Tối 26/10, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM tiếp nhận một trường hợp bị thương tích do tai nạn sinh hoạt đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân là bé trai H.V.N.M. (5 tuổi, ngụ tại TPHCM) được chuyển đến bệnh viện với vết thương xuyên thấu từ trước ra sau.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước khi tai nạn xảy ra, bé N.M. ở nhà chơi trên hành lang lầu 3 thì bị rơi ra ngoài. Vùng ngực của nạn nhân bị thanh sắt hàng rào đâm xuyên thấu từ sau ra trước. Ngay sau đó, cháu được đưa đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Khi vào viện, bệnh nhi rơi vào tình trạng da niêm nhợt nhạt, mạch khó bắt, huyết áp khó đo, có đợt ngưng tim.
Trước tình trạng nguy cấp bệnh nhi đối mặt, Bệnh viện Thống Nhất đã phát lệnh báo động đỏ liên viện đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ngay lập tức, BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã “hỏa tốc” lên đường. Chỉ sau 10 phút, BS Trung Hiếu đã có mặt tại phòng mổ, Bệnh viện Thống Nhất, phối hợp cùng các đồng nghiệp tại đây thực hiện cuộc phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi.
Sau nhiều giờ khẩn trương chạy đua với tử thần, ê kíp phẫu thuật đã tiến hành khâu vết thương thủng tim (nhĩ phải), khâu vết thương thủng thùy dưới phổi phải, dẫn lưu màng phổi 2 bên và hồi sức tích cực. Sau cuộc mổ kết thúc vào lúc nửa đêm, các chỉ số sinh hiệu của bé có dấu hiệu khả quan, cháu tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để theo dõi, điều trị chuyên khoa.
Các kết quả kiểm tra hình ảnh siêu âm tim tại bệnh viện ghi nhận, vùng trung thất của bệnh nhân có khối máu tụ, chèn ép tim, nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sinh mạng bệnh nhi. Một lần nữa, sinh mạng cháu bé lại lâm nguy, sau cuộc hội chẩn toàn bệnh viện, các bác sĩ quyết định thực hiện cuộc mổ lần thứ 2 lấy khối máu tụ, đồng thời đánh giá tổn thương tim. Sau mổ, mạch, huyết áp bé ổn định lại, bênh nhi tạm thời qua cơn nguy kịch. Hiện cháu đang được các bác sĩ chăm sóc, hồi sức tích cực.
Té lầu là tai nạn đặc biệt nguy hiểm đã khiến nhiều trẻ tử vong, qua trường hợp trên bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, nếu gia đình ở trong những căn nhà cao tầng cần phải rào chắn cẩn thận hành lang, lan can cầu thang bằng song đứng để trẻ không leo trèo được và cũng không thể chui lọt ra ngoài. Thường xuyên để mắt đến trẻ, dạy cho trẻ những kỹ năng sống, ý thức được những nguy hiểm có thể xảy đến là giải pháp bảo vệ trẻ trong mọi môi trường sống khác nhau ngay từ giai đoạn đầu đời.
Vân Sơn
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn