Dạy thêm học thêm trong thời điểm hiện tại (áp lực chương trình học, áp lực thi cử, người thầy thu nhập thấp, giáo viên lương thấp) là nhu cầu thực tế của người học lẫn người dạy. Tiêu cực trong dạy thêm học thêm có nhưng không thể so với nhu cầu của người học.
Lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM thừa nhận việc học thêm không phải không có tiêu cực như việc lôi kéo học sinh học, phân biệt đối xử trong đánh giá trong cho điểm bài kiểm tra… nhưng đó không phải là phổ biến. Nhất là khi đây là nhu cầu có thực của học sinh khi 45 phút ở giờ học chính khóa không đáp ứng nổi chương trình học và cách thức thi cử như hiện nay.
Hơn nữa, việc học thêm dạy thêm trong trường học có những thuận lợi nhất định như nhà trường có thể phân loại học sinh, có sẵn cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, cha mẹ tiện lợi trong việc đưa đón, quản lý con…
Vậy nhưng TPHCM lại thực hiện việc cấm dạy thêm, học thêm trong trường học, cho mở bên ngoài không dựa trên cơ sở khoa học nào. Vô hình trung, lệnh cấm này đã đánh đồng hoạt động dạy thêm, học thêm là tệ nạn, như là rác do nhà giáo sản sinh ra cần phải quét sạch để trả lại uy danh cho ngành giáo dục.
Bên cạnh những tiếng vui reo sảng khoái phải cấm dạy thêm, học thêm, trả lại “tuổi thơ” cho con nhỏ, cho học trò là những tiếng thở dài cho một quyết định quản lý chưa hợp lý và cũng chưa hợp tình.
Việc học thêm, dạy thêm “cướp” tuổi thơ các em chỉ là hệ quả của nhiều yếu tố. Thứ cướp tuổi thơ của các em là chương trình học còn nặng nề hàn lâm. Thứ cướp tuổi thơ các em là việc thi cử còn thách đố giờ học chính khóa của thầy trò. Thứ cướp tuổi thơ các em còn là áp lực học phải thành ông này bà nọ của phụ huynh.
Đừng trút hết tội dạy thêm học thêm lên đầu nhà giáo!
Không phải tự nhiên hầu hết đại biểu HĐND đại diện cho người dân ở TPHCM đều e ngại và phê phán lệnh cấm dạy thêm trong nhà trường và cho mở bên ngoài của thành phố. Ai có nhu cầu học và dạy thì cứ ra ngoài trung tâm, đơn giản và gọn ghẽ vậy mà.
Học sinh ở các quận trung tâm, các em con gia đình con gia đình có điều kiện thì việc học thêm bên ngoài không có vấn đề gì, tha hồ chọn thầy tốt trường hay. Nhưng ở TPHCM còn rất nhiều học sinh ở các trường ngoại thành, vùng sâu vùng xa, học sinh con gia đình khó khăn… lấy đâu ra điều kiện để theo học ở các trung tâm.
Chưa kể, nhiều trường THPT ngoại thành ở TPHCM đầu vào thấp không thể hình dung nổi, chỉ 2 - 3 điểm là các em đã đỗ vào lớp 10. Với những ngôi trường này, lãnh đạo và giáo viên rất chật vật để có thể “vực” các em dậy để “đu” theo chương trình, để có thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp mà giờ học chính khóa chưa thể đáp ứng nổi. Ở đây, không thể phủ nhận việc dạy thêm, học thêm như là một cứu cánh để học trò không dang dở con đường học vấn.
Nói như ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cấm dạy thêm trong trường học là giải pháp an toàn nhưng rất dễ tạo nên nhiều hệ lụy khác.
Đâm lao nhưng không… làm liều! Mới đây, ngành giáo dục TPHCM đề xuất với thành phố xem xét lại việc cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Xóa dạy thêm, học thêm như hiện nay là việc cần phải làm nhưng không thể quản lý bằng cách đưa ra một lệnh cấm rồi bỏ mặc mọi thứ ngổn ngang. Cần được thực hiện đồng bộ với một chương trình học, việc thi cử nhẹ nhàng, nâng cao chất lượng giờ học chính khóa để học sinh không còn nhu cầu phải đi học thêm.
TPHCM hoàn toàn có cơ sở để “triệt” cái gốc của dạy thêm, học thêm khi thành phố đã được Bộ GD-ĐT chấp thuận cho biên soạn bộ sách giáo khoa đặc thù và từ năm học này sẽ tự công nhận tốt nghiệp THPT.
Cắt gốc một cách nghiêm túc, hiệu quả thì cái “ngọn” dạy thêm, học thêm sẽ phải rụng. Chứ cắt nhánh này rồi cho mọc nhánh kia thì e chỉ tốn thêm tiền bạc, nhân lực cho việc quản lý, báo cáo rồi cả giải quyết các hệ lụy.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn