Ray gãy gây nguy cơ trật bánh cao nhưng khả năng uy hiếp trực tiếp an toàn hành khách không lớn
Chiều nay (30/4), kể lại với PV Báo Giao thông về sự cố ray gãy, nhân viên tuần đường Nguyễn Văn Hưởng, cung đường Cao Xá - Đội đường Hải Dương (Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải) cho biết, hồi 6h15 sáng 29/4, khi đi tuần đường đến km47+950 (khu gian Cẩm Giàng - Cao Xá) thì phát hiện cầu ray 77 bên trái lý trình hướng Hải Phòng – Hà Nội bị gãy, không đảm bảo an toàn. Lập tức, anh Hưởng báo cáo sự việc lên cấp trên, đồng thời tiến hành phòng vệ hai hướng theo đúng quy trình. Lãnh đạo cung đường Cao Xá báo ngay ga Cẩm Giàng và dừng tàu HP1 với khoảng 1.100 hành khách đang chạy hướng Hà Nội – Hải Phòng kịp thời, ngăn ngừa được vụ trật bánh tàu hỏa nguy hiểm. Ngay sau đó, Đội đường Hải Dương huy động toàn bộ nhân lực để khắc phục sự cố, sửa chữa thay thế và trả đường nhanh nhất.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Cung trưởng cung Đường sắt Cao Xá cũng cho rằng, vết gãy trên không phải do phá hoại, mà do ray sử dụng quá lâu năm nên bị sự cố. Cách đây khoảng 3 tháng ông Hưởng cũng phát hiện một vết ray gãy nứt trên đường ray ở trong khu vực ga. "Ông Hưởng là người tuần đường có trách nhiệm, tâm huyết với công việc. Việc phát hiện kịp thời các tình huống trên giúp bảo đảm an toàn cho tuyến đường sắt thuộc phạm vi đơn vị quản lý", ông Tuấn nói.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, việc phát hiện, ngăn ngừa kịp thời ray gãy, ngăn ngừa trật bánh của ông Hưởng rất đáng biểu dương, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của một nhân viên tuần đường. Tuy nhiên, theo ông Hoạch, hiện tượng ray gãy không phải là hãn hữu khi mà mạng lưới đường sắt VN đã quá lạc hậu, nhiều đoạn chưa được vào cấp, thay định kỳ vì kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp. Vì thế, nguyên nhân gãy ray chủ yếu do thời gian sử dụng lâu, vật liệu mỏi. Ngoài ra, còn do một số nguyên nhân khác như: tại đường dân sinh, đất đá do người dân đổ lên đường sắt để tạo lối đi, không có tấm đan hay lát mặt đường êm thuận như đường ngang hợp pháp nên khi ô tô tải trọng nặng qua lại đã gây ảnh hưởng đến sức bền của ray…
“Thực tế, những vụ ray gãy từ trước đến nay cho thấy, đã có một vài vụ trật bánh đầu máy, toa xe nhưng không nghiêm trọng hay đe dọa trực tiếp đến an toàn hành khách, hàng hóa. Vì khi ray gãy, khe hở 2 đoạn ray rất nhỏ”, ông Hoạch nói và cho biết thêm, một trong những biện pháp đảm bảo an toàn chạy tàu của ngành Đường sắt là nhân viên tuần đường đi rà soát, kiểm tra dọc đường sắt 24/24h, với nhiệm vụ phải phát hiện các sự cố, chướng ngại và khắc phục kịp thời. Ngoài ra, còn có quy trình kiểm tra, giám sát thường xuyên về chất lượng duy tuy, bảo trì định kỳ.
Lý giải nguyên nhân ray gãy, ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải, đơn vị quản lý tuyến Hà Nội – Hải Phòng cho biết là do ray đã quá cũ, nhưng hiện đường sắt chưa có máy siêu âm ray để xác định ray nào cần phải thay thế khẩn cấp mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Trong khi đó, tình trạng kết cấu hạ tầng đường sắt còn nhiều hạn chế: một số vị trí ray tuổi thọ đã trên 40 năm do quá trình khai thác mặt lăn ray bị mòn gợn sóng, công ty phải đầu tư kinh phí mài ray để kéo dài thời gian sử dụng, đảm bảo chạy tàu an toàn và êm thuận.
“Để hạn chế những nguy cơ mất an toàn, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc các chế độ kiểm tra thường xuyên từ cấp cung, đội đến công ty; đồng thời xây dựng và thực hiện đúng chế độ kiểm tra ray định kỳ vào các tháng 2, 5, 8, 11 hàng năm”, ông Vượng nói.
Với vụ gãy ray sáng qua ở Hải Dương, theo ông Vượng, nếu không được phát hiện kịp thời tàu vẫn chạy qua chỗ gãy ray được vì vết gãy thực tế nhỏ, hơn nữa ray dài 12,5m vẫn được liên kết chặt với tà vẹt. Kinh nghiệm thực tế cho thấy tàu vẫn có khả năng thông qua bình thường (trừ trường hợp ray bị gãy thành các đoạn ngắn và gãy rời hoàn toàn) vì ray được liên kết chặt chẽ bởi các thanh tà vẹt vẫn đảm bảo các thông số kỹ thuật về cự ly, thủy bình, phương hướng, cao thấp.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn