Theo đó, thông tin trên xuất phát từ cảnh báo của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) khi cho rằng, người dân không nên ăn quá 1 bữa cá hồi/1 tháng vì đây là loại thực phẩm độc hại. Theo cơ quan này, ao nuôi có thể là một thảm họa đối với những người ăn cá theo nhiều cách khác nhau.
Một nghiên cứu của cơ quan này chỉ ra rằng, nguồn gốc chính khiến cá hồi được cho là thực phẩm độc chính là nguồn thức ăn của cá có chứa chất độc hại.
Những độc tố này ngoài gây ô nhiễm, còn có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho các sinh vật, có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Thông tin cá hồi gây ung thư, nhiễm ký sinh trùng đang khiến nhiều người hoang mang.
Không chỉ có vậy, cơ quan EPA còn cho rằng ăn nhiều hơn 1 bữa cá hồi nuôi mỗi tháng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư trong tương lai do sự tăng nồng độ hóa chất và kháng sinh có trong cá hồi.
Ngoài ra, thông tin khi ăn cá hồi (sống) như giỏi cá hồi, cá hồi phi-lê còn có khả năng nhiễm giun sán và ký sinh trùng. Vì nguồn nước nuôi cá hồi không đảm bảo, nên trong thịt cá hồi có nhiễm ký sinh trùng.
Trước những thông tin trên, chúng tôi đã liên hệ với TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương thì được biết, tại Việt Nam không thấy thông tin về ăn cá hồi gây ung thư và cá hồi nhiễm ký sinh trùng.
Trước hết về thông tin cá hồi nuôi nhiễm ký sinh trùng, TS Đỗ Trung Dũng cho biết, qua thực tế nghiên cứu mới nhất vào năm 2015 tại Khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho thấy, những mẫu cá hồi và cá ngừ nuôi được mua tại một số siêu thị và chợ ở Hà Nội đều không tìm thấy loài ký sinh trùng nào ký sinh.
“Một số nghiên cứu tại Nhật Bản, trong cá hồi đã phát hiện nhiễm một số loài giun như Anisakis simplex ở Nhật Bản, nhưng các mẫu xét nghiệm của chúng tôi hoàn toàn không tìm thấy loài ký sinh trùng nào trong các mẫu cá hồi”, TS. Dũng thông tin.
TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương.
Trước thông tin ăn cá hồi nuôi có nguy cơ mắc ung thư, TS Dũng khẳng định chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng mình điều đó.
“Theo tôi được biết, muốn nuôi cá hồi phải có nguồn nước phải sạch thì cá mới sống được, vì cá hồi không phải chỗ nào cũng có thể nuôi, ở nước ta cá hồi chỉ có thể nuôi ở một số vùng như Sapa, Mộc Châu, Đà Lạt ở những nơi có khí hậu lạnh và nguồn nước sạch”, TS. Dũng cho biết.
Cuối cùng, tư vấn về vấn đề nhiều người hiện nay có sở thích ăn cá hồi, cá ngừ sống, TS. Dũng cho rằng: “Với việc nhiều người thích ăn cá hồi, cá ngừ sống như hiện nay, nếu có nguồn cá hồi, cá ngừ sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm thì có thể ăn sống được”.
“Tuy nhiên, ngay tại một nước tiên tiến như Nhật Bản các mẫu cá hồi, cá ngừ nhiễm ký sinh trùng cũng được phát hiện khá nhiều, vì thế chúng ta cần phải cân nhắc trước khi sử dụng cá sống.
Riêng đối với tôi, tôi khuyên mọi người nên chế biến cá hồi, cá ngừ chín trước khi ăn sẽ tốt và đảm bảo an toàn hơn”, TS. Dũng khuyến cáo.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn