Ông nhà thầu nức tiếng bí mật đào hầm

Chủ nhật - 30/04/2017 03:24

Ông nhà thầu nức tiếng bí mật đào hầm

Nhà tư sản giàu có là một vỏ bọc hoàn hảo để người đàn ông đó hoạt động cách mạng. Ông cống hiến tất cả sức lực, trí tuệ và tài sản của mình cho cách mạng để có ngày thống nhất.

Đoàn cựu chiến binh thăm căn hầm

Chiều tháng 4 oi ả, bà Marie Hélène (người Pháp) cùng chồng đến căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM hiện nay để tham quan. Khi được người hướng dẫn nhấc cánh cửa hầm bí mật thoạt nhìn y như những ô gạch bông bình thường, lộ đường dẫn xuống phía dưới, bà thốt lên: “Thật là thú vị, thật là đáng kinh ngạc!”. Bà Hélène vừa đến TP.HCM được vài ngày. Bà nói: “Tôi đến đây vì muốn biết về TP này và lịch sử của nó”. Cùng đi với bà còn có chàng thanh niên tên Võ Quốc Chiến, du học sinh Pháp, nói thành thạo tiếng Pháp để thuyết minh cho bà nghe về căn nhà này của ông Năm USom.

Ông Năm USom (tên thật Trần Văn Lai, có tên khác là Mai Hồng Quế), một ông chủ tư sản giàu nức tiếng Sài Gòn trước năm 1975, chủ căn nhà này, đã mất năm 2002. Người bạn đời, cũng là người đồng chí của ông tên Đặng Thị Thiệp (tên khác Đặng Thị Tuyết Mai), năm nay 74 tuổi, hiện vẫn còn khỏe mạnh, đang sống tại quận 1. Ký ức về người chồng giàu nức tiếng, người anh hùng thầm lặng của biệt động Sài Gòn trong bà Tuyết Mai vẫn còn mới nguyên, sôi nổi.

Bỗng dưng trở thành “vợ bé”

Bà Thiệp gặp ông Lai khi bà đang ở căn cứ Củ Chi, chuẩn bị được đưa ra Bắc học tập và gặp lại cha ruột tập kết ngoài Bắc. Ông Năm Lai lúc đó đã là nhà thầu thiết kế nội thất nổi tiếng giàu có ở Sài Gòn. Trong một buổi họp, ông xin cấp trên đưa bà về TP để học tập và rèn luyện. Đó là đầu năm 1965, lúc đó ông vừa được tổ chức giao nhiệm vụ đào một căn hầm làm nơi chứa vũ khí chiến lược trong nội thành. Ở Sài Gòn, ông đề nghị bà Thiệp đóng giả vợ bé đi mua nhà để có cớ đi lại mà không ai nghi ngờ. Người vợ trước của ông, cũng là một người đồng chí, không may bị địch bắt, tra tấn rồi hy sinh.

Khi tìm được căn nhà trên đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), bà bàn với ông mua luôn hai căn nhà bên cạnh để khi đào hầm không bị phát hiện. Ông đặt cọc tiền luôn. Sau đó ông kêu thợ đào làm hầm nước. Khi hầm nước hoàn thành, chiều chiều ông lại chở “vợ bé” về căn nhà này, đóng cửa tâm sự. Khi cánh cửa đóng lại, ông chui xuống đào hầm, bà ở trên nhận đất. Nhiều đêm ông ở đó đào một mình. Ròng rã đến tháng 3-1966, căn hầm được đào xong. Không ai nghi ngờ chuyện ông chủ giàu có đi lại với cô “vợ bé” dù hàng xóm bàn tán khá nhiều. Sáng sớm ông lái chiếc xe hơi của mình cùng cô “vợ bé” rời đi, bên trong xe là những túi đất đã được giấu kỹ.

Ông mua một căn nhà khác trên đường Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận cho “vợ bé” ở. Bà Thiệp kể: “Ai hỏi tới tôi cũng nói ngay tôi là vợ bé, không có danh phận. Bởi vậy nên sau này ổng bị bắt, mẹ con tôi vẫn an toàn, không ai nghi ngờ gì hết”.

Ông Lai từng được mời thiết kế, trang trí nội thất trong dinh Độc Lập dưới cái tên Mai Hồng Quế. Bên cạnh đó, ông còn được cài cắm vào cơ quan viện trợ U.S.O.M của Mỹ tại miền Nam với bí danh là thầy Năm USom. Trong lần trang trí rèm cửa cho dinh, ông đã “bỏ quên” trên nóc dinh một bộ kềm búa để có cớ ra vào quan sát. Ông chính là người duy nhất vẽ được bản đồ dinh Độc Lập chuyển ra khu an toàn.

Trong vỏ bọc nhà tư sản thân chính quyền Sài Gòn, ông Năm Lai đi lại trong TP, liên lạc với tổ chức, vận chuyển vũ khí từ Củ Chi vào TP gần như không gặp trở ngại nào. Ông đã vận chuyển đến căn hầm này 2,5 tấn vũ khí các loại.

Bà Hélène đến tham quan căn hầm giấu vũ khí của Đội 5 biệt động thành.

Ông Lai và “vợ nhỏ” trước căn nhà có hầm bí mật.

Xe hơi của ông Lai - nhà tư sản Mai Hồng Quế.

Hiến toàn bộ tài sản cho cách mạng

Rạng sáng mùng 1 Tết Mậu Thân, toàn bộ chiến sĩ biệt động Đội 5 đã tập kết tại căn hầm trên đường Phan Đình Phùng lúc bấy giờ để lau chùi vũ khí, chuẩn bị tấn công vào dinh Ðộc Lập. Toàn đội đã đi trên ba xe hơi nhỏ tiến đến cổng bên hông dinh. Tổ xung kích đã dùng bộc phá phá cổng nhưng không nổ. Một số chiến sĩ lao vào khuôn viên bị chặn lại, bảy chiến sĩ biệt động thành đã anh dũng hy sinh. Nhiều chiến sĩ khác chiến đấu ngoan cường cho đến khi hết đạn và bị bắt. Sau đó, Đội 5 biệt động đã được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang năm 1969.

Ông Lai, tức Mai Hồng Quế, bị lộ, ông bị chính quyền Sài Gòn truy nã gắt gao. Tất cả tài sản của ông bị tịch thu. Duy chỉ có căn nhà ở quận Phú Nhuận ông mua cho “vợ bé” là không bị lộ. Năm 1970, ông bị bắt và bị tra tấn dã man. Bà Thiệp tìm cách chuộc ông ra trong tình trạng trọng thương, thoi thóp. Khi sức khỏe hồi phục phần nào, ông rút khỏi TP ra miền Trung tiếp tục hoạt động.

Sau ngày thống nhất đất nước, gia đình ông quay về sống trong căn nhà ở quận 1, những căn nhà khác đều hiến cho cách mạng và được chia cho người khác. Cuộc sống sau ngày thống nhất có những lúc khó khăn. Bà Thiệp nói, giọng rất nhẹ nhàng: “Ngày xưa mình chiến đấu chỉ mong có ngày thống nhất. Ông làm ăn giàu có cũng là để có vỏ bọc để hoạt động cách mạng, có điều kiện đóng góp cho cách mạng nên xem như mình đã hoàn thành nhiệm vụ với đất nước. Ông cũng từ chối khi được đề nghị xét cấp đất, nhà rộng hơn. Ông nói ở vầy được rồi”.

Căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988. Bà Liên bán bún bò đối diện căn nhà nhỏ đó, vui vẻ cho biết những ngày qua nhiều người nước ngoài đến gõ cửa căn nhà này. Bà Liên là người đã sinh ra và lớn lên ở đây, chứng kiến những thăng trầm lịch sử gắn với căn nhà. Bà kể: “Hồi đó tôi còn nhỏ, chơi lò cò ở đây. Không ai biết đây là căn nhà có hầm chứa vũ khí của biệt động thành. Hàng xóm thân thiết cũng không biết. Nhưng có một lần cha tôi đang nghe đài, thấy có một người đi thẳng vô nhà, gấp gáp xin thay bộ đồ rồi đi ngay. Nhìn người ta đi ra với bộ dạng khác, cha làm thinh không nói, đoán là người hoạt động cách mạng. Đến sau 30-4-1975 mới biết căn cứ cách mạng ở ngay sát nhà mình”.

“Đào hầm giữa nội thành không phải dễ đâu à!”

Hầm B - nơi in ấn tài liệu truyền đơn và hội họp của Hội Ủng vệ quốc đoàn với sức chứa tới 30 người được xây dựng năm 1954 ngay giữa lòng Sài Gòn. Người duy nhất còn đủ sức khỏe và minh mẫn kể về những ngày đào hầm phục vụ cách mạng là ông Lê Văn Quang (Ba Quang), hiện ngụ Thủ Đức, năm nay đã 92 tuổi. Ông Ba Quang nói: “Đào một cái hố đã moi lên một đống đất huống chi đào căn hầm rộng ngay giữa nội thành Sài Gòn mà không để bị phát hiện, đất bỏ đi đâu, mang đi bằng cách nào, không phải dễ đâu à”.

Xôn xao băng rôn ghi "Chào mừng Ngày giải phóng Thủ đô 30/4"

Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam nhưng một cây xăng lại treo băng rôn: “Chào mừng Ngày giải phóng Thủ đô...".

Bấm xem ngay >>

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây