Những hòn đảo tiếp nối nhau giữa hồ Tà Đùng được ví như Hạ Long trên cao nguyên. Ảnh: Thanh Trần.
Quần đảo giữa lòng hồ
Từ thị xã Gia Nghĩa, con đường đến hồ Tà Đùng dài hơn 40 km ngoằn ngoèo với những khúc cua ngoặt khuỷu tay. Bác tài xế đánh vô lăng nhuần nhuyển, tặc lưỡi kêu chạy quen đường, nhưng nhiều lúc vẫn hơi “ngợp” mấy khúc ôm khuất. Bác kể thường chở du khách đến bến đò du lịch của người dân, từ đó họ thuê ghe để thưởng ngoạn hồ Tà Đùng, nhưng chúng tôi quyết định ngược dòng từ chân đập Thủy điện Đồng Nai 3 ngược lên phía thượng nguồn để từ từ vén từng lớp rèm đang che đậy cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú nơi đây.
Chiếc xuồng máy khuấy động mặt nước lặng như tờ, trong veo in rõ nền trời xanh ngắt với mây trắng bềnh bồng bình yên hệt bức tranh thủy mặc. Gọi là hồ, nhưng Tà Đùng rộng lớn như một con sông. Lúc ra giữa dòng, tôi kêu lên Tà Đùng giống Tràng An quá! Bởi, hai bên là cồn bãi đã phủ xanh cây cỏ dại thay vì lúa nước, tiếp đó những ngọn đồi khá cao bao quanh. Anh lái thuyền cười hiền khô: “Chạy thêm chốc nữa, sẽ thấy nơi này không chỉ giống Tràng An mà còn giống cả Hạ Long”. Dần lên phía thượng nguồn, những “hòn đảo” bắt đầu lộ ra sau màn sương mờ mờ ảo ảo dù đã ban trưa. Trước mắt chúng tôi là một đảo lớn nằm ngay giữa hồ, bên trên tầng lớp cây nguyên sinh um tùm phủ một màu xanh rợn ngợp.
Trước đây, những hòn đảo này thực chất là những quả đồi, rồi các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai ngăn dòng, tích nước, biến cả thung lũng Tà Đùng thành một hồ lớn. Hàng chục quả đồi ngâm nửa mình trong nước, trồi lên nửa thân mình tạo thành những hòn đảo như bây giờ. Tôi hỏi, giữa lòng hồ có bao nhiêu đảo? Anh lái xuồng bảo người ta đếm là 47, nhưng có lẽ hơn thế. Khi xuồng ngang qua một đảo trọc lóc, trơ chiếc đầu đất ngổn ngang thân cây khô, anh nói lúc nước dâng cao, những đảo thấp bé bị nhấn chìm khiến cây cối “chết đuối”, đến lúc nước rút thì khô rang, trơ màu đất bạc. Có lẽ còn nhiều hòn đảo bé chìm nổi như vậy nên anh mới không chắc chắn về con số 47.
Luồn quanh những hòn đảo nhìn xa bé như tai nấm nhưng đến gần lại sừng sững tựa ngọn núi hùng vĩ, cứ tưởng chừng đang đi lạc vào một xứ sở thần tiên huyền bí chứ không phải ở trên cao nguyên. Bà con ở đây nói rằng, sống quanh hồ, nhưng không phải ai cũng đã lên thuyền chạy hết hồ, đặt chân lên đảo lại càng hiếm. Vậy nên, Tà Đùng cứ như một nàng tiên vẫn còn mê ngủ cùng vẻ đẹp thoát tục của mình.
Có đoạn, hồ Tà Đùng sâu hơn trăm mét, đi giữa lòng hồ lặng như tờ cứ có cảm giác vừa lướt qua một vùng đại dương thăm thẳm. Kỳ thú hơn, hồ nước này là nơi giao thoa giữa hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, bà con vẫn nói đùa rằng tắm hồ Tà Đùng là tắm dòng văn hóa của hai tỉnh Tây Nguyên. Tôi lại băn khoăn: Suốt ba giờ giữa hồ, chỉ thấy “na ná” Hạ Long bởi có những hòn đảo nổi lên, chứ ví Tà Đùng là một Hạ Long trên cao nguyên e có điều gì đó chưa thật chuẩn. Anh lái xuồng lần nữa từ tốn đáp: Phải lên quốc lộ, nhìn xuống!
Chúng tôi rời xuồng lên xe uốn lượn theo cung đường bên núi bên vực sâu hun hút. Nhìn qua ô kính, hồ Tà Đùng dưới kia hiện ra cùng vài ba hòn đảo nhoài mình trên mặt nước khiến cả đoàn thốt lên trầm trồ. Riêng bác tài bình thản, bảo tí nữa hẵng khen Tà Đùng. Đến giữa chừng một con dốc, nơi có nhiều nhà dân sống ven đường, xe dừng lại. Bác tài nói đây chính là điểm nhìn hồ Tà Đùng giống Hạ Long nhất! Từ trên cao nhìn xuống, rền những ngọn đảo xanh rì hiện lên giữa hồ, không khác gì hình ảnh Hạ Long được ngắm nhìn qua thủy phi cơ. Đảo nối tiếp đảo trải dài tít tắp tận chân trời, hòa vào màu nước trong veo, vào núi đồi xanh ngắt và nền trời thiên thanh khiến chúng tôi quên mất rằng đang ở vùng cao nguyên đất đỏ.
Chịu ơn hồ Tà Đùng
Từ ngày có “Hạ Long” trên cao nguyên, Tà Đùng bỗng chốc hấp dẫn khách du lịch dù trước đó nhiều năm đã là khu bảo tồn thiên nhiên. Vùng đất bình yên được đánh thức bởi những nhóm phượt chạy xe máy dọc quốc lộ 28, luồn lách những con đường quanh hồ, rồi thuê thuyền khám phá những hòn đảo e ấp giấu mình trong sương. Tối đến họ cắm trại trên những cồn bãi để tận hưởng trọn vẹn hơi thở của thiên nhiên. Bao đoàn khách từ Bắc chí Nam, khi đến Đắk Nông ngoài việc đến chùa Pháp Hoa, thác Đak Buk So, thác Đray Sap hay mộ vua săn voi…đã không ngần ngại chuyển hướng về Tà Đùng.
Cũng nhờ vậy, cuộc sống của người dân nơi đây có thêm một nguồn thu nữa từ du lịch. Bà con sống ven hồ có thuyền, mỗi ngày chở được vài chuyến khách tham quan. Ở điểm dừng chân lý tưởng bên quốc lộ để ngắm Hạ Long cao nguyên từ trên cao, một vài quán cà phê mọc lên, xây ban công hướng ra phía đảo. Có nhiều ngày, quán không còn chỗ đặt chân bởi những tay nhiếp ảnh khệ nệ chân máy, tê - lê quây kín khoảng sân ban công. Rồi cả những du khách bên ly cà phê ngồi hàng giờ mê đắm ngắm nhìn đảo trong hồ cho bõ công vượt ngàn dặm xa xôi.
Dân vùng sông nước miền Tây lên hồ Tà Đùng dựng hàng chục bè cá vì con nước nơi đây hiền hòa, hợp với các giống cá nước ngọt
Tà Đùng còn là “mảnh đất cắm dùi” thứ hai của những dân vùng sông nước mưu sinh tha phương. Họ rời quê nhà miền Tây, đưa nhau lên hồ Tà Đùng dựng nhà, quây bè nuôi cá. Bên căn nhà tre nứa xập xệ, phía trước nối tiếp những bè cá đang quẫy đành đạch trên mặt nước đớp mồi, anh Trần Văn Hà (43 tuổi, quê An Giang) nói rằng gia đình anh bám trụ ở đây hơn 6 năm trời, từ khi nước bắt đầu bò xuống lòng hồ. Anh kể hồi đầu chỉ mấy người lên đây nuôi thử, dần, thấy thuận quá nên anh em kéo nhau lên cùng.
Giờ riêng xóm này đã có 12 nhà, nuôi mấy chục bè cá. Chữ thuận mà anh Hà nói là bởi mực nước trong hồ luôn ổn định, phẳng lặng, nơi các anh dựng bè như một khúc vịnh nên không quá sâu. Những bè cá thác lác, cá lóc, cá bống cứ ngày một nhiều hơn. Dân buôn biết được nguồn cá ngon thường xuyên chạy ghe xuống tận bè thu mua. Anh Hà hào sảng: “Chỉ sợ mình không có sức làm, chứ cá bao nhiêu cũng có người thu hết trơn. Tụi tui chịu ơn hồ Tà Đùng vì con nước hiền hòa, đem lại nguồn thu ổn hơn nhiều dưới miệt sông nước miền Tây”.
Chịu ơn hồ như vậy, nên những hộ bám trụ giữa hồ như anh Hà, hay bà con sắm ghe thuyền xuống đây mưu sinh cũng quyết giữ lại sự bình yên, hiền hòa cho Tà Đùng. Họ có thể miệt mài thả câu, bủa lưới ngày này qua ngày khác, khi kéo lên lèo tèo vài ba con cá rồi thất thểu ra về. Nhưng tuyệt đối không đem thứ thuốc nổ ầm ầm, đem cây chích điện lạnh lùng để tàn sát nguồn cá giữa hồ. “Mình không dám “chọc giận” lòng hồ đã cho gia đình mình cuộc sống bình yên, no đủ”, anh Hà thủ thỉ.
“Hồ Tà Đùng có diện tích khoảng 3.600 ha mặt nước, mấy chục hòn đảo. Không chỉ người dân các nơi bị hút bởi cảnh quan thú vị, có một không hai này mà chính chúng tôi, những người con Đắk Nông cũng ngỡ ngàng vì quê hương mình lại có đảo trong hồ, hồ trên cao nguyên như vậy. Cũng vì quá rộng lớn, nên hồ Tà Đùng vẫn còn là một ẩn số mà chúng tôi chưa thể nào khám phá hết”. Anh Nguyễn Đức Vinh, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông |
Tượng gỗ nhà mồ là "sợi dây" kết nối giữa con người với thần linh và là một di sản của đồng bào các dân...
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn