học sinh thiếu ý thức tự giác, chưa biết yêu thích lao động ở nhà, ở trường, có nguy cơ trở thành thế hệ “gà công nghiệp” chỉ biết vùi đầu vào sách vở.

 

Dù chỉ ít sách vở, đồ dùng học tập nhưng nhiều phụ huynh vẫn xách cặp cho con vào tận lớp. Ảnh: Q.Anh

Con vào lớp, mẹ lững thững vác cặp theo sau

Từ câu chuyện học sinh lớp 4 ở Khánh Hòa khiêng bàn ghế đã khiến nhiều phụ huynh nổi đóa, phê phán nhà trường. Qua câu chuyện này, nhiều phụ huynh đã thẳng thắn mà nói rằng, trẻ con đi học nhiệm vụ chính là học, vui chơi. Không nhất thiết phải lao động, mang vác hay “giúp việc” cho giáo viên một số thứ trong lớp, ngoài sân trường. Phụ huynh bao bọc con, chiều chuộng con quá mức đã trở thành đề tài “nóng” trong thời gian gần đây.

Có mặt tại một số trường tiểu học trong các quận nội thành Hà Nội, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về độ chiều con của các bậc phụ huynh. Đến cổng trường, hình ảnh đầu tiên bắt gặp là rất đông phụ huynh cũng “sà” vào hàng quán cổng trường, mua đồ chơi, đồ ăn trong tiếng ỉ eo, mè nheo của con. Còn tại sân trường, không khó để bắt gặp vô số hình ảnh phụ huynh tay cầm cặp (hoặc đeo cặp, ba lô), tay cầm hộp sữa, đồ ăn “nịnh” con từng chút một, rồi sợ con “vất vả”, phụ huynh giúp con mang cặp sách vào tận lớp học.

Theo chia sẻ của một số giáo viên tiểu học, THCS, nhà trường và giáo viên hết sức thận trọng trong các hoạt động lao động cho các học sinh. Bởi nếu muốn học sinh lao động nhỏ, giúp đỡ nhà trường, giáo viên sẽ gặp trở ngại từ phía phụ huynh. Hầu như phụ huynh nào cũng “dị ứng” khi bắt gặp con đang làm việc gì đó trong lớp, ngoài sân. Con ở nhà “lá ngọc cành vàng” không phải làm bất cứ điều gì, đâu dễ chấp nhận để giáo viên, nhà trường bắt lao động? Phụ huynh sẵn sàng làm hộ, hoặc đóng tiền để nhà trường thuê người làm.

Vào dịp khai giảng đầu năm học những năm gần đây, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đều có lời khuyên tới các bậc phụ huynh không nên chiều con. Ông chia sẻ: “Các bậc cha mẹ hiện nay chăm chút cho con từng li từng tí, bao bọc cho con đôi lúc hơi thái quá. Các em không phải làm bất kỳ việc gì trong nhà như cắm cơm nước, rửa bát, quét nhà, gấp quần áo... cái gì cũng bố mẹ hoặc người giúp việc làm. Sau đó lại áp đặt con phải theo ngành này, ngành kia, sau này bố mẹ lo công việc hộ cho... Các em cũng hồn nhiên không kém khi không hiểu và không chia sẻ công việc với bố mẹ”.

Hướng học sinh tự lập, yêu lao động

Trái ngược với hình ảnh chiều chuộng con cái ở Việt Nam là hình ảnh trẻ nhỏ được giáo dục tự lập ở Nhật Bản. Anh Nguyễn Thanh Nam, đang sinh sống tại Tokyo, Nhật Bản chia sẻ: “Mặc dù rất thương con nhưng người Nhật cũng rất nghiêm khắc với con. Ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ đã được rèn cách tự chăm sóc bản thân, tham gia lao động phù hợp. Dù là bố mẹ hay ông, bà khi đưa trẻ đến trường đều không xách hộ bất kì chiếc túi nào. Ở trường, trẻ được dạy tự giác, tham quan dã ngoại, trồng hoa, tưới cây, tập khiêng vác đồ vừa sức với trẻ… Khi trẻ lớn lên rất có ý thức tự lập, yêu lao động”.

Dù khá đông phụ huynh chiều con, song vẫn còn không ít phụ huynh lựa chọn giáo dục ý thức cho con thông qua lao động hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Huyền (ở Hoàng Mai, Hà Nội) có con học lớp 4 chia sẻ: “Dù cháu là con trai nhưng vợ chồng tôi cũng hết sức khắt khe với cháu, con phải tự chăm sóc bản thân từ nhỏ như: Đánh răng, tự tắm, ăn uống và vệ sinh. Lên lớp 3 đã biết nhặt rau, quét nhà, phụ giúp mẹ nấu nướng, ăn xong phải rửa bát. Bố mẹ đừng chiều con cái, cũng đừng nghĩ đến làm con mệt nhọc, nếu hướng dẫn đầy đủ, nêu vai trò của lao động thì các con sẽ rất hào hứng làm”.

Hiện nay, nhiều trường học lơ là, hoặc hạn chế các hoạt động lao động đối với học sinh, nhất là các em học sinh cuối cấp được miễn lao động, hoặc đóng tiền thuê làm. Nhà trường vì chạy theo thành tích chỉ tập trung cho vào dạy, học và ôn tập để lấy số giải học sinh giỏi, giáo viên giỏi, tỉ lệ thi đỗ… Theo một số chuyên gia, các công việc phù hợp với học sinh như: Quét sân trường, lớp, nhổ cỏ, tưới cây, lau bàn ghế... cần đưa vào hoạt động lao động thường xuyên của học sinh khi học tập tại trường. Qua các hoạt động này, học sinh sẽ yêu lao động, quý trọng người lao động.

Cho rằng, học sinh không có lao động, không biết làm việc nhà sẽ trở nên lười biếng, PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Phụ huynh đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái, cũng không nên chiều chuộng mà làm thay tất cả mọi thứ. Những đứa trẻ không bao giờ biết làm việc, kể cả những việc đơn giản như: Quét dọn nhà cửa, lau rửa bát đĩa, ấm chén, tưới cây, nhổ cỏ, vun luống tỉa hoa… Lớn lên chắc chắn chúng sẽ thành những kẻ lười biếng, xem thường lao động, coi khinh những người lao động. Không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công".

Để đánh giá xếp loại học sinh, Bộ GD&ĐT đã quy định dựa trên bốn tiêu chí: Văn hóa, đạo đức, lao động và văn thể mĩ. Tuy nhiên, hiện nay tiêu chí hoạt động lao động của học sinh trong trường học dường như đã bị bỏ qua, hoặc biến thể thành hoạt động dịch vụ thuê mướn. Vì vậy, việc bỏ qua lao động ở các trường học hiện nay cộng với sự chiều chuộng thái quá của một bộ phận các bậc phụ huynh là một hình thức gián tiếp làm học sinh lười vận động và sợ lao động.

Nguồn tin: eva.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây