Chùa Cầu Hội An đang chịu nhiều áp lực, xuống cấp cần được tu bổ. Ảnh: H. Văn
Di tích hơn 400 năm kêu cứu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh cho biết, Chùa Cầu được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1990, là biểu tượng của khu phố cổ Hội An, mang các đặc trưng kiến trúc của Hội An thế kỷ XVIII - XIX.
Đến nay, Chùa Cầu đã trải qua 7 đợt tu bổ lớn, nhưng hiện di tích này đang xuống cấp trầm trọng. Hằng ngày, Chùa Cầu phải đón tiếp trung bình 4.000 lượt khách. Dưới cầu là sự chuyển biến của dòng chảy Khe Ồ Ồ và môi trường ẩm ướt của sông nước. Những tác động này khiến các mố, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, kèo có dấu hiệu mục rỗng, hư hỏng… Ngoài ra, Chùa Cầu cũng nằm ngay ở vùng rốn lũ của Hội An, thêm nguy cơ mất an toàn.
Kết quả khảo sát, phân tích, đánh giá hiện trạng của PGS.TS Nguyễn Xuân Toản và ThS Nguyễn Duy Thảo (ĐH Đà Nẵng) cho thấy, kết cấu khung bao gồm hệ cột, giằng và vì kèo cơ bản còn đủ khả năng chịu được trọng tải của thân cầu trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, nhiều bộ phận kết cấu bị rạn nứt, bị mục cần gia cố, thay thế. Đặc biệt, một số đầu và cuối các bộ phận kết cấu hoặc đầu cột và chân cột bị nứt và mục. Các mối nối, liên kết bị cong vênh, nhả mộng và không đảm bảo chắc chắn. Kết cấu dầm đỡ và sàn đỡ đáy xuất hiện một số vùng không đủ khả năng làm việc an toàn trong điều kiện bất lợi và có dấu hiệu nguy hiểm. Một số kết cấu dầm thép được thay thế đã bị gỉ và đứt gãy…
Lo Chùa Cầu… “1 tuổi”
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, đã là di tích thì không thể cứ “trai tráng” mãi. Tuy nhiên, tháo dỡ phần hạ tầng không đáng lo bằng phần mái. Bởi nếu tháo dỡ mái Chùa Cầu để làm lại thì Chùa Cầu không còn là chính nó nữa. “Chùa Cầu rất dễ biến thành di tích... 1 tuổi”, ông nói.
Tuy nhiên, GS. TSKH Vu Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, cho rằng cần trùng tu theo quan điểm đồng bộ, toàn diện, nhất là kiến trúc. Nên tháo dỡ toàn bộ, làm hồ sơ chi tiết, gia cố, phục chế những bộ phận hư hỏng nặng rồi dựng lại. Không nên kéo dài tình trạng hư đâu sửa đấy khiến di tích dần biến dạng và mất hẳn tính nguyên gốc.
KTS Lê Thành Vinh (Viện Bảo tồn di tích), dẫn ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình trùng tu trước bao gồm xử lý các vấn đề kỹ thuật, tu bổ, đặc biệt là công tác tư liệu hóa. Lần trùng tu mới nhất cách đây 30 năm cơ bản đảm bảo được các yếu tố đó, tuy nhiên vấn đề đặt ra đối với việc trùng tu Chùa Cầu hiện nay là không đơn giản.
Theo PGS. TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, việc thăm dò dư luận, khảo sát ý kiến của cộng đồng là rất quan trọng. Phương án hạ giải toàn phần là hợp lý. Nếu không giải quyết triệt để thì không tạo ra kết cấu bền vững của vật chất, từ đó không giữ được giá trị phi vật thể lâu dài. Ông Bài cũng lưu ý vấn đề quản lý du khách để giảm tải trọng đối với di sản Chùa Cầu.
Kết luận hội thảo, ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đồng tình với quan điểm hạ giải toàn bộ Chùa Cầu. Theo đó, việc trùng tu cần sớm tiến hành, giải quyết triệt để các vấn đề về kết cấu, đảm bảo tính ổn định, lâu dài của di tích, gia cố vững chắc phần móng, trùng tu tổng thể triệt để trên cơ sở các nguyên tắc bảo tồn đi cùng cách tiếp cận toàn diện và đảm bảo tính chân xác. Đây là dự án đặc biệt nên sẽ phải kêu gọi sự chung sức của các chuyên gia đầu ngành và tư vấn quốc tế.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn