Một “tên trộm” đang cắt thịt ở dưới bếp nhà anh Lý Vần Khìn. Ảnh: Mị Hằng
Cả bản háo hức đi… “trộm”
Sì Lờ Lầu là xã cao nhất, xa nhất của huyện vùng cao Phong Thổ, Lai Châu - nơi có độ cao 1.450m so với mực nước biển. Đường đến Sì Lờ Lầu hai bên là vực sâu, nếu tính từ TP Lai Châu sẽ phải qua 12 con dốc tương đương với 12 tầng núi. Ngày giáp Tết mà đến nơi này, chắc hẳn ai cũng có những cảm xúc đặc biệt. Vì là đỉnh của 12 tầng dốc nên hoa đào nơi đây thường nở từ rất sớm. Khoảng tháng 11 hoa đào đã nở, để rồi khi trái đã đơm, quả đã hồng, những cây đào này lại tiếp tục đơm hoa lần nữa vào đúng dịp xuân sang để đón chào năm mới. Bởi vậy, ngày Tết ở Sì Lờ Lầu luôn có đủ cả quả và hoa của cây đào – sản vật của đất trời Tây Bắc.
Người dẫn chúng tôi đi thăm bản làng người Dao này là ông Tẩn Phủ Sài (69 tuổi) - nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Sì Lở Lầu. Theo lời ông Sài thì tục “ăn trộm” ngày Tết đã có từ nghìn năm trước. Vui nhất là đêm Giao thừa, sau khi làm nghi thức cúng lễ gia tiên, từ mảnh vườn đến gác bếp sẽ xuất hiện bóng dáng của những “tên trộm”.
“Trong cái đêm trời đất giao hòa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cả làng đều thức. Các cụ bà cùng trẻ em bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện cổ tích râm ran; các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu. Phía bên ngoài, thanh niên, thiếu nữ lập nhóm đi “ăn trộm”. Họ đinh ninh rằng trong thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, làm ăn phát đạt”, ông Sài kể.
Theo quan niệm xưa, người nào càng “ăn trộm” được nhiều thì người đó năm tới càng may mắn, làm nương được mùa, đi rừng bắt được con thú to, chăn nuôi không bị dịch bệnh và gia đình mạnh khỏe. Nhà nào bị “trộm” viếng thăm nhiều, bị mất nhiều đồ thì năm đó không may mắn. Nếu “tên trộm” bị gia đình phát hiện thì bị phạt uống một bát rượu. Còn nếu thành công sẽ mang “chiến lợi phẩm” đến nhà gia chủ để xin thưởng. Vật thưởng cũng chỉ là chai rượu hoặc miếng thịt sấy khô. “Mục đích của lễ hội là đi lấy may cho cả năm, chứ không phải đi ăn trộm là để… làm giàu. Vì thế, người dân không bao giờ lấy tiền vàng hay các vật dụng giá trị”, ông Sài chia sẻ thêm.
Già làng Phàn Mứ Sông, người giỏi chữ Dao cổ nức tiếng cả xã biên giới Sì Lờ Lầu cũng cho hay, trước khi đi, người bản này sang bản khác “ăn trộm” phải thông báo cho trưởng bản được biết. Ngoài ra, đi “ăn trộm” còn phải theo đoàn, vào bản cũng phải gõ trống, chiêng. Người “ăn trộm” cũng chỉ được vào nhổ một vài cây hành, hoặc cắt một miếng thịt lợn đang treo trên gác bếp khoảng 3 lạng hay lấy mấy chén rượu của gia chủ…
Kế bên gia đình già làng Sông là nhà anh Tẩn Lao Lở. Nghe chuyện về “tục ăn trộm”, anh Lở khoe: “Tết vừa rồi, tôi đã cùng nhiều anh em vào bản Thà Giàng lấy được hành, thịt và cả rượu của nhiều gia chủ mà không bị bắt quả tang nên cả năm đúng là tôi gặp rất nhiều may mắn”.
Lễ hội “ăn trộm”
Phiên chợ mộc mạc của người Dao đỏ vùng biên giới ngày cuối năm.
Đêm 30 Tết Nguyên đán năm ngoái, trời tối đen như mực. Những khối mù khổng lồ từ trên đỉnh Sì Lở Lầu bất chợt ùa xuống tạo nên một không gian sáng tối, hư hư, thực thực là một điều kiện lý tưởng để “trộm” hành nghề. Đồng hồ vừa chỉ sang thời khắc của năm mới, tiếng thanh la, tiếng trống, tiếng chiêng đã nổi lên từ đầu bản. Thì ra ông thầy cúng Tẩn Phủ Lèng đã thổi thanh la tập hợp bà con thành đoàn để bắt đầu đêm “ăn trộm”.
Âm thanh vui nhộn vang vọng núi rừng biên giới, dòng người đi đến đâu thì bà con từ các bản ùa ra nhập đoàn đi đến đấy. Trẻ em tạo thành một đội, thanh niên cũng tập hợp thành đội, người già cũng thành đội vừa đi vừa rì rụp bàn tán, lên kế hoạch để “ăn trộm”. Ðoàn người dừng lại trước nhà anh Lý Vần Khìn, cán bộ Bưu tá xã. Nghe tiếng thanh la, trống chiêng thổi mạnh, gia đình anh Khìn đã vội vàng hình thành “thế trận phòng ngự”.
Hình như được phân công từ chiều, anh Khìn và con trai lớn phụ trách bảo vệ rượu, thịt treo trong nhà, còn chị vợ và đứa con nhỏ phụ trách canh phòng vườn rau. Thế nhưng, liền một lúc, tốp “ăn trộm” gồm hơn 30 người ùa vào nhà anh Khìn. Người vào nhà tìm thịt, người ra vườn rau, mỗi người tiếp cận một cách khác nhau. Hai bố con anh Khìn phải rất vất vả mới đuổi bắt được 2 người và mời vào nhà. Một lúc sau, từng chai rượu cứ thế được mở để thưởng, để phạt những “tên trộm”.
Chẳng biết anh Khìn đã mất gì sau khi bị vài chục “tên trộm” viếng thăm nhưng anh cười phớ lớ: “Nhà mình chỉ mất có hơn chục lít rượu thôi! Được phạt người khác nhiều hơn là phải thưởng đấy! Thế cũng là may mắn rồi à”.
Nói về phong tục đặc biệt của người Dao đỏ, ông Phàn Phủ Xiên - Chủ tịch UBND xã Sì Lờ Lầu hào hứng kể: “Cả xã bao gồm 100% là người Dao đỏ sinh sống. Xuất phát từ quan niệm, nếu mang được một cái gì đó về nhà vào thời khắc sau giao thừa thì cả gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành trong năm mới, thế nên từ xưa đến nay, người Dao đỏ ở mảnh đất hoang sơ này vẫn duy trì phong tục đầu năm đi… “ăn trộm” lấy may. Năm nay, để chuẩn bị cho Lễ hội “ăn trộm”, ngay từ những ngày cuối tháng 11, nhiều người dân ở Sì Lở Lầu đã háo hức chờ đợi. Khi các bản của xã đã có điện lưới quốc gia về tận nơi, họ dùng điện chủ yếu vào dịp Tết. Điện có sáng mới dễ bắt trộm và phạt rượu”.
Ông Chủ tịch UBND xã cũng cho hay, lễ hội “ăn trộm” bị gián đoạn khoảng 10 năm, cho tới năm 2009 mới được khôi phục lại. Chính vì thế mà những đêm “ăn trộm” du xuân ở những xã biên giới Phong Thổ vui đến nghiêng ngả chủ khách. Bởi “phi vụ” này cả người mất của lẫn những người “ăn trộm” chẳng hề giận nhau mà chỉ chuốc những bát rượu xuân, để hả hê cười trong vòng tay của những người dân bản. Du xuân trên nẻo Tây Bắc, lạc vào “đám ăn trộm” thì đồng nghĩa với một năm may mắn, để có sức khỏe như cây trên núi, cá dưới khe. Tục thật giản dị, nhưng ắt phải có, bởi đó chính là thú chơi xuân ở nơi ven trời Tây Bắc.
Nhiều phong tục kỳ lạ của người Dao đỏ Ngoài tục “ăn trộm” đầu năm lấy may, người Dao đỏ ở Sì Lờ Lầu còn có nhiều tục lệ đặc biệt như là gia đình nào đang nấu rượu ngày Tết thì phải cắm lá trước cửa nhà, không cho người lạ vào vì đồng bào quan niệm rằng người lạ vào nhà rượu sẽ bị chua và khê, nên khi thấy có dấu hiệu cắm lá kiêng, bạn không nên bước vào nhà. Họ cũng có tục kiêng sờ đầu trẻ em, khi cắt tóc, cạo đầu họ vẫn để chỏm tóc ở đỉnh đầu vì cho đó là nơi trú ngụ các hồn vía con người, quan niệm để chỏm tóc như vậy trẻ em sẽ không hay ốm đau. Người Dao cũng có những lễ hội đặc sắc như là Tết nhảy, hội hát giao duyên, tục cấp sắc cho đàn ông trưởng thành. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn