Có ý kiến cho rằng, trong nhóm “tứ quái” Hà Nội có 3 cái tên nổi lên là những “thương hiệu” trong việc viết “tỉnh ca”, “ngành ca” là các nhạc sĩ: Trần Tiến, Phó Đức Phương và Nguyễn Cường. Ông nghĩ sao khi nghệ thuật bị “thực dụng hoá”?
Trước nay, mỗi khi đặt bút sáng tác một ca khúc nào đó, kể cả ca khúc đặt hàng thì tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện vật chất. Có người hỏi tôi: “Anh sáng tác theo đơn đặt hàng nhiều như vật thì bài nào được nhiều tiền nhất?”, tôi trả lời tiền đối với tôi chưa bao giờ có mức độ cao hay thấp cả bởi tôi quan trọng nhất là tác phẩm của mình được mọi người đón nhận như thế nào.
Một bài hát trở thành “thương hiệu ca”, song hành cùng logo nhận diện thương hiệu không thể nào định rõ bằng giá trị tiền tệ được. Chẳng có giá trị vật chất nào để so sánh được với điều này cả. Đây không phải là chuyện tiền mà nhiều khi bỏ rất nhiều tiền cũng không mua nổi.
Tôi hay nói với bạn bè thế này, cuộc đời này như một rừng hoa, có người đến ngắm bông hoa nọ, ngắm bông hoa kia… rồi về viết thành bài hát. Nhưng cũng có những người, như tôi chẳng hạn, cũng đến ngắm bông hoa nọ, ngắm con bướm, con chim kia… nhưng rồi có một bông hoa nào đó vô tình “mời gọi” khiến tôi ngắm bông hoa đó lâu và kỹ hơn nên có nhiều cảm hứng hơn để viết về bông hoa đó. Đó là đặt hàng đấy. Đừng nghĩ đặt hàng là tiền mà nó chính là tình cảm của tôi dành cho bông hoa “gọi mời” tôi. Tôi viết cho doanh nghiệp hay đơn vị nào đó… nhưng không có nghĩa bắt tôi phải viết theo ý họ mà tôi cũng được bay bổng trong cảm xúc sáng tạo của riêng mình.
Rất nhiều người nghĩ đến chuyện đặt hàng là tiền, nghĩ như thế là sai. Như cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận chẳng hạn, chiến dịch Điện Biên đặt hàng ông viết ca khúc và ông đã có tới 3 tác phẩm âm nhạc để đời. Có ai nghĩ rằng ông viết “đặt hàng” là vì tiền đâu.
Vậy trong những lần ông được “gọi mời” đấy, có kỷ niệm nào sâu sắc khi ca khúc cho các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức…?
Nhiều lắm, tôi không thể nhớ hết được. Ngay như mới đây, khi viết “Đà giang đại hợp xướng” nhân kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hòa Bình, tôi đã mất một năm trời thai nghén và từ bỏ hết tất cả những dự án khác để chuyên tâm viết. Tôi phải đọc rất nhiều sử thi, từ “Đẻ đất, Đẻ nước” đến “Người Việt, người Mường” để hiểu văn hóa Hòa Bình mới ra được tác phẩm âm nhạc này. Viết xong còn mất 3 tháng ròng để làm phối khí.
Tôi gọi đây là mối duyên của một tâm hôn âm nhạc “hành trình tìm về với nguồn cội của người Việt. Chính giai điệu “Bình Boong Bính Khẳm” xuyên suốt tác phẩm 4 chương là sự “phát lộ” từ ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Hòa Bình trong một lần uống rượu. Rồi trong quá trình thực hiện tác phẩm, doanh nhân Vũ Duy Bổng - người bỏ Hà Nội lên Hòa Bình lập nghiệp và có 10 năm gắn bó với văn hóa Mường - đã cho tôi nhiều gợi ý tuyệt vời như đưa tiếng mo, làn điệu hát ru bằng ngôn ngữ Mường do chính các nghệ nhân Mường thể hiện...
Hay khi tôi viết “Đại bàng giọt đắng” cho cà phê Trung Nguyên là bởi tôi rất quý Đặng Lê Nguyên Vũ, người có một tình yêu với đất nước rất riêng. Vũ không khát khao phấn đấu vì tiền mà vì lòng tự tôn dân tộc. Lúc đặt hàng, Vũ đề nghị tác phẩm không cần nhắc tên doanh nghiệp cậu ấy. Trong bài hát có câu nói tự đáy lòng của Vũ mà tôi rất thích: Một ngày mới cho ta, cho quê hương”.
Vậy hẳn với những tác phẩm âm nhạc như thế này thì tiền tỷ cũng chưa là gì cả?
Tất nhiên, những tác phẩm âm nhạc đồ sộ như thế thì tiền tỷ là đương nhiên. Nhưng tiền tỷ đấy không phải để đổ vào túi mình mà phải chi trả bao nhiêu thứ khác. Hàng trăm con người đổ sức dồn tâm mới làm được một tác phẩm âm nhạc như thế nên mình hưởng trọn tất cả làm sao được.
Có nhiều thông tin rằng, thời kỳ ông còn ở Tây Nguyên đã phải lòng một thiếu nữ dân tộc thiểu số ở đây. Và đó chính là ngọn nguồn cảm hứng cho ông viết được nhiều bản tình ca đậm chất đại ngàn?
Có. Đúng là tôi có một mối tình ở Tây Nguyên. Nhưng tình yêu ấy là tình yêu với văn hoá và con người Tây Nguyên. Đấy mới là tình yêu thật. Đấy mới là tình cảm bền lâu, sâu sắc. Nghĩ đến tình yêu mà chỉ nghĩ đến tình yêu lứa đôi thôi thì nông lắm.
Tình yêu đàn ông đàn bà… yêu nhau tới mức sẵn sàng chết với nhau trong kim cổ đến nay chỉ có vài trường hợp. Chẳng hạn như: Romeo và Juiliet, Mỵ Châu - Trọng Thuỷ. Nhưng tình yêu với quê hương, tình yêu với đồng loại, tình yêu với văn hoá… thì sự hy sinh là không thể đong đếm hết. Và đó mới chính là tình yêu đích thực.
Cho nên, những tác phẩm âm nhạc của tôi lớn như thế, đau đáu như thế… mà mọi người chỉ nghĩ được là vì nhờ một cô gái thôi sao?! Với tôi, Tây Nguyên là để thương vì tôi xem như một người tình, Hà Nội là để nhớ bởi tôi xem như một người vợ.
Nhưng như nhạc sĩ Trần Tiến từng nói, tình yêu trai gái tựa như những đốm lửa nhỏ, càng nhiều lửa thì cảm hứng sáng tác mới “ngùn ngụt”. Ông nghĩ sao về điều này?
Đã là tình yêu đừng cụ thể hoá là tình yêu gì. Đôi khi bắt gặp một cặp mắt đẹp cũng đã gợi lên trong mình những suy nghĩ gì đó rồi. Nó cũng tựa như nhìn thấy một giọt sương thì người ta đã có thể yêu được cả mặt trời nhưng giọt sương đâu phải là mặt trời.
Tôi không phải là người có nhiều bóng hồng như anh Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Thanh Tùng… âm nhạc của tôi cũng không có những tình yêu cụ thể ấy. Những cảm xúc của tình yêu thường nằm trong những vùng văn hoá lớn khi xuất hiện trong các bài hát của tôi.
Có không chuyện ông và Siu Black từng có tình cảm với nhau?
Chuyện đó là vớ vẩn. Tôi với Siu Black như anh em. Mới đây, khi tôi gọi điện mời Siu Black tham gia chương trình, Siu rất vui. Tôi cũng phải làm gì đó để cho Siu trở lại với âm nhạc.
Đến bây giờ, với tôi, Siu Black vẫn là một giọng hát đặc biệt, không giống ai. Chúng ta có 54 dân tộc thiểu số với những thể loại dân ca rất hay nhưng giọng đặc biệt thì chỉ có Y Moan và Siu Black của Tây Nguyên. Bây giờ có tìm ra giọng ca thứ 3 cũng không tìm được. Tôi gọi đó là cú xuất của Tây Nguyên, nó như là núi lửa phun ra vậy.
Tại sao đến bây giờ mới làm livehsow. Tôi không quan tâm đến chuyện bao giờ, cái duyên đến thì nó sẽ đến. Tôi luôn thuận theo lẽ tự nhiên. Tôi thích Lão Tử nhưng tôi cũng thích Khổng Tử. Tự nhiên có một cô bé dịu dàng, xinh xắn và khéo léo đến bảo “Chú Cường ơi, làm chương trình đi” thế là làm. Tất cả rất nhanh, quyết định trong tích tắc luôn.
Ông có thể bật mí đôi chút về liveshow đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của ông sắp tới ở Nhà hát Lớn Hà Nội?
Lúc quyết định làm thì đưa ra danh sách các “ứng cử viên” sáng giá và cuối cùng chọn Thanh Lam, Siu Black, Tùng Dương. Ngoài ra, một số các trẻ sáng giá: Nhóm Cỏ lạ, Vũ Thắng Lợi, Văn Viết… Lúc đầu chỉ định làm một đêm nhưng rồi nghĩ phải làm hai đêm mới đã. Chương trình chia làm 4 phần. Chương 1 là “Tuổi thơ tôi Hà Nội” để Thanh Lam hát, trong đó đặc biệt có 4 bài tương ứng với 4 màu sắc, 4 xúc cảm của một người yêu Hà Nội. Chương này có một bài nữa, một sáng tác mới nhất và rất tình cảm để nhớ về Hà Nội của mấy chục năm về trước đó là “”Mẹ ơi, gác xép nhà xưa”. Thời kỳ của chúng tôi, nhà Hà Nội nhà nào cũng có gác xép, không có nhà Hà Nội nào không có gác xép cả. Cho nên gác xép đối với người Hà Nội thời đó không chỉ là không gian sinh hoạt mà nó còn là không gian kỷ niệm. Nhớ tới gác xép là nhớ tới mẹ “Mẹ ơi, gác xép nhà xưa… Vẫn đâu đây, vẫn đâu đây tiếng mẹ”.
Chương 2 lấy chủ đề “Mái đình làng biển”. Tôi muốn đặt Hà Nội trong văn minh sông Hồng. Trong chương này có “Mái đình làng biển”, “Hò biển” và chùm ca khúc mới về Thị Mầu “Độc thoại Thị Mầu”. Chùm bài hát này sẽ làm nhiều người ngạc nhiên bởi nó đề cập đến chuyện người yêu của Thị Mầu. Có bài hát khẳng định người yêu của Thị Mầu không phải là Nô mà là một anh chàng rất đẹp trai, khoẻ mạnh, khát sống, khát yêu… Và khẳng định luôn Thị Mầu là người đẹp nhất lịch sử Việt Nam 4000 năm nay.
Trong chương này còn một bài nữa là “Khúc bi ca Mỵ Châu - Trọng Thuỷ”. Tôi gạt qua một bên những yếu tố chính trị để khẳng định đây là một chuyện tình đẹp. Đẹp đến mức độ, viên ngọc do Mỵ Châu hoá thân thành chỉ có nước giếng nơi Trọng Thuỷ trẫm mình mới làm sáng được. Có một câu tôi rất thích ở bài hát này đó là “Mỵ Châu ơi, còn yêu nhau xin hãy trở về”.
Chương thứ 3 là “Cao nguyên để thương” vì nó là người tình mà. Với chương này không cần kể ra thì các bạn cũng biết là những bài hát sẽ xuất hiện trong chương này. Và Siu Black sẽ là giọng ca chính của chương. Đây là dịp tái xuất giang hồ của Siu Black sau một thời gian ở ẩn. Chương 4 là kết thúc chương trình. Tùng Dương sẽ xuất hiện với “Romance Hà Nội” và một bài hát "lai" giữa Hà Nội và Tây Nguyên.
Cám ơn nhạc sĩ đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn