Một năm học mới lại cận kề. Trẻ con thì vui lắm, vì các em được đến trường, được nô đùa, chơi những trò chơi chỉ ở trường mới có và nói những câu chuyện chỉ có những người bạn ở trường mới thấu hiểu. Thế nên, chính cha mẹ cũng hạnh phúc nhường nào khi nhìn thấy con em mình háo hức, đón đợi đến ngày khai giảng.
Ấy vậy mà niềm vui chưa kịp trọn vẹn, chỉ còn vài ngày nữa thôi là tiếng trống trường đã ngân lên rồi nhưng sao lại có chuyện buồn đến vậy. Điều đáng nói ở đây, nỗi buồn lại đến từ bộ quần áo mới.
Câu chuyện đầu tiên xảy ra tại huyện Ia Grai (Gia Lai). Ngày 22/8, em Ksor Sôn, học sinh lớp 6, trường THCS Trần Phú, xã Ia Der vẫn đi học bình thường nhưng không đến trường. Đến khoảng 8 giờ cùng ngày, thì phát hiện em Sôn treo cổ chết ở gần nhà. Xung quanh vẫn còn có chiếc xe đạp, sách vở. Trước khi xảy ra sự việc, gia đình và nhà trường đều không ai rầy la hay đánh đập em.
Trước giờ Sôn rất ngoan hiền, học khá. Mẹ em có đi vay tiền để may cho em bộ quần áo mới nhưng chưa kịp xong nên em mặc quần áo cũ từ lớp 5 tới trường. Theo người nhà, có thể do em Sôn nghĩ quẩn nên dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ như vậy.
Em Son tự tử vì không có quần áo mới đến trường? (Ảnh internet)
Câu chuyện của em Sôn khiến không ít phụ huynh đau đớn xót xa. Thương cho em vì điều kiện nhà em không bằng được như các bạn, trách cuộc đời sao quá bất công "kẻ ăn không hết người lần chẳng ra"...
Thế nhưng, câu chuyện không có manh áo mới đã đủ chưa hay chỉ là "giọt nước tràn ly", là cả quá trình diễn biến tâm lý của em mà nhiều người không để ý đến, đó là bệnh trầm cảm. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, sự thật là em cảm thấy mình thua thiệt bạn bè vì nhà nghèo hay là vì em đang phải một mình chiến đấu với sự cô đơn, tuyệt vọng. Điều mà cách đây 1 năm, chính anh trai của Son cũng chịu đựng và chọn cái kết tương tự?
Một dấu lặng buồn!
Ngày hôm qua (30/8), lại là câu chuyện quần áo mới. Háo hức cho con có trang phục mới đến trường thì phụ huynh này bức xúc khi chứng kiến cảnh con mình phải khiêng bàn ghế lau chùi. Sau khi quay lại clip, vị phụ huynh này đã chia sẻ lên mạng với nội dung sau: "Tâm lý của bậc làm (cha, mẹ) ai cũng muốn ngày đầu tiên con trẻ đến trường, áo trắng quần xanh được ủi ép, sạch sẽ tươm tất, hy vọng con được giao tiếp trong môi trường sạch sẽ... Đó là điều mong ước của phụ huynh, vậy nhưng mong ước hoàn toàn trái ngược".
Học sinh khiêng bàn ghế vệ sinh đầu năm.
"Mong ước trái ngược" với phụ huynh này là các con phải khiêng bàn ghế đi lau chùi trong khi đang mang trên mình bộ quần áo sạch, đẹp, thơm tho. Video trên thu hút hàng trăm lượt bình luận, và nhiều người bày tỏ: “Có nên cho học sinh tiểu học khiêng bàn ghế vất vả như vậy?”.
Chị Nguyễn Thị Anh, một phụ huynh có con học tiểu học cho rằng: “Cho con được đến trường là để thầy cô dạy dỗ chữ nghĩa, yêu thương chứ không phải để được sai lao động vất vả như vậy? Tại sao các lao công của trường không làm mà bắt học sinh nhỏ, chân tay yếu ớt làm, xem có tội nghiệp, xót không?”.
Một phụ huynh khác là Văn Ánh cũng đồng tình với ý kiến chị Anh là không nên cho học sinh lao động cực như vậy. “Lỡ xảy ra té ngã, gãy tay chân thì ai chịu trách nhiệm! Tôi không đồng ý nếu đó là con tôi bị trường bắt làm việc khiêng bàn ghế vất vả như trong video!”, anh Ánh nói.
Học sinh Nhật Bản ngày nào cũng phải dọn vệ sinh ở trường (Ảnh: Mje Magazine)
Xin kể một câu chuyện khác ở một quốc gia khác. Đó là Nhật Bản. Trong bài viết đăng trên báo Japan Times, tác giả Alice Gordenker kể lại chuyện chuẩn bị cho con vào lớp một ở trường Nhật. Theo chia sẻ, các trường học không hề có nhân viên dọn dẹp, hoặc cũng có trường có nhưng học sinh Nhật vẫn phải tự quét, lau dọn phòng học, cửa kính, cầu thang… khoảng 30 phút mỗi ngày. Mỗi lớp có trách nhiệm tự dọn vệ sinh lớp mình và hai điểm khác trong trường.
Họ cho rằng, lao động để các em biết cách tôn trọng môi trường xung quanh và nhận ra rằng tốt nhất không nên bừa bãi khi chính mình phải dọn dẹp.
Nhưng thôi, không bàn đến chuyện ở đâu xa vời. Ngay ở Việt Nam thôi, hàng tháng nhiều cha mẹ còn bỏ cả đống tiền để cho con đi học thêm kỹ năng sống. Từ lớp mầm non, các em được học thêm về tự bảo vệ bản thân trước người lạ, xử lý khi bị lạc đường, nhặt được của rơi và... yêu lao động. Vậy thì hà cớ gì, 1 chiếc bàn học có đến 5-7 em học sinh chung tay khiêng để lau chùi sạch đẹp ngày đầu năm lại khiến cho phụ huynh bức xúc như vậy?
Thầy cô không làm việc ư? Không hề vì chính các thầy cô cũng phải hò nhau dọn dẹp. Sợ các em gãy tay chân ư? Nói vậy thì đến việc cầm cái chổi quét nhà cũng khiến các em còng lưng mất. Hay phụ huynh sợ bẩn quần áo? Đâu, các em thật đẹp trong lao động với bộ quần áo đồng phục đấy chứ?. Nói đúng hơn, các em còn thấy vui vẻ và phấn khích vì được làm việc chứ không như ở nhà toàn bị ba mẹ và giúp việc tranh làm mất.
Người ta nói "Người Việt Nam có tuổi thơ dài nhất thế giới" quả không sai. Thế nên, phụ huynh hãy cứ để cho con được "động tay, động chân" đi, đừng xót con mà cưng chiều thái quá. Hãy để cho các em có một ngày khai giảng ý nghĩa và một năm học mới trọn vẹn niềm vui.
* Bài viết theo quan điểm của tác giả
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn