Bà Hà Thị Hồng - Tổ tuần tra bảo vệ rừng cộng đồng của bản Lấp. Ảnh: T.G
Không nỡ xa rừng
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán 2017, chúng tôi có chuyến công tác tại huyện miền núi Tân Sơn, Phú Thọ . Từ trung tâm huyện, mất hơn 1 giờ chạy qua những con dốc hun hút, những dòng suối róc rách chảy giữa khu rừng hoang dại chúng tôi mới đến được bản Lấp, xã Xuân Sơn. Qua lời giới thiệu của anh Đào Văn Thông, Trưởng Phòng hợp tác Quốc tế, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, chúng tôi tìm gặp bà Hà Thị Hồng, người đã dành hàng chục năm truy đuổi lâm tặc, bảo vệ những “cụ nghiến” lâu năm nhất của khu rừng này.
Ở tuổi 60 nhưng trông bà Hồng rắn rỏi, khỏe mạnh. Bà bảo, ở vùng đất Xuân Sơn này, mùa đông lạnh có thể xuống tới O0C khiến cho không một loại rau nào có thể sống nổi. Nhưng dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu thì mỗi ngày bà vẫn len lỏi từng bước chân vào sâu trong rừng thăm nom cây cỏ.
Dẫn chúng tôi đi thăm rừng, bà Hồng giới thiệu: Dãy Hang Dơi được kết thành bởi một loại đá dễ phong hóa. Trời nắng, đá giãn nở để rồi gặp nước mưa thì nứt bở ra. Những tảng đá to như cái nhà, cái giường, cái tủ cứ thế lăn lông lốc, xô vào nhau, xô vào cây rừng, va đập vang động như thể sấm ngày hạ. Mùa mưa nào ở đây cũng có những trận “mưa đá” như vậy khiến cho những kẻ yếu bóng vía khiếp sợ không dám bén mảng dù chỉ là đến bìa rừng.
Đá xô có thể lăn nát nhừ người đã đành, núi Hang Dơi còn không thiếu những tảng đá không chân luôn “phục sẵn” trong các bụi cây, trảng cỏ. Ngụy trang bằng vẻ ngoài vô hại nhưng chỉ cần sơ ý đạp chân vào là hòn đá động đậy rồi cứ thế trượt đi, kéo băng băng nạn nhân phía sau xuống khe, xuống vực. Nhẹ thì thương tật mà nặng thì mất mạng như chơi. Dù thông thuộc địa hình nhưng cũng không ít lần bà Hồng bị đá rơi vào chân phải bó thuốc cả tháng.
Trò chuyện về cuộc đời, bà Hồng buồn rầu bảo rằng chồng mất sớm, một tay bà phải gánh vác việc gia đình và nuôi dạy các con ăn học. Khi trưởng thành, các con người thì đi làm ăn xa, người lập gia đình, còn mỗi mình bà với căn nhà nhỏ ven rừng. “Có đứa bảo đón tôi đi nơi khác sống với chúng nhưng tôi không chịu. Từ khi sinh ra, lớn lên, bao đời nay người dân bản tôi đã sống dựa vào rừng, không thể bỏ rừng được”, bà Hồng tâm sự.
“Cuộc chiến” với lâm tặc
Bia chứng nhận “Cây di sản” trước rừng nghiến.
Về sau, bản Lấp được giao quản lý, bảo vệ 962,8 ha rừng tự nhiên trên núi đá, bà Hồng vào làm ở đội bảo vệ rừng. Gian khổ, vất vả và coi việc giữ rừng như một “cuộc chiến” nên trung bình 1 tuần đội bảo vệ rừng của xóm đi tuần 1 lần. Có những chuyến đi phải lên lịch trước, nhưng cũng có chuyến đi đột xuất cùng đội kiểm lâm. Ngày đó, cả đội chia thành những tốp từ 5-10 người, nam có, nữ có, trẻ có, già có, dao cầm tay, nước và cơm nắm dắt lưng để tiện luồn rừng. Sau đó, tổ tuần tra khi về sẽ báo cáo lại với tổ trưởng, rồi từ đó thông báo lại tình hình cho BQL Vườn. Bà Hồng kể, có những lần đi rừng, vắt bám đầy người, thậm chí, vì không để ý vết vắt cắn để nó thành sẹo trên cánh tay, cổ. Không những vậy, việc nắm bắt thời tiết trong rừng cũng vô cùng quan trọng. Có lần đi gặp mưa, đường trơn, nghe thấy tiếng đá bên trên đổ xuống. Hoảng loạn, bà cố bám vào một cành cây, đu mình né sang hướng khác và may mắn tránh được. Nếu không nhanh trí thì đá từ Hang rơi có thể lăn xuống và đè vào người bất cứ lúc nào.
Năm 2013, khi bà Hồng còn là tổ phó và được cử đi tuần tra ở bản Suối Gà, xã Mường Bang - nơi có một xóm người Dao nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Thọ và Sơn La bỗng nghe tiếng cưa máy nổ lé xé trên núi. Tiếng cưa rất nhỏ nhưng cũng không thể lọt qua được đôi tai thính nhạy của những người chuyên đi rừng. Như những con báo, họ âm thầm lần trườn để tiếp cận mục tiêu. Mất hai tiếng vừa đi, vừa bò, cuối cùng cả tổ đã phục kích bắt được hai cha con nọ đang đốn gỗ bằng cưa lốc.
Cây nghiến ngàn tuổi tại núi Hang Dơi - Vườn quốc gia Xuân Sơn.
Cả tổ quyết định đi đêm xuyên rừng áp giải lâm tặc trong ánh đèn leo lét từ điện thoại về đến xóm. Đại ngàn tối đen khiến cho những bước chân cứ vấp ngã dúi dụi. Cả tổ dựa vào nhau để mà đi. Về đến nơi, lâm tặc được tháo dây trói, được cho đồ ăn, cho chỗ nghỉ khiến họ vô cùng hối lỗi. Sau vụ đó, nhiều lâm tặc hễ nghe thấy cái tên “đội bảo vệ rừng bản Lấp” là giật mình.
“Có những lần, nhận được thông tin sẽ có người đi vào rừng, dù bất cứ lý do gì là chúng tôi phải cử người theo chân họ. Nếu họ có ý định chặt phá rừng là ngay lập tức chúng tôi sẽ có hướng triển khai để ngăn chặn, không cho họ có cơ hội mang bất cứ cây gỗ quý nào trên rừng đi”, bà Hồng chia sẻ.
Chỉ tay vào một cây nghiến già đến mức nổi u xung quanh gốc, bà Hồng tươi cười nói: “Sức khỏe của “cụ” này vẫn tốt, tiếng gõ còn đanh lắm. “cụ” là một trong 20 thực thể nghiến hàng ngàn năm tuổi vừa được vinh danh là Cây di sản. Tuần nào tôi cũng phải vào thăm các “cụ” vài lần mới an tâm”.
Tâm sự với chúng tôi, bà Hồng cũng cho biết, vào những ngày cuối năm này là thời điểm “nóng” mà lâm tặc hoành hành. Vì thế, tổ của bà phải tăng cường lực lượng cũng như thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Thành quả lớn nhất của những người đang hàng ngày âm thầm bảo vệ rừng nơi đây chính là không còn thấy người dân vào rừng đốn cây, lấy củi. Không còn sự xuất hiện của người lạ mang theo gỗ ra khỏi bản. “3 năm làm tổ phó, 2 năm làm tổ trưởng, tổ bảo vệ chúng tôi chưa để mất một cây gỗ trong rừng”, bà Hồng tự hào.
Vinh danh 20 “cụ nghiến” ngàn năm tuổi Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Văn Tuấn, Trưởng bản Lấp cho biết: “Cuối năm 2016, quần thể 20 “cụ nghiến” ngàn năm tuổi trên núi Hang Dơi thuộc bản Lấp (Vườn quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ) đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam vinh danh là Cây di sản. Có được điều này là nhờ công lao rất lớn của bà Hồng – Người tâm huyết và luôn trách nhiệm với công việc bảo vệ rừng”. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn