Ông Nguyễn Đường cầm trên tay tấm bằng xác lập kỷ lục Việt Nam. (Ảnh: Tiền Phong)
Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bình luận trái chiều liên quan tới kỷ lục “người gánh nước thuê lâu năm nhất tại Việt Nam” mà Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Vietkings xác lập cho ông Nguyễn Đường (SN 1931, ngụ phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Một số ý kiến cho rằng, việc xác lập một kỷ lục với nội dung như trên là “khôi hài”, “không còn gì để nói”, “cạn lời”,… “Tổ chức Kỷ lục Việt Nam thật khôi hài khi vừa xác nhận kỷ lục gánh nước thuê lâu nhất cho cụ Nguyễn Đường (SN 1931). Cụ già gánh nước thuê nghèo khổ nhưng lại đĩnh đạc trong bộ đồ vest, tay ôm tấm bằng kỷ lục trông thật bi thảm và hài hước”, ông Lê Thy đánh giá.
Phản hồi lại ý kiến trên, anh Mạnh Quỳnh cho rằng: “Vinh danh giai cấp lao động cũng là một ý tốt. Nhớ là hồi trước tờ tiền còn có hình mấy chị công nhân ở nhà máy dệt”.
Trước những thông tin đánh giá trái chiều như trên, PV đã liên hệ với Vietkings để tìm hiểu rõ hơn về nội dung kỷ lục dành cho cụ Nguyễn Đường.
Trao đổi với PV, ông Lê Trần Trường An - Tổng Giám đốc Vietking cho biết, đây là kỷ lục đã được Vietkings xác lập từ hơn 2 năm trước nhưng vừa được cộng đồng mạng khơi lại.
“Ngày 4.12.2014, Vietkings đã cử đại diện trực tiếp tới Hội An để trao quà và bằng xác lập kỷ lục ý chí đối với cụ ông Nguyễn Đường - người gánh nước thuê lâu năm nhất Việt Nam. Đến nay, dù đã gần 90 tuổi, cụ vẫn cần mẫn, vui vẻ với công việc đặc biệt này”, ông An nói.
Hình ảnh ông Nguyễn Đường đang gánh lên từ giếng Bá Lễ. (Ảnh: Tiền Phong)
Theo ông An, kỷ lục xác lập cho cụ Nguyễn Đường là một kỷ lục trong “Hành trình tìm kiếm Ý chí Kỷ lục Việt Nam” do Vietkings tổ chức. Hành trình này nhằm mục đích ghi nhận và tôn vinh những người khuyết tật có sự cố gắng vươn lên, đóng góp cho cộng đồng, cũng như những tấm gương giàu ý chí, nghị lực khác trên đất nước Việt Nam.
Trong những năm qua, Vietkings đã tìm ra được nhiều gương mặt ý chí kỷ lục nổi bật, như: Cậu bé Bùi Ngọc Thịnh - cậu bé mù chơi được nhiều nhạc cụ nhất; thầy Nguyễn Ngọc Ký - người thầy, nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân; anh Nguyễn Công Hùng - người giám đốc khuyết tật đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực tin học; anh Nguyễn Sơn Lâm - người đầu tiên chinh phục Fansipan bằng nạng gỗ; cụ ông Huỳnh Văn Ráng 4 lần chinh phục đỉnh Fansipan…”
Về trường hợp của cụ ông Nguyễn Đường, ông An cho biết: “Gánh nước thuê được xem là một nghề ở Hội An và là nét văn hóa đặc sắc của người dân phố cổ. Nước được gánh từ giếng cổ Bá Lễ gắn liền với văn hóa người dân phố cổ và là một sản phẩm du lịch của Hội An. Trong những người gánh nước thuê đó, cụ Đường được xem là “người lưu giữ hồn phố” khi suốt cả cuộc đời cần mẫn gánh thuê nước giếng cổ Bá Lễ cho các nhà hàng, khách sạn, các gia đình có nhu cầu và dành dụm số tiền lao động chân chính đó để nuôi vợ và con trai ngoài 50 tuổi bị tâm thần”.
“Chúng tôi hi vọng rằng, ý chí và nghị lực sống của cụ sẽ truyền cho mọi người sức mạnh để sống, để làm việc, để vươn lên trong cuộc sống. Mọi nghề nghiệp nếu không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục, tất cả đều đáng được tôn vinh, được trân trọng”, ông An nói.
Về thắc mắc “những tiêu chí xác lập kỷ lục của Vietkings là gì?” và “liệu trong tương lai có kỷ lục cho một người bán trà đá ở Hà Nội hay một người bán bánh tráng trộn lâu năm ở Sài Gòn?”, ông An khẳng định: “Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập các kỷ lục đều có tiêu chí cụ thể, và hành trình tìm kiếm ý chí kỷ lục Việt Nam cũng vậy. Chúng tôi không loại trừ khả năng một người bán trà đá hay bán bánh tráng trộn được xác lập kỷ lục. Tất nhiên phải xem xét ở nhiều tiêu chí, chẳng hạn một chị bán trà đá một mình nuôi 5 con nhỏ sẽ khác những người khác,…”.
>>XEM THÊM 30 phút "cân não" xác lập kỷ lục TG của cao thủ trí nhớ VN |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn