Bác sĩ phòng Cấp cứu (khoa Nhi) cho biết, bệnh nhân 4 tuổi ở Bắc Ninh được đưa đến với vết cắn ở mu bàn chân gây sưng nề. Loại rắn cắn bệnh nhi này là rắn lục đuôi đỏ.
Hai bệnh nhi khác ở Nam Định cũng bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Được đưa đến viện sớm, cả 3 trẻ đều tỉnh táo, nhanh chóng được truyền huyết thanh kháng nọc rắn nên hồi phục nhanh, sau một tuần điều trị đã được xuất viện.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hiện đang là mùa rắn cắn, số bệnh nhân cả người lớn, trẻ em bị rắn cắn tăng lên. Đa phần bệnh nhân bị rắn cắn bất ngờ khi đang chơi đùa trên bãi cỏ, làm vườn… giẫm vào rắn.
TS Dũng cũng khuyến cáo không để trẻ em chơi đùa ở những khu vực rậm rạp như bụi cây, đống lá rụng, khu vực xếp củi khô, gạch… bởi đây thường là những nơi cư trú của rắn. Khi làm vườn nên đi ủng.
Ở xung quanh nhà có nhiều bụi dậm cần phát quang, khi ngủ cần mắc màn, chèn kỹ để rắn không bò vào, cắn người trong khi ngủ.
Khi bị rắn độc cắn, người bệnh cần rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề; nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu đúng cách. Nếu bắt được con rắn nên mang theo, hoặc ghi nhớ đặc điểm của con rắn để tả lại cho thầy thuốc, giúp việc điều trị nhanh hơn, hiệu quả hơn do lựa chọn được đúng loại thuốc, huyết thanh thích hợp với loài rắn độc đó nhất.
Tuyệt đối không garo quá chặt, không tự điều trị bằng đắp thuốc nam, chủ quan không đưa đến viện sớm bởi trên thực tế nhiều trường hợp rắn độc cắn đưa đến viện muộn khiến người bệnh rơi vào nguy kịch do liệt cơ hô hấp, hôn mê, hoại tử vùng bị rắn cắn.
Hồng Hải
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn