Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã chính thức xác nhận hiện vẫn đang còn gần 4000 tấn hải sản đông lạnh tồn kho ở miền Trung. Trước thông tin trên nhiều người dân lo ngại về chất lượng số hải sản trên và câu hỏi đặt ra là liệu số hải sản đó có an toàn.
Trước lo lắng của người dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản giao các Bộ, ngành liên quan lấy mẫu xét nghiệm, xử lý. Theo đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm xét nghiệm các sản phẩm thủy hải sản tồn kho tại các kho lạnh, kho cấp đông.
Liên quan đến việc lấy mẫu xét nghiệm số hải sản trên, chiều ngày 31/8 tại cuộc Họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về việc phân lô, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các lo hải sản tại các tỉnh miền Trung.
“Quan điểm của Bộ Y tế là luôn luôn đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu, do đó Bộ Y tế đã yêu cầu 4 địa phương phân lô các kho cá, Bộ Y tế sẽ lấy mẫu tất cả các lô và đưa đi xét nghiệm, chỉ những lô cá đạt tiêu chuẩn mới được lưu hành, còn lại bắt buộc phải tiêu hủy”, Thứ trưởng Long cho hay.
Theo Thứ trưởng Long, dù đây là việc làm rất khó khăn, nhạy cảm, nhưng tinh thần phải làm nghiêm để bảo vệ sức khỏe người dân.
Hiện vẫn còn gần 4000 tấn hải sản đông lạnh tồn kho ở miền Trung.
Cũng liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo chiều ngày 31/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, theo sự phân công của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tích cực cùng các địa phương kê khai và tính toán các thiệt hại để hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại trực tiếp và gián tiếp với phương châm công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, ông Tám cho rằng, do nhiều vấn đề kê khai mà trước đó chưa lường trước được vì thế các địa phường đã có đề nghị với Chính phủ kéo dài thời gian kê khai đến ngày 15/9, đề xuất này đã được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý.
“Vấn đề không phải là nhanh hay chậm, mà điều quan trọng là chúng ta phải bồi thường công khai minh bạch, làm sao để không bỏ sót đối tượng thiệt hại nào” Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong ngày 30/8, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã chuyển nốt số tiền 250 triệu USD còn lại để bồi thường thiệt hại kinh tế, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân và khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.
Được biết, hồi cuối tháng 7/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã chuyển cho cơ quan chuyên trách của Việt Nam 250 triệu USD để bồi thường cho người dân chịu ảnh hưởng từ sự cố ô nhiễm môi trường biển do công ty này gây ra. Như vậy đến thời điểm này, Formosa Hà Tĩnh đã giữ đúng cam kết trước đó về khoản bồi thường, hỗ trợ 500 triệu USD.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn