Đến tỉnh Thiểm Tây (thuộc vùng Tây Bắc Trung Quốc), nơi 13 triều đại các đời nhà Chu, Tần, Hán, Đường chọn làm kinh đô suốt khoảng 1.100 - 1.500 năm, du khách không thể không ghé thăm chùa Pháp Môn, ngôi chùa hoàng gia có lịch sử hơn 1.800 năm.
Dù đứng khá xa, du khách đã nhìn thấy phần mái ngôi chùa nổi bật trên nền trời biểu tượng cho hai bàn tay chắp lại cúng Phật
Chùa Pháp Môn nằm ở thị trấn Pháp Môn huyện Phù Phong, TP Bảo Kê, Tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, cách thành phố Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, khoảng 120 km về phía Tây.
Từ TP Tây An, sau khoảng 2 giờ xe chạy, chúng tôi đến với ngôi chùa được coi là "Tổ tiên của các ngôi chùa trong khu vực Quan Trung" (Quan Trung tháp miếu thủy tổ).
Bước vào khuôn viên chùa, du khách như lạc vào cảnh giới của chư Phật. Chùa được xây dựng vào đời Đông Hán (từ năm 25 - 220), hiện nay được quy hoạch xây dựng lại thành ngôi chùa lớn nhất Trung Quốc, gồm 3 kỳ xây dựng, đã hoàn thành kỳ 1 và mở cửa cho du khách thập phương vào chiêm bái, hành lễ từ năm 2009. Khu văn hóa Phật Giáo Pháp Môn tự có quy mô to lớn gồm hai bộ phận là khu triển lãm văn hóa Phật Giáo và khu phục vụ tổng hợp. Trong đó khu triển lãm văn hóa Phật Giáo chia thành ba khu nhỏ là Phật, Pháp, Tăng lấy tháp Hiệp Chưởng nơi thờ xá lợi ngón tay Phật cao 148 mét làm trung tâm.
Từ xưa, chùa Pháp Môn nổi tiếng là nơi lưu giữ xá lợi (xương ngón tay Đức Phật) trong bảo tháp. Tên ban đầu của chùa là A Dục. Theo truyền thuyết, vua A Dục từng đem xá lợi Phật Thích Ca chia làm tám vạn bốn ngàn phần rồi đem cúng dường đến tám vạn bốn ngàn tháp trên khắp thế giới, hộp xá lợi ngón tay Phật tại chùa Pháp Môn bây giờ là 1 trong số đó.
Đến triều nhà Đường, chùa A Dục được đổi thành chùa Pháp Môn và trở thành ngôi chùa hoàng gia. Trong khuôn viên chùa có xây dựng một ngôi bảo tháp 13 tầng để tôn thờ xá lợi Phật.
Bước vào khuôn viên chùa, du khách như lạc vào cảnh giới của chư Phật
Kể từ lúc mới được thành lập cho đến nay, chùa Pháp Môn đã trải qua nhiều cuộc thịnh suy, đã bị hư hại rồi lại được trùng tu rất nhiều lần.
Trong quá trình trùng tu, vào năm 1987, đã phát hiện một cung điện dưới lòng đất (địa cung) được chiếu theo hình thức lăng mộ của đế vương. Sau cánh cửa đá dẫn vào địa cung là một lối đi nhiều tầng cấp bằng gạch, trên các bậc thang được rải đầy các loại tiền đồng lớn nhỏ. Cuối đường hầm là cửa đá thứ hai, nơi cất giấu các văn bia, sau đó là tiền thất, trung thất, hậu thất được ngăn cách bởi các lớp cửa đá, cất nhiều bảo vật quý giá và 1 mật khám. Đây là nơi lưu giữ 4 viên xá lợi xương ngón tay Phật.
Cùng với những viên xá lợi, có 2.499 cổ vật gồm những bảo vật Phật giáo và của hoàng gia được tìm thấy, trong đó có 121 vật bằng vàng bạc.
Theo đánh giá của các nhà kiến trúc, khảo cổ thì địa cung được xây dựng dưới triều đại nhà Đường (618-907). Chùa Pháp Môn là ngôi chùa của hoàng gia trong thời nhà Tùy (581-618) và nhà Đường. Các vị hoàng đế nhà Tùy và nhà Đường cho rằng, gìn giữ và tôn thờ xá lợi Phật sẽ mang lại sự giàu có và hòa bình cho đất nước và nhân dân. Vì vậy, họ đã cúng dường nhiều báu vật và bảo tồn xá lợi Phật rất cẩn mật. Việc phát hiện địa cung đã đưa Pháp Môn thành ngôi chùa hoàng gia có địa tháp Phật thuộc đẳng cấp cao nhất được phát hiện trên thế giới.
Hiện tại, quần thể chùa Pháp Môn, bên cạnh ngôi chính điện nguy nga, ngôi tháp 13 tầng cao 148 m, còn có nhiều công trình kiến trúc độc đáo khác, trong đó có Viện bảo tàng chùa Pháp Môn trưng bày những bảo vật, di vật được tìm thấy trong địa cung của chùa cùng những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật Phật giáo qua các triều đại lịch sử. Tuy nhiên, muốn chiêm bái linh cốt xá lợi ngón tay Phật, du khách phải đến đây vào thứ 7, chủ nhật hoặc các ngày lễ. Còn những ngày khác, sẽ được ngắm hình ảnh mô phỏng, do yêu cầu của công tác bảo tồn.
Hàng năm, chùa Pháp Môn thu hút rất đông khách hành hương trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái và đảnh lễ xá lợi Phật.
Một số hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận:
Du khách có nhu cầu sẽ lên xe điện di chuyển vào phía trong chánh điện. Hai bên lối vào rộng là tượng đồng khổng lồ của các La hán, Bồ tát
3 hồ nước tượng trưng cho sự gột rửa tâm trí trước khi vào chánh điện
Những bậc thang dẫn lên chánh điện
Trước khi vào chánh điện, du khách làm lễ dâng nến, dâng hương
Gian ngoài của chánh điện
Trước khi vào gian chánh điện thờ Đức Phật, du khách cần mang thêm túi vải bao bên ngoài giày
Những bức tường trong khu chánh điện được làm cầu kỳ, tinh xảo
Rời khu chánh điện, du khách sẽ sang khu bảo tháp tháp Hiệp Chưởng cao 148 mét, nơi thờ xá lợi ngón tay Phật
Ở đây trưng bày các hộp đựng xá lợi mô phỏng theo nguyên mẫu. 4 viên xá lợi được lần lượt phát hiện như sau: Viên thứ nhất, xá lợi chất ngọc được thờ trong 8 lớp hòm quý. Viên thứ hai, xá lợi chất ngọc phát hiện tại trung thất. Viên thứ ba, xá lợi chất xương phát hiện tại mật khám của hậu thất. Và viên thứ tư, xá lợi chất ngọc được phát hiện tại tiền thất, được an trí trong hòm bạc mạ vàng thờ trong tháp A Dục Vương bằng đồng đời Hán.
Trong 4 viên xá lợi, viên chất xương là linh cốt xá lợi (xá lợi thật), còn lại 3 viên kia là ảnh cốt (ảnh cốt tức là hình ảnh mô phỏng xá lợi Phật được tạo ra để thờ tượng trưng thay cho xá lợi thật, nhằm tránh bị thủ tiêu hoặc đánh cắp trong các thời Phật giáo bị hủy diệt).
Phía dưới tháp có địa cung được phát lộ năm 1987
Sau đó, du khách đến bảo tàng, nơi lưu giữ các bảo vật từ thời nhà Đường được phát hiện trong địa cung
Các hộp lưu giữ xá lợi Phật được trưng bày tại đây. Đây là hộp cất giữ 1 trong 4 xá lợi, có 7 lớp, trong đó có 3 bằng bạc, 2 bằng vàng và 2 bằng gỗ
Cây trượng của Đức Phật làm bằng vàng (2 lượng) và bạc (58 lượng) dài 1,6 m. Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày nhiều cố vật quý như đĩa ngọc lưu ly, đồ gốm mật sắc, đồ đồng, vàng, bạc... chỉ được dùng cho hoàng gia
Chùa Pháp Môn còn có nhiều công trình kiến trúc độc đáo khác
Đến khu Chinatown (Singapore) du khách sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy và kiến trúc độc đáo của chùa Phật Nha.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn