Gần 2 tháng sau ngày cây sưa 200 tuổi ở đình làng Đông Cốc (Hà Mãn – Thuận Thành – Bắc Ninh) bị chặt hạ, sáng 8/5, PV báo Người Đưa Tin đã tìm về làng Đồng Kỵ (Từ Sơn – Bắc Ninh) để tìm hiểu về đường đi của loại gỗ "quý hơn vàng" này.
Cách biệt dòng phương tiện giao thông ồn ào bên Quốc lộ 1A cũ, làng gỗ Đồng Kỵ như một khu đô thị hiện đại của châu Âu với những ngôi nhà lầu to sừng sững, văng vẳng quanh đó là những tiếng máy móc liên hồi không ngơi nghỉ.
Cây sưa 200 tuổi ở đình làng Đông Cốc được đại gia gỗ Đồng Kỵ chặt hạ hôm 25/3.
Từ xa xa, địa danh nổi tiếng với những đại gia gỗ nhiều tiền bậc nhất cả nước này có những cửa hàng đồ sộ trưng bày các sản nghệ về gỗ đắt đỏ, trong đó, những loại gỗ quý như trắc, sưa thì nhiều vô kể… Đặt chân đến đây, người ta như lạc vào một thế giới của gỗ bởi đơn giản ở đây người người, nhà nhà đều làm gỗ.
Từ đầu làng đi khoảng 500m, chúng tôi tìm được nhà ông Nguyễn Văn Hùy, vị đại gia trúng đấu giá cây sưa 200 tuổi ở đình làng Đông Cốc .
Nhà ông Hùy nằm cạnh một xưởng gỗ lớn, bên trong nhà là ngổn ngang những cây sưa đỏ vừa được ông mua về. Ông Hùy có 5 người con và tất cả từ con rể đến con trai đều theo nghề gỗ của ông cha truyền lại.
Tiếp PV trong tâm trạng hồ hởi, vị đại gia gỗ Đồng Kỵ này chia sẻ rằng, gỗ sưa đỏ là loại quý hiếm, với những cây có tuổi đời hàng trăm năm như cây sưa ông vừa mua được thì càng quý bởi giờ hầu như những cây đó chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo ông Hùy, hiện nay có rất nhiều sưa nhưng loại sưa với tuổi đời lâu năm thường chỉ ở trong rừng, khu bảo tồn và di tích như đền chùa, vườn bách thảo... Tuy nhiên, để mua được hợp pháp thì không phải chuyện dễ dàng.
Vị đại gia tiết lộ gỗ sưa có tác dụng chữa bệnh, được lái buôn Trung Quốc săn lùng.
Tiếp lời, ông Hùy cho biết một thông tin đầy bất ngờ, đó là sau gần 2 tháng chặt hạ đến nay, cây gỗ sưa 200 tuổi vẫn được ông để nguyên trong kho, chưa đụng vào.
Khi PV thắc mắc, lẽ nào ông bỏ hơn 24 tỷ đồng mua cây sưa về để nguyên mà không sợ lỗ, ông điềm nhiên nói “đó là buôn bán” rồi bỏ mặc PV chúng tôi với những chữ ô, chữ a.. trong đầu.
Vị đại gia này cho hay: "Thông thường, gỗ sưa mua về sẽ được chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ bán cho lái buôn Trung Quốc hoặc họ sẽ mua lại nguyên khối gỗ". Bên cạnh đó, vị đại gia này tiết lộ gỗ sưa rất bền, vân đẹp. Đặc biệt, loại gỗ này còn có tác dụng chữa bệnh được giới nhà giàu Trung Quốc ưa chuộng.
"Gỗ sưa rất quý, những cây có tuổi đời hàng trăm năm thì lõi gỗ to, vân và màu gỗ rất đẹp, bền...", ông Hùy nói. Cũng theo vị đại gia Đồng Kỵ, giá trị gỗ sưa còn phụ thuộc vào tuổi đời cây gỗ, càng nhiều tuổi càng quý và đắt.
"Gỗ phải từ 10 đến 20 năm tuổi trở lên còn sử dụng được, chứ loại dưới 10 năm tuổi thì không có giá trị. Với những cây có tuổi đời khoảng 10 năm thì giá chỉ vài trăm nghìn một cân. Đối với những cành nhỏ hầu như chỉ chế tác làm vòng tràng hạt (đeo tay - PV)", vị đại gia nói thêm.
Tiết lộ quanh vụ đấu giá, ông Hùy cho biết, để được chặt hạ cây sưa thì ông còn mất số tiền nhiều hơn thực tế. Cuối buổi trò chuyện, tiễn chúng tôi ra về, ông Hùy tiết lộ, hiện một số bà con Đông Cốc còn ngỏ ý muốn bán nốt 2 cây sưa còn lại cho ông.
Trước đó, như đã đưa tin, vào sáng 25/3, hàng chục người với cưa máy, máy xúc và ô tô đã tiến hành chặt hạ cây sưa 200 năm tuổi ở đình làng Đông Cốc dưới sự chứng kiến của chính quyền xã Hà Mãn cùng người dân trong thôn.
Theo biên bản đấu giá, cây sưa 200 tuổi có giá trị là 24,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau những phản ứng của người dân thì đại gia gỗ Đồng Kỵ đã hỗ trợ nhân dân thêm 1,5 tỷ đồng. Số tiền bán cây sau đó được dành 1 phần chia cho người dân trong thôn với mỗi nhân khẩu 10 triệu đồng, con gái lấy chồng là 5 triệu đồng. Việc chia số tiền bán sưa được người dân trong thôn ủng hộ, nhiều nhà đã dồn làm vốn kinh doanh, sửa sang lại nhà cửa.
Tiền bán “cụ” sưa được chia cho người dân thôn Đông Cốc, mỗi khẩu 10 triệu đồng, con gái lấy chồng được 5 triệu...
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn