Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ phụ nữ có thai thiếu kẽm là 80,3%, thiếu máu là 32,8%. Đây cũng là hai vi chất thiếu nhiều nhất ở phụ nữ mang thai.
Phụ nữ có thai thiếu sắt sẽ gây thiếu máu, làm tăng nguy cơ đẻ non, tăng tỷ lệ mắc bệnh của mẹ và con. Những bà mẹ bị thiếu máu có nguy cơ sinh con nhẹ cân và dễ bị băng huyết khi sinh. Trẻ được sinh ra từ những bà mẹ thiếu máu do thiếu sắt cũng bị thiếu vi chất này.
Theo điều tra của Viện dinh dưỡng, gần 45% trẻ dưới 1 tuổi thiếu máu. Khi bị thiếu máu thường có biểu hiện da xanh, niêm mạc môi, lưỡi, mắt, nhợt nhạt. Trẻ thiếu máu kém hoạt bát, học kém, thiếu tập trung hay buồn ngủ và thiếu máu mức độ nặng trẻ dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn.
Tương tự, thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao.
Dự án “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú tại Việt Nam” sẽ tập trung vào các hoạt động như: Xây dựng tài liệu Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú; Nâng cao năng lực kiến thức về dinh dưỡng cho cán bộ y tế và cán bộ thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông qua triển khai Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và cho con bú …
Dự án “Cải thiện chất lượng dinh dưỡng lâm sàng trong các bệnh viện tại Việt Nam” sẽ tập trung vào xây dựng chương trình cải thiện chất lượng dinh dưỡng lâm sàng áp dụng trong các bệnh viện tại Việt Nam (VN QIP) bao gồm công cụ sàng lọc dinh dưỡng và quy trình đánh giá dinh dưỡng người bệnh trong bệnh viện, tổ chức đào tạo, hướng dẫn quy trình thực hành VN QIP và quy trình dinh dưỡng lâm sàng chuyên môn cho các cán bộ và nhân viên y tế tại bệnh viện và thực hiện hướng dẫn dinh dưỡng lâm sàng tại bệnh viện Việt Nam.
Tú Anh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn