"Một ngày, khi đang xem phim, tôi bỗng nhận ra phần lớn nhân vật trong các bộ phim đang được chiếu trên truyền hình đều có tính cách tốt, vẻ ngoài xinh đẹp và cuộc sống hạnh phúc. Phải chăng phim ảnh chỉ dành cho những người có cuộc sống hoàn hảo?
Sự thật là xung quanh tôi rất nhiều người bị kỳ thị vì chủng tộc, màu da, giới tính, vẻ ngoài, cân nặng... Hàng loạt bạn bè tôi phải đến bác sĩ tâm lý chữa những căn bệnh chỉ có trong cuộc sống hiện đại. Đó mới là xã hội Mỹ thật sự. Tôi phải làm một bộ phim về họ", Ian Brennan, nhà sản xuất chính của Glee chia sẻ trong bài phỏng vấn với tạp chí Elle về bộ phim âm nhạc từng là hiện tượng văn hóa trong giới trẻ Mỹ vào năm 2009.
Glee là bộ phim truyền hình nhạc kịch hài tâm lý dài 6 phần, phát sóng tập đầu tiên vào ngày 19/5/2009 trên kênh Fox với nội dung xoay quanh câu lạc bộ ca hát mang tên New Direction tại trường trung học William McKinley ở Lima, Ohio.
Dưới sự dẫn dắt của một giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha, nhóm hát không ngừng luyện tập để chiến thắng cuộc thi âm nhạc toàn quốc.
Glee không phải bộ phim đầu tiên về câu chuyện học đường, nhưng cuộc sống học trò trong bộ phim chân thật đến không ngờ khi miêu tả thẳng thắn những vấn đề như nạn bắt nạt học đường, ranh giới an toàn giữa tình yêu và tình dục tuổi teen, phương pháp giáo dục dành cho lứa tuổi ẩm ương, các bệnh tâm lý trường học, sự cay đắng khi thất bại trong mỗi cuộc thi hay niềm vui chiến thắng sau nhiều năm cố gắng.
Ở Glee, không nhân vật nào là chính diện hay phản diện. Tất cả đều tồn tại song song tính cách tốt - xấu như con người trong cuộc sống thật.
Đơn cử như nhân vật chính Rachel Berry, một cô gái Do Thái có giọng hát nội lực nhưng ngoại hình mờ nhạt, thường xuyên bị bắt nạt tại trường học. Khi biết mình có khả năng ca hát, cô luôn cố gắng thể hiện thế mạnh của mình, thậm chí sẵn sàng ích kỷ, ganh đua để giành vị trí cao trong đội hát.
Đối đầu với Rachel là Quinn Fabray, đội trưởng đội cổ vũ, một hot girl tóc vàng xinh đẹp nhất trường. Cô đam mê cổ vũ, nhưng cũng rất yêu âm nhạc, sẵn sàng phá đám đội Glee vì cho rằng câu lạc bộ này cản trở danh tiếng của mình, nhưng rồi lại đồng hành bên các thành viên đội hát để giành chiến thắng cuối cùng.
Rõ ràng nhất trong 6 phần phim là bài học về giáo dục. Đó là khi người thầy giáo cố gắng dùng âm nhạc giúp học trò nhận thức sự khác biệt giữa tình yêu và tình bạn, sự khác biệt giữa gợi cảm và dung tục, hay cách mỗi thầy cô lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp, để các em tự do phát triển hay gò ép các em đi theo mong muốn của mình.
Giống như nhân vật Will Schuester nói: "Không có thầy giáo hoàn hảo hay phương pháp giáo dục tuyệt vời nào tồn tại. Những gì nhà trường muốn là các em bước ra khỏi mái trường này sẽ trở thành người có ích, và thực hiện được ước mơ của mình".
Bên cạnh đó, mỗi nhân vật đều có khao khát được thể hiện cá tính riêng, đồng thời học cách chấp nhận cái tôi cá nhân trong một tập thể lớn. Không một học sinh nào muốn có một cuộc sống bình lặng, ai cũng khao khát thể hiện, mong muốn được chiến thắng, sẵn sàng chiến đấu để là người giỏi nhất.
Đó chính là đặc trưng của giáo dục Mỹ.
Nói về bộ phim truyền hình dài tập ăn khách này, The Guardian nhận xét: "Glee không chỉ là bức tranh về trường học, nó chính là xã hội Mỹ với những cộng đồng người và số phận bị vứt bỏ".
Mỹ là quốc gia đa chủng tộc, thế nhưng ở quốc gia này người da vàng, da đen vẫn bị đối xử bất công.
Nhận ra điều đó, đạo diễn bộ phim khéo léo đưa vào đó dàn diễn viên đa dạng sắc tộc với những tính cách đặc trưng: Quinn Fabray và Finn Hudson da trắng và giữ vị trí cao trong trường học (đội trưởng đội cổ vũ và ngôi sao của đội bóng bầu dục), Rachel luôn nỗ lực hết mình như tính cách người Do Thái, Mercedes với giọng hát nội lực, sâu sắc của người da đen, Santana tính cách mạnh mẽ nhưng nội tâm của người gốc La Tinh, Mike Chang và Tina mọt sách, luôn nghe lời cha mẹ theo kiểu người Châu Á...
Không chỉ vậy, bộ phim còn đề cập đến về thành phần bị bỏ rơi của xã hội Mỹ: Artie tàn tật phải ngồi xe lăn, Kurt là gay dù cha cậu là người sửa chữa xe đầy nam tính, Santana lesbian nhưng không dám thừa nhận, Brittany biết mình song tính khi đang yêu một chàng trai bỗng phát hiện mình có tình cảm với cô bạn thân,...
Hoàn cảnh và tính cách của các nhân vật Glee cũng không hề "cổ tích". Quinn dù xinh đẹp, ngoan hiền, chăm chỉ đi nhà thờ mỗi sáng chủ nhật nhưng lại có thai ở tuổi 17, chàng "nam thần" đẹp trai Sam lén lút làm vũ công thoát y vì gia đình mang nợ, cô giáo xinh đẹp Emma mắc chứng OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế), thầy Will dù là người hùng của câu lạc bộ nhưng bị vợ lừa dối, gia đình riêng không hạnh phúc, hay bà giáo ghê gớm Sue lại có người em mắc bệnh down,...
Glee không tạo cảm giác hào nhoáng, bóng bẩy của nghệ thuật mà thẳng thắn vẽ nên những hoàn cảnh đời thường mà ở đó mỗi nhân vật là một mảnh xếp hoàn hảo, ghép lại thành xã hội Mỹ với những số phận mờ nhạt và cuộc sống nhiều góc khuất.
Ví dụ như Kurt Hummel, "chàng đồng tính bé nhỏ", khi sợ hãi và mệt mỏi vì bị kỳ thị, cậu chọn cách... trốn chạy. Dù hụt hẫng, nhưng phần lớn người xem lại thấu hiểu cho hành động của cậu bé 17 tuổi khi bị dồn vào đường cùng.
Tất cả nhân vật của Glee đều có vấn đề khó nói, với những tâm tư, tình cảm và cách giải quyết rất đời. Đó là lý do vì sao bộ phim trở nên đặc biệt khi phát hiện và đưa những số phận người bị bỏ rơi ở xã hội Mỹ ra ngoài ánh sáng.
Chữ L trong một loạt hình poster của Glee xuất phát từ chữ viết tắt của "Loser" (Kẻ thua cuộc). Đó cũng là thông điệp của bộ phim: Đừng từ bỏ ước mơ - Đừng là kẻ thua cuộc.
Sự thật, Glee không phải bộ phim đầu tiên sử dụng âm nhạc làm nền cho các câu chuyện học đường, nhưng lại là bộ phim thành công nhất. Phần lớn các bài hát được cover từ các ca khúc đình đám, đan xen logic với những tình huống phim.
Làm sao có thể quên tuyên ngôn và thông điệp của hit "Born this way" của Lady Gaga được thể hiện qua giọng hát của Kurt, chàng gay được yêu mến nhất bộ phim, hay màn cầu hôn siêu lãng mạn của thầy Will và bài hát We Found Love qua sự trợ giúp của nhóm Glee.
Nhiều màn trình diễn đã phá tan định kiến giới tính như Teenage Dream, vốn được hát với tone giọng nữ của Katy Perry, giờ được thể hiện qua giọng nam của Blain cùng dàn đồng ca, hoặc ca khúc Toxic của Britney Spears lại được các nhân vật nam thể hiện gợi cảm không thua gì "công chúa nhạc pop".
Không ít màn biểu diễn trong phim được đánh giá cao hơn cả bản gốc như We are young, The Scientist, hay Oops!... I Did It Again,...
Make You Feel My Love có lẽ là ca khúc cảm động nhất trong toàn series Glee được thể hiện bởi Rachel Berry do Lea Michele thủ vai khi nam diễn viên trẻ tuổi tài năng Cory Montieth, người đóng vai Finn Hudson vừa qua đời cách đó không lâu.
Đây vừa lời yêu thương tưởng nhớ người bạn trai, cũng là những tâm tư chân thật không diễn xuất của cô dành cho người quá cố.
Không chỉ vậy, mỗi tập phim Glee còn là một chủ đề với khách mời là các ngôi sao nổi tiếng như Britney Spears, Ricky Martin, Josh Groban, Lindsay Lohan,...
"Nữ hoàng nhạc Pop" Madona đã cho Glee quyền sử dụng các ca khúc của cô. Lady Gaga cũng bày tỏ ý muốn được làm khách mời, và Glee từng tưởng nhớ ngày mất của ngôi sao Whitney Houston bằng cách có một tập phim sử dụng toàn bộ nhạc của bà...
Việc nắm bắt xu hướng âm nhạc kết hợp với giọng ca cùng diễn xuất hoàn hảo của dàn diễn viên trẻ đã làm sống lại nhiều bài hát đình đám. Tất cả chàng trai, cô gái ấy trước khi đến với Glee đều vô danh. Có lẽ vì vậy họ mới thể hiện thành công vai nhân vật xấu xí, mờ nhạt, hay những phận người bị kỳ thị vì màu da, giới tính... đến như vậy.
Việc thắng 4 giải Emmy, 5 giải Satellite, 4 giải Quả Cầu Vàng, 3 giải Teen Choice Awards cùng rất nhiều giải thưởng khác đã chứng minh sức hút của bộ phim truyền hình đình đám này.
Việc Việt Nam làm lại bộ phim âm nhạc nổi tiếng này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn nếu như không thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa của bộ phim cũng như không tìm được dàn diễn viên xứng tầm với những vai diễn thú vị này.
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn