Trong đêm Chung kết Cười xuyên Việt 2016 vừa qua, chàng "hot boy xoài lắc" Anh Tú đã chính thức đoạt ngôi vô địch. Tại khoảnh khắc đăng quang ấy, anh đã được gia đình đến cổ vũ, ủng hộ. Bên cạnh Anh Tú, Á quân Tuấn Dũng cũng có hoàn cảnh đặc biệt.
Quán quân Cười xuyên Việt Anh Tú đi làm phụ hồ
Được khán giả yêu thích và đặt cho biệt danh “hotboy làng hài” nhưng Quán quân Cười xuyên Việt 2016 có xuất thân trong một gia đình lao động bình dân tại TP.HCM. Anh sinh năm 1993 tại TP.HCM trong một gia đình có 3 anh em. Tú là con thứ 2 trong gia đình. Ba Tú làm thợ hồ, mẹ ở nhà làm nội trợ và buôn bán nhỏ.
Anh Tú bên gia đình khi đăng quang.
Chàng "hot boy" trên sân khấu.
Cuộc sống thực của Anh Tú.
Anh Tú học đến năm lớp 10 thì nghỉ học, làm nhiều nghề để kiếm tiền phụ giúp gia đình như phục vụ, phụ hồ.
Sau 1 năm làm phụ hồ, Anh Tú quyết định đi học lại hệ bổ túc văn hóa và xin đi làm diễn viên rối mascos và kịch thiếu nhi ở sân khấu Nụ Cười thuộc công viên văn hóa Đầm Sen để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình và rèn luyện khả năng diễn xuất.
Sau đó, anh thi đậu vào trường ĐH Sân khấu điện ảnh khoa Diễn viên và tham gia diễn xuất ở các vở kịch cà - phê, các sân khấu nhỏ…
Trong chương trình Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ, Anh Tú từng tham gia phụ diễn cho "kiều nữ làng hài" Nam Thư và nổi tiếng với vở diễn “Đòi nợ”.
Sau đó, Anh Tú mới quyết định tham gia thi Cười xuyên Việt thí sinh và được khán giả yêu quý đặt cho biệt danh “hotboy làng hài”, “hotboy xoài lắc”… bởi ngoại hình điển trai, duyên dáng và phong cách diễn xuất hài hước.
“Thấy Tú nghỉ học đi làm phụ hồ, ba mẹ cũng xót lắm nên cũng cố gắng động viên con đi học lại để có một công việc tốt hơn. Gia đình rất tự hào về Tú khi Tú được khán giả yêu quý ở chương trình Cười xuyên Việt. Ban đầu, gia đình chỉ nghĩ Tú lọt vào đến chung kết 5 hoặc 6 là cao, nhưng thật bất ngờ khi Tú lại vào đến vòng chung kết xếp hạng” – Mẹ Anh Tú tự hào về con trai.
Á quân Tuấn Dũng 4 tuổi đã đi diễn
Tuấn Dũng sinh năm 1992 tại TP.HCM trong gia đình có hai anh em, anh trai là Tuấn Anh đang làm diễn viên lồng tiếng tại HTV3 và cũng từng tham gia diễn xuất hỗ trợ cho Tuấn Dũng trong một vài tiết mục. Ba của Tuấn Dũng từng là diễn viên cải lương, biểu diễn trong đoàn cải lương Huỳnh Long, Minh Tơ… Khi cải lương không còn thịnh hành, ông chuyển về làm đạo cụ cải lương cho các bộ phim, vở diễn sân khấu ở TP.HCM. Hiện tại, ba mẹ Tuấn Dũng không sống với nhau và anh hiện đang sống với mẹ và anh trai nhưng tình cảm của 2 bố con rất tốt.
Tuấn Dũng tham gia diễn xuất lần đầu tiên năm 4 tuổi khi phụ diễn cho một buổi quay video cải lương. Sau buổi ghi hình đó, Tuấn Dũng được nhiều đạo diễn mời tham gia vì có năng khiếu diễn xuất, nhưng ba Tuấn Dũng không đồng ý vì muốn con tập trung cho việc học văn hóa.
Tuấn Dũng học tốt ở trường và thường được nhận những suất học bổng khuyến học dành cho con em các nghệ sĩ nghèo học giỏi của Hội sân khấu cũng như các mạnh thường quân.
Trong quá trình học tập ở trường, Tuấn Dũng tham gia nhiều phong trào văn nghệ, đặc biệt với giọng hát ngọt ngào của mình, Tuấn Dũng đã đạt nhiều giải thưởng về ca hát và từng có mơ ước được làm ca sĩ.
Tuấn Dũng đam mê diễn xuất từ nhỏ khi được đi theo ba trong các buổi biểu diễn và luôn cố gắng tự rèn luyện khả năng diễn xuất. Tuy nhiên, ba Tuấn Dũng không muốn con đi theo nghề diễn mà chỉ muốn Dũng có công việc ổn định và cuộc sống hạnh phúc.
Bởi theo ông nghề diễn nay đây mai đó, đời sống không phải lúc nào cũng ổn định, đấy đủ. Nghề này, nếu thành công và có tiếng tăm thì sung sướng nhưng nếu không thành công và chỉ ở mức bình thường thì cuộc sống chật vật, tiền bạc không có và cũng không được ai nhớ đến.
Tuy nhiên, vì quá đam mê với nghề diễn nên Tuấn Dũng quyết thi vào trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM, do thiếu chiều cao nên anh không đậu dù khả năng diễn xuất rất tốt. Không nản chí, Tuấn Dũng vẫn tự tập luyện và đi học diễn xuất.
Trong thời gian học, Dũng xin tham gia phụ diễn cho các anh chị để học hỏi kinh nghiệm. Tiền cat-se kiếm được, Dũng đều dành để mua vé đi xem kịch vì đó là niềm đam mê rất lớn. Cười Xuyên Việt là lần đầu tiên Dũng được lên sân khấu với vai diễn chính.
Dù ngoại hình nhỏ nhắn, khuôn mặt đậm chất “bi kịch” khi lúc nào nhìn cũng buồn bã nhưng Tuấn Dũng đã chinh phục khán giả với phong cách diễn xuất hài hước, duyên dáng và đặc biệt là giọng ca ngọt ngào, có thể ca cải lương, Hồ Quảng, Bolero mùi mẫn…
Thấy con đam mê nghề diễn, ba Tuấn Dũng chỉ còn cách động viên con nên suy nghĩ thật kỹ về con đường mình chọn, với vóc dáng ngoại hình không lợi thế Dũng buộc phải có những điểm đặc sắc và duyên dáng riêng trong diễn xuất. Đã không theo nghề diễn thì thôi, một khi đã chọn theo nghề diễn thì phải cố gắng hết sức để đạt được thành công, không được bỏ cuộc giữa chừng. Sau chương trình Cười xuyên Việt 2016, anh vẫn tiếp tục rèn luyện khả năng diễn xuất để tiếp tục con đường nghệ thuật hài mang đến cho khán giả những tiết mục hài kịch độc đáo và hấp dẫn.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn