Vào khoảng 2h20 sáng ngày 15/4/1912, tàu Titanic - con tàu sang trọng hàng đầu thế giới tại thời điểm đó - đã va phải một tảng băng trôi, sự việc bi kịch đã khiến khoảng 1.500 hành khách thiệt mạng.
Titanic khi đó được xem là con tàu chở khách lớn nhất thế giới, nó đang trong chuyến hải trình đầu tiên từ Southampton (Anh) tới New York (Mỹ) thì gặp nạn ở gần đảo Newfoundland (Canada).
Khi ấy, dàn nhạc của tàu muốn giúp cho các hành khách bình tĩnh hơn giữa cảnh hỗn loạn. Họ đã chơi đàn suốt hơn hai tiếng, kể từ khi con tàu đâm phải tảng băng trôi, cho tới tận khi tàu chìm. Cả dàn nhạc cuối cùng đã chìm xuống đáy đại dương câm lặng trong vụ việc bi kịch cùng với con tàu xấu số.
Không chủ động tìm cho mình vị trí trên xuồng cứu hộ, ngay cả trong lúc biểu diễn, hẳn họ đã hình dung ra kết cục của mình. Nhưng cả dàn nhạc đồng lòng như một, không ai rời bỏ vị trí, họ vẫn cùng nhau biểu diễn xuyên suốt thảm kịch đã đi vào lịch sử hàng hải.
Câu chuyện có thật về những thành viên trong dàn nhạc trên tàu Titanic đã trở thành một câu chuyện đẹp, gây xúc động trong lòng người. Những ai từng được biết đến câu chuyện này đều cảm thấy ngưỡng mộ tấm lòng quả cảm của dàn nghệ sĩ chơi đàn trên tàu Titanic.
Hình ảnh dàn nhạc chơi đàn trên boong, ngay cả trong những thời khắc cuối cùng khi Titanic sắp chìm hẳn dưới làn nước, đã được nhắc đến trong mọi cuốn sách, bộ phim kể lại về bi kịch hàng hải này.
Cho tới tận hôm nay, câu chuyện này vẫn rất thu hút sự quan tâm, người ta thường đặt ra câu hỏi rằng dàn nhạc đã chơi những bản nhạc nào; và liệu tiếng đàn có thực sự giúp cho các hành khách bớt phần hoảng loạn, giữ được bình tĩnh hơn chút nào không…
Nhiều khả năng dàn nhạc đã chơi những bản nhạc vui vẻ với tiết tấu nhanh, như những điệu van-xơ, đó là vốn tiết mục quen thuộc của các dàn nhạc biểu diễn phục vụ trên khoang hạng nhất của các chuyến tàu thủy thời ấy.
Nhà soạn nhạc người Anh Peter Young cho biết: “Phần lớn âm nhạc được biểu diễn trên tàu Titanic đều vui vẻ, hân hoan; hoặc dịu nhẹ, êm ái khi đêm xuống. Và âm nhạc có tác động trực tiếp tới cảm xúc của mỗi chúng ta”.
Mặc dù không có nghiên cứu nào từng tìm hiểu về tác động của âm nhạc trong những tình huống vô cùng cam go; nhưng đã có nhiều nghiên cứu nói về tác động của âm nhạc tới xúc cảm con người.
Nhà tâm lý học âm nhạc - Tiến sĩ Nikki Dibben của Đại học Sheffield (Anh) - đã nhận xét: “Đã có những nghiên cứu cho thấy âm nhạc có thể xoa dịu cảm nhận về nỗi đau của con người. Cũng có nhiều nghiên cứu khẳng định con người có thể sử dụng âm nhạc trong cuộc sống thường ngày để điều hòa tâm trạng”.
Tiến sĩ Nikki Dibben tin rằng có khả năng âm nhạc đã tác động tới cảm nhận của những hành khách trên tàu Titanic bởi khi đó, những khúc nhạc vui tươi, với tiết tấu nhanh rất được ưa chuộng và phổ biến trong đời sống xã hội.
Lúc này, những liên hệ vô thức sẽ sống dậy, âm nhạc vui nhộn, nhịp điệu nhanh không chỉ có tác động hướng tâm trạng theo chiều tích cực, mà còn gợi tới những điệu nhảy, những khoảnh khắc vui tươi trong đời sống mà người ta từng có.
Ban nhạc trên tàu Titanic có thể đã giúp các hành khách được bình tĩnh hơn phần nào khi dùng tiếng nhạc để át đi những âm thanh đáng lẽ đã có thể làm gia tăng sự hoảng loạn.
Tiến sĩ Dibben cũng cho rằng việc chơi nhạc của dàn nhạc có thể còn có một chủ ý khác nữa: “Bởi nghiên cứu còn chỉ ra rằng âm nhạc tạo nên sự gắn kết giữa những người cùng chơi nhạc với nhau và với các khán giả…”. Trong giờ phút đen tối ấy, sự gắn kết có thể là niềm an ủi cuối cùng cho những số phận bi kịch.
Có nhiều thông tin khác nhau về bản nhạc cuối cùng mà ban nhạc chơi. Ông John Graves, một chuyên gia tại Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Anh chia sẻ rằng có nhiều bằng chứng cho thấy bản nhạc cuối cùng được chơi là giai điệu của bài thánh ca “Nearer My God To Thee” (Càng gần Chúa hơn).
Chỉ huy ban nhạc trên tàu Titanic - nghệ sĩ vĩ cầm người Anh Wallace Hartley - là một người sùng đạo. Anh ra đi năm 34 tuổi, về sau, gia đình của anh đã cho khắc trên bia mộ của Wallace những câu đầu trong bài thánh ca này.
Sinh thời, nghệ sĩ Wallace cũng từng chia sẻ với các đồng nghiệp phục vụ trên con tàu Mauritania, một tàu thủy vượt Đại Tây Dương khác, rằng nếu anh ở trên một con tàu sắp đắm, anh sẽ cùng ban nhạc biểu diễn “Nearer My God To Thee” hoặc “Oh God Our Help In Ages Past”.
Dù vậy, ông Harold Bride, một người làm nhiệm vụ thông tin liên lạc trên tàu Titanic, người đã sống sót sau vụ chìm tàu, từng chia sẻ với tờ New York Times rằng: “Tàu gãy làm đôi trước lúc chìm hẳn, nửa tàu có ban nhạc bị chúi phần mũi xuống nước… Cả ban nhạc bị trượt khỏi boong tàu. Họ là những con người quả cảm. Lúc ấy, họ vẫn đang chơi dở một bản nhạc về mùa thu”.
> Người giàu có nhất trên tàu Titanic là ai?">>> Người giàu có nhất trên tàu Titanic là ai?
> Quý ông mặc đẹp, sẵn sàng… chìm xuống đại dương cùng Titanic">>> Quý ông mặc đẹp, sẵn sàng… chìm xuống đại dương cùng Titanic
Bích Ngọc
Theo BBC
Nguồn tin: eneoia.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn