Là một trong tứ đại mỹ nhân Sài Gòn một thời, sánh vai cùng Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Kim Cương về nhan sắc, bằng tài năng và đam mê thiên phú, Kiều Chinh bén duyên với điện ảnh và trở thành nữ minh tinh Việt Nam duy nhất được vinh danh tại Hollywood - mảnh đất nghệ thuật khắc nghiệt nhất thế giới.
Kiều Chinh - đỉnh cao nhan sắc thập niên 60
Kiều Chinh với nét đẹp đài các, quý phái hiếm có
Kiều Chinh (tên thật là Nguyễn Thị Chinh), sinh năm 1937 tại thủ đô Hà Nội trong một gia đình khá giả. Mối quan hệ rộng rãi của cha với các văn nghệ sĩ Hà Nội trước cách mạng đã tạo một nền tảng nghệ thuật vững chắc cho Kiều Chinh ngay từ thời thơ ấu.
Kiều Chinh và cha.
Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, Kiều Chinh cùng Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương và Thanh Nga là bốn giai nhân nức tiếng Sài Gòn lúc ấy. Nhan sắc diễm lệ và nét tinh tế, đài các của người con gốc Hà Thành đã khiến Kiều Chinh chiếm trọn trái tim của bao quý ông.
Nhưng kỳ lạ thay, những xa hoa, hào nhoáng trong thời kỳ đỉnh cao sắc đẹp ấy lại chẳng khiến bà mảy may rung động. Trái tim người phụ nữ đã ấy có lẽ đã chọn trao cho một điều còn quý hơn cả tình yêu nam nữ.
Có những điều còn quý hơn nhân duyên nam nữ
Năm 17 tuổi, cảm kích trước sự nuôi dưỡng và đùm bọc của gia đình bạn của cha, cô thiếu nữ Kiều Chinh chưa từng có mối tình đầu quyết định bước chân lên xe hoa cùng người con trai thứ trong nhà. Họ có với nhau 3 người con. Cuộc hôn nhân của Kiều Chinh chấm dứt sau 25 năm chung sống, và bà cũng như bao người phụ nữ khác, muốn giữ kín lí do cho riêng mình.
Khi được hỏi về người chồng cũ nay đã có gia đình mới, bà nhẹ nhàng chia sẻ: “Anh Tế, đúng như cái tên mà các cụ đã đặt, là một người rất tử tế. Chỉ tiếc duyên phận mình chỉ có vậy. Bây giờ mình vẫn coi anh ấy như người anh, người bạn, thường gặp nhau trong những sinh hoạt chung của gia đình”.
Nhan sắc diễn viên Kiều Chinh khi còn trẻ.
Từ sau đó, mọi bước đi của Kiều Chinh trên đường đời đều là bước đi độc lập mà không gắn liền với bóng dáng đàn ông nào khác nữa. Bà cống hiến hết mình cho nghệ thuật, về già sống đơn giản nay đây mai đó, thích là đi. Sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên và duy nhất đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời bà, khiến người phụ nữ quyết định thay đổi mình và đón nhận vận may trong sự nghiệp điện ảnh.
Mối duyên tiền định với môn nghệ thuật thứ bảy và hơn thế nữa
Trong một lần sải bước trên đường phố Sài Gòn, Kiều Chinh đã lọt vào mắt xanh của vị đạo diễn nổi tiếng Hollywood Joseph L. Mankiewicz bởi dung mạo tuyệt đỉnh. Vai diễn mà Kiều Chinh được mời thử sức chính là Phượng của The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng) phiên bản chuyển thể đầu tiên. Tuy nhiên, bà phải gửi lời từ chối bởi gia đình nhà chồng không đồng ý.
Không lâu sau đó, cơ duyên điện ảnh lại một lần nữa gõ cửa, bà được mời đóng vai chính trong bộ phim Hồi chuông Thiên Mụ của đạo diễn Lê Dân. Sau thành công của vai diễn đầu tiên này, sự nghiệp điện ảnh của Kiều Chinh chính thức bắt đầu.
Nữ diễn viên tiếp tục gặt hái thành công với nhiều bộ phim nổi tiếng như: Mưa rừng của đạo diễn Thái Thúc Nha, Ngàn năm mây bay của đạo diễn Hoàng Anh Tuấn,... Rất nhanh chóng, Kiều Chinh trở thành cái tên thuộc hàng “sao” trong giới điện ảnh thời bấy giờ.
Kiều Chinh trong “Hồi chuông Thiên Mụ”.
Không dừng lại ở đó, với nét đẹp quý phái, thánh thiện cùng lối diễn xuất mộc mạc, tự nhiên và vốn tiếng Anh lưu loát, Kiều Chinh trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà làm phim quốc tế.
Năm 1968, bà đóng Chuyện năm Dần do Mỹ sản xuất sánh vai cùng nam tài tử Marshall Thompson. Năm 1971, bà trở thành hiện tượng của làng giải trí tại Ấn Độ khi vượt qua nhiều người đẹp điện ảnh bản xứ để giành vai công chúa Kamar Souria trong bộ phim Inside Out, đóng cùng hai nam diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ là Rod Perry (Mỹ) và Dev Anand (Ấn Độ).
Năm 1973, Kiều Chinh đạt giải “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” của Đại hội Điện ảnh Á châu tại Đài Bắc.
Bộ phim “The Evil Within” mà Kiều Chinh đóng cùng tài tử Dev Anand.
Bên cạnh sự nghiệp diễn xuất đỉnh cao, Kiều Chinh còn là một nhà sản xuất tài năng và tâm huyết. Đứa con tinh thần của bà với đạo diễn Huỳnh Vĩnh Lộc là hãng phim Giao Chỉ đã cho ra mắt nhiều sản phẩm nghệ thuật ấn tượng, trong đó không thể không kể tới Người tình không chân dung do "nữ hoàng điện ảnh Việt" trực tiếp sản xuất và thủ vai chính.
Kiều Chinh chính thức đến với thiên đường điện ảnh thế giới - Hollywood - vào năm 38 tuổi. Trong vòng 2 năm tự thân vận động nơi xứ người, từ một diễn viên chỉ có đôi ba lời thoại, bà khẳng định tài năng của mình khi tham gia đóng vai chính nhiều phim truyền hình, có cơ hội diễn xuất cùng nhiều tài tử của Hollywood.
Trong năm 2003, tại Liên hoan phim Phụ nữ (Womens Film Festival) ở Torino, Ý, Kiều Chinh được trao giải Diễn xuất Đặc biệt (Special Acting Award). Năm 2006, bà tiếp tục được trao giải thưởng Thành tựu Suốt đời (Lifetime Achievement Award) tại Liên hoan phim San Diego Asian.
Với vai diễn trong phim The Joy Luck Club, Kiều Chinh lọt vào danh sách 50 diễn viên khiến khán giả khóc nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh.
Không phải con đường nào cũng trải đầy hoa
Khi bộ phim Full House đóng máy tại Singapore, Kiều Chinh trở về quê nhà. Thời cuộc rối ren, bà buộc phải tiếp tục bước chân lên phi cơ, bắt đầu cuộc hành trình tưởng chừng bất tận khi một mình bay tới Bangkok, Hongkong, Đài Loan, London, New York,... với hành trang duy nhất là bộ quần áo và chiếc lắc tay. Cuối cùng, bà dừng chân tại Toronto (Canada), đoàn tụ cùng 3 người con đang du học tại đây trong sự vỡ òa vì xúc động.
Bỏ đi tất cả hào quang của một “ngôi sao Á châu”, Kiều Chinh phải bươn chải nơi đất khách trong khó khăn và nước mắt.
Tại đất nước xa lạ, người phụ nữ “hồng nhan” này đã phải trải qua thời kỳ tị nạn đầy khó khăn và nước mắt. Bà phải làm việc cực khổ trong các trại lao động, kể cả những công việc thấp kém nhất mà một nghệ sĩ từng đứng trên đỉnh hào quang và danh vọng chắc chắn chưa bao giờ nghĩ tới. Có đôi lúc việc làm duy nhất bà kiếm được là đi hót phân gà hoặc quét dọn để kiếm vài đồng trang trải cuộc sống.
Nhưng với phẩm chất của một tiểu thư danh giá, Kiều Chinh hiểu rằng đây không phải cuộc đời của mình và tương lai của các con. Bà bèn tìm mọi cách liên lạc với những người quen biết. Nhờ sự bảo lãnh của người bạn cũ là tài tử Tippi Hedren, cuối cùng Kiều Chinh và gia đình đã định cư tại California.
Sống giản dị và tiếp tục cống hiến
Trong suốt những năm tháng phiêu bạt nơi xứ người và ngay cả khi đã định cư tại Mỹ, trái tim nữ tài tử vẫn luôn không ngừng hướng về quê hương. Hoạt động có ý nghĩa nhất của Kiều Chinh là đồng sáng lập tổ chức từ thiện phi lợi nhuận “The Vietnam Children’s Fund” (“Quỹ Trẻ em Việt Nam”) với nhà báo Terry Anderson. Tổ chức này đã thành lập một loạt 61 trường tiểu học tại Việt Nam.
Năm 1995, Kiều Chinh trở lại quê nhà để cắt băng khánh thành ngôi trường đầu tiên tại Quảng Trị. Và đây cũng là lần đầu bà trở về Hà Nội sau 41 năm xa cách để gặp lại người anh duy nhất. Cuộc hành trình trở về của Kiều Chinh được chuyển thể thành phim bởi Đài truyền hình KTTV thuộc hệ thống Fox Television dưới tên Kieu Chinh: A Journey Home, đã đạt giải Emmy Awards dành cho phim tài liệu vào năm 1996.
Nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng luôn mang trong mình phong thái của người Tràng An lịch lãm.
Không phải con đường nào cũng trải đầy hoa, cuộc đời luôn là sự biến thiên của những nốt thăng - trầm, nhưng “viên ngọc Viễn Đông” Kiều Chinh đã chứng minh được rằng: đã là ngọc, nhất định sẽ sáng.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/doi-thang-tram-tung-di-hot-phan-ga-cua-nu-hoang-dien-...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn