Di tích bị “cưỡng bức”

Chủ nhật - 15/01/2017 11:21

Di tích bị “cưỡng bức”

Không ít vụ trùng tu, tôn tạo di tích ở nước ta đã làm mất nguyên bản, giá trị văn hóa cổ xưa của di tích.

Dự án “Vệ sinh cấu kiện gỗ và quét vôi trang trí lại cảnh quan di tích” tại di tích lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám đã chính thức ngừng vào ngày 13-1 sau khi vấp phải phản ứng của dư luận.

Mặc áo mới cho di tích

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, cho rằng theo kế hoạch ban đầu, các hạng mục quan trọng của Văn Miếu Quốc Tử Giám như Khuê Văn Các, cổng Tam Quan, nhà Bái Đường, nhà Thái Học sẽ được quét vôi để bảo dưỡng. Tuy nhiên, sau khi có sự đánh giá của các chuyên gia, nhận thấy những hạng mục trên đã xuống cấp khá nghiêm trọng, không chỉ tường bị rêu mọc bám dày mà các chữ viết, hình ảnh trên đó cũng đã bong tróc, nhiều phù điêu hư hỏng nên ban quản lý quyết định ngừng việc quét vôi để xin chủ trương lập dự án tu bổ hợp lý, khoa học nhất. Trước mắt chỉ vệ sinh, làm sạch rong rêu.

Trước đó, một số hạng mục trong Văn Miếu Quốc Tử Giám như tường rào khu vực quanh giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ... được quét vôi trang trí lại bằng vôi trộn với than bùn. Độ vênh giữa các hạng mục vừa được quét vôi với hình ảnh rêu phong còn lại của các hạng mục khác đã ít nhiều làm thay đổi tổng thể cảnh quan của di tích. Thế nhưng, ông Lê Xuân Kiêu khẳng định kỹ thuật quét vôi truyền thống pha với than bùn đang được thực hiện phổ biến trong quá trình tu sửa di tích ở Việt Nam. Cụ thể, đền Ngọc Sơn cũng từng được thực hiện kỹ thuật này để tu sửa.

Bia Quốc học có màu sơn khá chói sau khi trùng tu Ảnh: Quang Nhật

Trong khi dư luận còn chưa hết băn khoăn về việc Văn Miếu Quốc Tử Giám được quét vôi mới thì công trình Bia Quốc học - Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong nằm ở bờ Nam sông Hương (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - cũng khiến nhiều người lo ngại vì làm mất giá trị nguyên bản của nó. Được xây dựng vào năm 1920, Bia Quốc học có hình dáng như một bình phong lớn, có hai tầng và mái che, các họa tiết trang trí đều mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Theo thời gian, công trình này xuống cấp nên tháng 11-2016, UBND TP Huế giao Trung tâm Công viên cây xanh Huế làm chủ đầu tư thực hiện trùng tu. Dự án trùng tu gồm các hạng mục: bóc lớp vữa, tháo dỡ ngói lợp hư hỏng, gạch men trang trí, tô trát lớp vữa bị bong tróc ở phần bia; gia cố lại phần nền móng sụt lún, thay lớp gạch lát bị nứt, hỏng; các trụ biểu, lan can cũng được bóc lớp vữa bong rộp, trang trí họa tiết… Tuy nhiên, khi công trình trùng tu gần hoàn thành, nhiều người dân Huế đã lên tiếng phản đối bởi Bia Quốc học bị đơn vị thi công sơn mới với màu vàng lòe loẹt, không giống nguyên bản. Điều đáng nói, trong quá trình tu bổ, đơn vị thi công đã cạo đi nhiều chi tiết trong hệ thống hoa văn trên công trình để làm mới.

Theo đánh giá của TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Thừa Thiên - Huế, vấn đề nghiêm trọng chính là việc cạo đi những hoa văn trang trí vốn là biểu tượng chung cho văn hóa truyền thống Việt.

Chẳng khác nào phá hoại!

Dù đơn vị thi công cũng như tư vấn giám sát việc trùng tu Bia Quốc học Huế đều khẳng định làm đúng quy trình, trùng tu theo đúng cấu trúc và kiểu hoa văn gốc nhưng dư luận không khỏi lo ngại trước nguy cơ di tích mất đi hiện trạng ban đầu. Không thể phủ nhận việc tu bổ, tôn tạo di tích là hành động thiết thực góp phần giúp cho nhiều di tích thoát khỏi tình trạng tàn phế, tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cho thế hệ sau. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy không ít vụ trùng tu, tôn tạo di tích ở nước ta đã làm mất giá trị văn hóa cổ xưa của di tích.

Điển hình cho câu chuyện “cưỡng bức” di tích là đền thờ và lăng Ngô Quyền (xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội). Khi trùng tu, tôn tạo lăng Ngô Quyền, đơn vị thi công đã tự ý xây mới một bức bình phong có tạo hình con quái thú thiếu tính thẩm mỹ và không phù hợp với truyền thống văn hóa người Việt. Sau khi bị Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội “tuýt còi”, bức bình phong này mới bị phá bỏ.

Lăng Ngô Quyền với bức bình phong quái thú bị dư luận phản đối Ảnh: Yến Anh

Một dự án trùng tu đáng buồn khác xảy ra tại đình cổ Quang Húc (xã Đông Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội), được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Quá trình trùng tu đình Quang Húc, đơn vị thi công đã để xà, cột khi ghép vào “không ăn nhập với nhau”, mái đình dột tứ tung, các mảng chạm cổ kính thay bằng những kiến trúc hiện đại. Việc dùng lớp sơn công nghiệp phủ lớp sơn ta, đè lên toàn bộ lớp sơn son thếp vàng cũ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trùng tu và Luật Di sản văn hóa. Một kiến trúc sư cho rằng chỉ sau một thời gian ngắn, lớp sơn công nghiệp sẽ bị nứt nẻ, phá nát hoa văn, các lớp sơn ta với trầm tích cả trăm năm phía dưới. Đó cũng là lý do người dân địa phương mới đây đã đồng loạt ký tên kêu cứu đến Cục Di sản thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Sở VH-TT Hà Nội.

Việc “làm sạch” bia cổ Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Long Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) trước ngày tấm bia từ thời Lý này được đón nhận danh hiệu “bảo vật quốc gia” cũng khiến dư luận phản đối. Nhiều người dân địa phương cho biết một tốp thợ xây đã dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt, phôi bào sắt... kỳ cọ mặt bia với mục đích “làm vệ sinh”. Hành động này đã làm bề mặt bia Sùng Thiện Diên Linh xuất hiện thêm nhiều vết xước, chẳng khác gì hành động phá hoại bảo vật quốc gia.

Phải nắm vững kiến thức

Theo Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT-DL quy định chi tiết về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thì chỉ những người có chuyên môn, kinh nghiệm, chứng nhận hành nghề mới có thể tham gia công việc trùng tu, bảo tồn di tích, di sản. Tuy nhiên, một chuyên gia về di sản văn hóa Việt Nam cho rằng điều đáng buồn là rất nhiều đơn vị thi công được chứng nhận đạt yêu cầu, tức là có chứng chỉ hành nghề, lại trùng tu theo kiểu phá di tích. Khi thực hiện trùng tu, các đơn vị thi công mắc lỗi chung là tháo dỡ và phá bỏ hầu hết các cấu kiện cổ, thiếu tính toán trong quá trình hạ giải, đưa những hiện vật mới và không đúng kích cỡ ban đầu vào di tích trong khi nhiều chi tiết cổ và còn đậm chất mỹ thuật hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng. Chuyên gia này cho rằng để ngăn chặn những “thảm họa” thời gian qua, ngoài giấy phép hành nghề thì điều quan trọng là cá nhân, đơn vị thực hiện công việc phải nắm vững kiến thức về di sản, lịch sử, văn hóa.

GS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: Không thể để di tích bị ăn mòn

Dư luận lo ngại việc trùng tu làm biến dạng di tích là đúng, có cơ sở nhưng cũng phải xét từng trường hợp cụ thể. Tôi thấy ở Văn Miếu, việc quét vôi để chống bong tróc lại là bình thường vì không thể để di tích bị ăn mòn, xuống cấp được. Còn việc cạo đi hoa văn ở Bia Quốc học Huế, nếu đúng như báo chí đưa tin thì là sai, không được phép như thế.

GS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Không nên quá lo ngại

Nguy cơ mất đi tính nguyên bản của di tích trong quá trình tu bổ, tôn tạo là có song cũng không phải quá đáng ngại như nhiều người vẫn nghĩ. Tất nhiên, sai sót cũng có nhưng không phải là nó làm hủy diệt di tích bởi các công trình tu bổ ngày càng khoa học theo dự án đã được duyệt.

PGS Trần Lâm Biền, chuyên gia nghiên cứu văn hóa Việt Nam: Làm theo kiểu sửa nhà

Khi nhắc đến việc tu bổ, tôn tạo di tích, không chỉ dư luận mà cả những người tâm huyết với di sản đều lo lắng. Lo lắng của họ không phải là không có lý do vì nhiều di tích khi được tu bổ đã bị làm sai rất nhiều. Những người tu bổ di tích không hiểu di tích mà họ chỉ làm theo kiểu sửa nhà, nhận thức về di tích rất kém. Có những người tự nhận mình giỏi về tu bổ nhưng cũng chỉ là tu bổ liều, làm theo cảm tính... Đình Chu Quyến khi tu bổ xong còn 6 bảng chạm thật đẹp, bây giờ vẫn để trong kho vì đã dỡ xuống rồi nhưng không biết lắp lên chỗ nào… Tôi cho là họ thiếu trách nhiệm, sự yêu quý với di tích kém cũng như ứng xử với di tích thiếu trí tuệ.

Y.Anh ghi

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây