Gỡ dạy-học thêm bằng học 2 buổi/ngày

Thứ hai - 12/09/2016 20:56

Gỡ dạy-học thêm bằng học 2 buổi/ngày

Học sinh cần được trang bị kỹ năng và phương pháp học hơn là suốt ngày phải vùi đầu vào sách vở, hết học chính khóa tới học thêm.

Đó là chia sẻ của nhiều chuyên gia giáo dục tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” sáng 11-9 do Thường trực HĐND TP.HCM và Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức về chủ đề “Dạy thêm-học thêm”.

Học sinh đang học quá vất vả

PGS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng ngoài nhu cầu bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi và phụ đạo các em yếu kém, dạy thêm-học thêm hiện nay còn để giải quyết chương trình quá căng mà giờ học chính khóa không làm được. Dạy thêm còn để đáp ứng các kỳ thi, nhất là chuyển cấp hoặc là kéo dài thời gian học ở trường để phụ huynh yên tâm kịp đón con.

Ngoài ra, theo ông Quân, một lý do tạo nên nhu cầu ảo trong dạy thêm là do một số giáo viên (GV) dạy ở lớp không hết “chữ”, không nhiệt tình để lập ra lớp riêng, kéo HS chính lớp mình đến học nhằm thu tiền. Nó tạo ra bức xúc xã hội rất lớn.

“Chúng ta phải làm sao để môi trường giáo dục không chỉ cung cấp kiến thức mà còn cung cấp phương pháp học tập và tư duy đến người học” - PGS-TS Quân nói.

Lý giải thực tế này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng phần lớn phụ huynh bức xúc về dạy thêm là ở bậc tiểu học vì một số GV cố tình o ép HS hoặc có đối xử không công bằng. Ở trung học, GV vẫn còn quyền “sinh sát” với bài kiểm tra miệng và 15 phút để ép các em học thêm. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít. Phần lớn GV đều dạy các em bằng sự yêu nghề và tâm huyết của mình. Chưa kể, chương trình ở THCS và THPT nặng, đề thi cuối THPT phân hóa cao, nếu các em không học thêm thì khó có thể làm tốt được.

Ở một góc nhìn khác, TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cũng thẳng thắn khi nói đến một khảo sát có chỉ số hài lòng về giáo dục ở tiểu học. Trong đó có đến 52% phụ huynh cho rằng GV có đối xử không công bằng với HS không đi học thêm.

Học sinh cần được học một cách nhẹ nhàng và tăng thời gian ngoại khóa để rèn luyện kỹ năng hơn là vùi đầu vào sách vở. (Ảnh: Phạm Anh)

Theo TS Hùng, chính dạy-học thêm đã khiến các em học không khác nào khổ sai. Hết học ở trường rồi phải đến trung tâm, phải ăn bánh mì trên xe. Đứa trẻ khi bị quay cuồng với học thêm sẽ hình thành thái độ rất xấu là ngại tự học, thậm chí sợ học. “Trong khi cuộc sống luôn đòi hỏi phải học tập suốt đời mà tự học là chính. Và khi các em chỉ quen dựa dẫm thì sẽ bám GV suốt, lên được ĐH nó cũng bám, mà học lên tiến sĩ nó cũng bám thôi, như vậy thật nguy hiểm” - TS Hùng phân tích.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, HS cần được trang bị kỹ năng tự học và GV cũng muốn dạy điều đó nhưng với chương trình-sách giáo khoa, thi cử nặng như hiện nay thì rất khó để làm được... Các em tự học thì rất tốt nhưng các em sẽ không đủ lực để đáp ứng sự phân hóa cao ở các kỳ thi, nhất là ở THPT trong khi hầu hết các phụ huynh đều mong muốn con em sẽ vào được các trường ĐH-CĐ.

Lương bao nhiêu thì chống được dạy thêm?

Theo TS Hồ Thiệu Hùng, chúng ta có thể tham khảo cách làm ở các nước để quản lý vấn đề này. Như ở Mỹ, tuyệt đối không có dạy thêm-học thêm. Phụ đạo HS yếu hoặc bồi dưỡng HS giỏi thì thuộc trách nhiệm của GV. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì thu nhập của GV phải đảm bảo. Hoặc ngay như ở Nhật, đưa hẳn trung tâm dạy thêm ra khỏi nhà trường và hoạt động độc lập. GV đang dạy ở trường công không được tham gia dạy ở trung tâm.

Ngoài ra, theo TS Hùng, có thể lập kho học liệu mở để dạy trực tuyến, lập đường dây điện thoại để giải đáp thắc mắc và gợi ý làm bài, lập web phụ đạo hoặc bồi dưỡng miễn phí cho các em...

“Dạy thêm ở tiểu học chủ yếu vì thu nhập. Vì thế chúng ta phải có cơ chế đảm bảo thu nhập GV tương đương mức thu nhập bình quân của địa phương đó để GV yên tâm hơn trong công tác. Lương của GV tiểu học quá thấp, chỉ trên dưới 4 triệu đồng/tháng. Trong khi lương của người giúp việc không được đào tạo thì đã không dưới 3,5 triệu đồng/tháng mà họ còn được bao ăn, bao ở... Đây là vấn đề cần phải tháo gỡ” - TS Hùng nói.

Trao đổi về vấn đề này, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP, cho rằng TP cần tăng cường dạy hai buổi/ngày cho HS, nhất là HS tiểu học để các em tăng thời gian rèn luyện và phát triển kỹ năng. Thứ hai, cần đổi mới đồng bộ chương trình-sách giáo khoa và thi cử vì nhu cầu phụ huynh HS muốn con vào các trường ĐH-CĐ, nhất là trường tốp trên là có thật và chính đáng. Ngoài ra, TP cần tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường thì bài toán đời sống GV sẽ “mở” hơn. Các trường phải tăng việc giáo dục cho các em ý thức tự giác, trách nhiệm và tự nghiên cứu trong quá trình học tập.

Xây thêm trường để tăng số học sinh học hai buổi/ngày

Chốt lại vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cho biết TP sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm tải cho HS, đặc biệt là đẩy mạnh xây dựng trường lớp để tăng số HS được học hai buổi/ngày và giảm sĩ số HS. Về chủ trương quản lý dạy thêm-học thêm, TP vẫn đang tiếp tục lắng nghe ý kiến và giải pháp từ các chuyên gia, GV và phụ huynh. Những giải pháp nào khả thi sẽ được triển khai ngay. TP cũng đang xây dựng, biên soạn bộ sách giáo khoa riêng theo đặc thù của TP, theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành để HS được phát triển các kỹ năng cũng như khả năng tiếp thu.

______________________________

320.000 HS có đi học thêm. Đó là số liệu mới nhất do Sở GD&ĐT TP.HCM thống kê đến nay. Trong đó có khoảng 100.000 HS tiểu học có học thêm văn hóa ngoài giờ (chiếm 20%), có khoảng 190.000 HS trung học đang học thêm tại các cơ sở dạy thêm trong nhà trường và 30.000 HS tham gia học tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường, chủ yếu là các môn toán, lý, hóa.

Theo Phạm Anh

Pháp luật TPHCM

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây