Vừa qua, báo chí đưa tin trường tiểu học Bành Văn Trân (TP. HCM) đã quyết định cắt thi đua trong năm học 2016 – 2017 đối với cô Đ.T.T.N vì cô này đã tiến hành dạy thêm với học sinh.
Được biết, cô Đ.T.T.N. thuê một địa điểm dạy nằm trên đường Cách Mạng Tháng 8, phường 7 (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) và dạy thêm 2 nhóm (10 học sinh lớp 4, 5) luyện thi chứng chỉ Cambridge ở cấp độ Movers, Flyers.
Chủ yếu đây là các em học sinh của trường Bành Văn Trân. Mỗi tuần học sinh sẽ học thêm của cô Đ.T.T.N 2 buổi (mỗi buổi học là 90 phút, với học phí 500.000 đồng/tháng).
Theo Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT nêu rất rõ các trường hợp không được dạy thêm, trong đó không chỉ ở cấp tiểu học mà còn đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập (điều 4, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT), nên việc dạy thêm của cô N. là trái quy định và đã bị hội đồng kỷ luật của nhà trường áp dụng hình thức cắt thi đua cho cả năm học 2016 – 2017.
Ngoài ra, cô N. còn phải làm bản tường trình và phải ngưng việc dạy thêm của mình.
Lớp học thêm (ảnh minh họa: Giaoduc.net)
Việc cô giáo đầu tiên bị kỷ luật vì hành động dạy thêm đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn (giáo viên tại TP HCM) chia sẻ: “Tôi không đồng tình việc kỷ luật giáo viên vì nguyên nhân dạy thêm. Bởi lẽ: Nếu trường hợp giáo viên cắt tiết dạy chính khoá để o ép học sinh về nhà học thêm (Điều này học sinh và phụ huynh nhận ra một cách rất rõ ràng và đặc biệt là nơi các em), khi có sự phản ánh cần xử lí nghiêm và xử lí ở mức cao nhất là ra khỏi ngành.
Vì trong trường hợp này giáo viên không đảm bảo được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác dạy học. Đấy là những suy nghĩ, biểu hiện của người giáo viên thiếu đạo đức nghề nghiệp, thiếu lương tâm và trách nhiệm, cần loại bỏ ra khỏi ngành để tránh con “sâu làm rầu nồi canh”.
Còn việc giáo viên dạy thêm là một hoạt động cần được cho phép vì giáo viên lao động bằng công sức của bản thân họ. Việc học thêm là nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Nếu xem việc dạy thêm - học thêm là một dịch vụ thì giáo viên là người cung cấp dịch vụ và học sinh có nhu cầu sử dụng dịch vụ thì các cơ quan chức năng nên xem xét và cấp mã số dịch vụ, có đóng thuế và thực hiện các nghĩa vụ như các ngành nghề khác.
Lúc đó, chắc chắn học sinh và phụ huynh sẽ có quyền lựa chọn dịch vụ tốt nhất và sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các giáo viên trong phương pháp giảng dạy hoặc trang bị cơ sở vật chất cho chỗ dạy được khang trang hơn nhằm thu hút học sinh.
Thời gian vừa qua, vấn đề dạy thêm - học thêm gây tranh cãi không chỉ trong phụ huynh, giáo viên và ngay chính các em cũng biết điều đó. Đỉnh điểm là báo chí đi chụp hình, phản ánh một số nơi dạy thêm của giáo viên và mới đây là kỉ luật một giáo viên. Điều này cho thấy liệu nghề dạy học có thực sự được coi trọng và tôn vinh hay không? Phụ huynh và học sinh sẽ nghĩ về thầy cô của mình thế nào?
Giáo viên khi tổ chức dạy thêm thì số tiền phụ huynh đóng không phải là giáo viên được hưởng trọn vì: Trả tiền thuê nhà để dạy, tiền điện... nhiều khi có học sinh nghèo quá giáo viên cũng miễn học phí cho em đó. Có những em quá yếu cần kèm thêm. Có những giáo viên còn khuyến khích cho các em học bằng cách thưởng bánh, kẹo, đồ dùng học tập...
Hơn nữa, lương giáo viên không đủ chi tiêu trong gia đình nên buộc phải dạy thêm để trang trải cho cuộc sống. Bản thân tôi dạy 18 năm, lương khoảng 5,5 triệu/tháng. Vợ tôi lương cũng gần như vậy. Ngành y bác sĩ cũng được mở phòng khám riêng, kế toán cũng được làm thêm tại nhà....Vậy tại sao giáo viên dạy thêm ở nhà lại bị kỷ luật?
Tôi thấy xấu hổ khi lao động bằng công sức của mình mà bị kỷ luật. Tại sao chúng ta không đặt câu hỏi ngược lại: Các trường tư và quốc tế học sinh không học thêm, giáo viên không dạy thêm?
Câu trả lời: Sĩ số học sinh ở những trường đó chỉ có 10-15 học sinh/lớp, lương giáo viên trên 10 triệu/tháng lại được hỗ trợ cơm trưa cho giáo viên thì giáo viên cần gì phải đi dạy thêm và học sinh cũng đâu cần học thêm vì sĩ số ít, trong quá trình học, học sinh gần như được kèm riêng”.
Trái ngược với quan điểm trên, thầy Lê Văn Toán – Giáo viên một trường Tiểu học tại Yên Bái cho hay: “Dạy thêm đúng là thu nhập chính đáng của giáo viên (người lao động) nhưng nếu để trẻ suốt ngày đi học trong khi kĩ năng sống thực tế, trải nghiệm thực tế trẻ lại không hề có thì không nên.
Không học thêm thì trẻ cũng đã bị nhốt trong một cái "chuồng" không có sự giao tiếp vì cha mẹ bận đi làm. Đã không có giao tiếp giữa thì ngôn ngữ cũng như tình cảm không phát triển được.
Còn nếu nói học thêm là tự nguyện ư? Tất cả là do cha mẹ trẻ và thầy cô (người lớn) tự nguyện thôi. Dạy thêm là nhu cầu của thầy cô, học thêm là nhu cầu của cha mẹ trẻ em và chơi là nhu cầu của trẻ. Ở trường mình, hôm nào đc nghỉ học thì vui sướng lắm. Vậy là đủ biết trẻ có tự nguyện học thêm hay không?”
Trước đó, khi chia sẻ với báo chí, PGS.TS Phạm Trọng Rỹ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho hay: “Tại sao cán bộ nhân viên làm việc chỗ này, nhưng lại đi làm thêm chỗ khác để tăng thu nhập thì lại được, giáo viên họ làm đúng với nghề nghiệp của họ thì lại không được?
Vấn đề mà chúng ta cần đặt ra là dạy thêm nhưng không được ép trẻ bằng mọi hình thức để buộc trẻ phải đi học thêm. Còn nếu trẻ có nhu cầu, trẻ thích thì tôi có thể đáp ứng nhu cầu để có thu nhập thêm. Đó là một sự chính đáng, hành vi thực sự chính đáng".
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn