Giáo viên gửi đề xuất phương án mới kỳ thi 2017 tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Thứ hai - 26/09/2016 12:18

Giáo viên gửi đề xuất phương án mới kỳ thi 2017 tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Với hơn 30 năm dạy học, quả thực tôi chưa thấy khi nào ngành giáo dục lại có nhiều vấn đề cần suy nghĩ như hiện nay, nhất là việc thi cử, tuyển sinh. Dĩ nhiên trong quá trình đổi mới sẽ nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết, song thiết nghĩ các nhà lãnh đạo cần phải có dự báo, phải lường trước được những khó khăn, hậu quả để có ngay phương án giải quyết hợp lí.

Đổi mới cần có lộ trình, không để xã hội phải bất ngờ như vậy.

Đó là ý kiến của nhà giáo tâm huyết với nghề, luôn trăn trở về sự nghiệp giáo dục Nguyễn Văn Ưng, GV Trường THPT Lê Hồng Phong, Tp Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, sau khi Bộ Giáo dục công bố chính thức Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2017.

Nhà giáo Nguyễn Văn Ưng

Trước nhiều ý kiến tranh luận, phản ánh về dự thảo phương án thi, Nhà giáo Nguyễn Văn Ưng đã đề xuất hai giải pháp để thực hiện tốt kỳ thi năm 2017 như sau:

Thi và xét tốt nghiệp THPT: Sẽ tiến hành trong hai giai đoạn

Giai đoạn 1: Trong hai năm 2017 và 2018, Bộ Giáo dục giao hoàn toàn việc ra đề thi, tổ chức thi và chấm thi tốt nghiệp THPT cho Sở giáo dục các địa phương thực hiện dưới sự chỉ đạo và giám sát của Bộ.

Kỳ thi sẽ tổ chức vào 3 ngày đầu tháng 6, học sinh thi tại trường mình học, giám thị là giáo viên của trường, Chủ tịch Hội đồng và Thanh tra do Sở cử về. Học sinh sẽ thi tất cả 9 môn đã học với thời gian, hình thức, thời lượng cụ thể như sau:

Ngày thứ nhất

Sáng

Thi môn Sử

Tự luận

60 phút

Thi môn Lý

Trắc nghiệm

60 phút

Chiều

Thi môn Ngữ văn

Tự luận

120 phút

Ngày thứ hai

Sáng

Thi môn Địa

Tự luận

60 phút

Thi môn Hóa

Trắc nghiệm

60 phút

Chiều

Thi môn Toán

Tự luận

120 phút

Ngày thứ ba

Sáng

Thi môn GDCD

Tự luận

60 phút

Thi môn Sinh

Trắc nghiệm

60 phút

Chiều

Thi môn Ngoại ngữ

Trắc nghiệm và tự luận

120 phút

- Đối với hệ giáo dục thường xuyên cũng thi như hệ giáo dục phổ thông như trên, trừ những môn mà hệ này không học (như môn Ngoại ngữ).

- Điểm để xét và xếp loại tốt nghiệp là điểm trung bình của các môn thi và điểm ưu tiên (nếu có), chứ không lấy điểm học bạ. Học sinh có điểm trung bình các môn thi (cả điểm ưu tiên) đạt từ 5,0 sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT (với điều kiện không có môn bị điểm liệt là 1,0 điểm)

- Thực hiện thi theo cách trên, học sinh sẽ phải học và thi toàn diện các môn, không còn học lệch nữa. Về hình thức các môn thi trắc nghiệm và tự luận không thay đổi so với trước đó thì giáo viên, học sinh không phải thay đổi, đối phó gì cả. Kiến thức thi thì nhẹ nhàng, các nhà trường sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh, nên học sinh chẳng phải lo đi học thêm, đi “lò” luyện để thi tốt nghiệp.

- Khoảng trung tuần tháng 4, học sinh 12 cũng vừa thi 9 môn như vậy trong thi kỳ II, giờ lại có hơn 1 tháng để ôn lại chương trình kỳ I và ôn tập tổng hợp để thi tốt nghiệp. Mặt khác, học sinh thi tại trường, thầy cô của trường coi thì sẽ rất bình thường như những lần thi học kỳ vậy thôi, nên nếu có áp lực sẽ chẳng đáng là bao.

- Tổ chức thi như vậy, giáo viên, học sinh không phải di chuyển đi đâu, cũng không phải “tiếp sức mùa thi”, … sẽ giảm được chi phí xã hội rất nhiều.

- Thi như vậy liệu có nghiêm túc không ? Kết quả có thực chất, có đáng tin cậy không ? Xin thưa, chỉ cần Chủ tịch Hội đồng và Thanh tra bảo phải nghiêm túc thì giám thị sẽ nghiêm túc ngay. Giám thị chả dại gì để bị kỷ luật vì để học sinh quay cóp bài hay bị học sinh bí mật quay clip rồi đưa lên mạng vì sự dễ dãi của mình. Còn nếu Bộ cử thêm Thanh tra từ các trường đại học về các điểm thi thì càng tăng thêm độ nghiêm túc. Mặt khác, chỉ là thi với kiến thức bình thường, quen thuộc để tốt nghiệp thôi (không dùng xét tuyển đại học), nên học sinh cũng không có áp lực về điểm số như kỳ thi quốc gia nhằm hai mục đích như những năm qua, nên việc gian lận sẽ không đáng lo.

- Việc các Sở Giáo dục có đủ khả năng để ra đề hay không ? Xin trả lời chắc chắn là “có”. Tôi đã từng đi ra đề thi tốt nghiệp THPT ở Bộ Giáo dục (năm 2009), tôi cũng đã tham gia làm ma trận và đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại cụm các tỉnh phía nam do Bộ Giáo dục tổ chức ở Tp Hồ Chí Minh (tháng 12/2014), là thành viên trong Hội đồng bộ môn của Sở Giáo dục, tôi cũng thường tham gia ra đề thi học kỳ cho khối 12, nên tôi đủ tự tin khẳng định điều đó. Mà nếu cần thì Bộ có thể tổ chức tập huấn ra đề thi cho các Sở cũng không muộn.

- Theo phân cấp thì các Sở Giáo dục là đơn vị trực tiếp chỉ đạo, quản lí chuyên môn, chất lượng dạy học, cấp bằng tốt nghiệp, nên việc giao cho các Sở Giáo dục ra đề, tổ chức thi và xét tốt nghiệp là hợp lí. Độ khó của đề thi giữa các tỉnh có thể khác nhau, điều đó vẫn là hợp lí bởi đối tượng học sinh các vùng, miền có khác nhau. Mặt khác, khi ra đề thì ở đâu cũng phải đảm bảo theo Chuẩn kiến thức, kỹ năng chung.

Giai đoạn 2: Từ năm 2019 trở về sau, không tổ chức thi tốt nghiệp THPT nữa mà chuyển thành xét tốt nghiệp THPT. Việc xét tốt nghiệp vẫn giao cho các Sở Giáo dục thực hiện. Để chuẩn bị cho điều đó thì ngay trong năm học này, các Sở Giáo dục sẽ ra đề thi học kỳ I và II cho học sinh khối 10 theo môn thi, hình thức thi, thời lượng như trên. Như vậy, mỗi năm học, học sinh có 2 kỳ thi theo hình thức tốt nghiệp ở từng giai đoạn. Đến năm 2019, lứa học sinh lớp 10 năm nay sẽ hết lớp 12. Các Sở Giáo dục chỉ cần lấy kết quả ba năm học để xét và xếp loại tốt nghiệp THPT cho học sinh cũng là hợp lí thôi.

Nghị quyết 29 - NQ/TW đã nêu nhiệm vụ và giải pháp: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Tôi nghĩ rằng tổ chức thi và xét tốt nghiệp như trên là hoàn toàn đúng hướng với Nghị quyết 29 của Trung ương. Nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh sẽ không phải áp lực gì (nếu có thì cũng rất nhỏ), bởi đây là hoạt động thường xuyên diễn ra tại các nhà trường. Và cũng giảm đáng kể chi phí, đỡ tốn kém cho xã hội nữa. Việc thi, xét tốt nghiệp THPT sẽ có tính chất ổn định, có thể đến khi có chương trình và sách giáo khoa mới sẽ có điều chỉnh cho phù hợp. Như vậy, Bộ Giáo dục sẽ không phải năm nào cũng lo đổi mới thi tốt nghiệp THPT nữa.

Về tuyển sinh đại học, cao đẳng:

Việc thi, xét tốt nghiệp THPT đã giao về cho địa phương rồi, nên sẽ Bộ Giáo dục kết hợp với các trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh quốc gia “ba chung” vào đầu tháng 7 như trước đây. Chỉ một mục đích là tuyển sinh nên việc ra đề có tính phân hóa cao sẽ chọn ra được những học sinh có khả năng phát triển để đào tạo nhân lực, nhân tài cho xã hội.

Tôi tin là số học sinh tham gia thi tuyển sinh sẽ giảm đi rất nhiều và sẽ giảm được nhiều tốn kém cho xã hội. Bởi sau khi tốt nghiệp THPT, có tới khoảng 2/3 số học sinh sẽ đi học nghề, đi làm công nhân, hoặc về nhà lao động sản xuất, kinh doanh cùng gia đình, chỉ học sinh có học lực khá, giỏi mới dự thi tuyển sinh thôi. Việc thi tuyển sinh sẽ do các trường đại học chủ trì và nên tổ chức ít nhất một Hội đồng thi ở mỗi tỉnh, thành.

Như vậy sẽ giảm được chi phí đi lại, ăn, ở và đỡ vất vả cho học sinh và gia đình.

Việc xét tuyển đại học năm 2016 vừa qua có dấu hiệu cho thấy phụ huynh, học sinh đã có chuyển biến nhận thức về học đại học rồi, đã đi học nghề nhiều rồi, không còn cố theo đuổi vào đại học nữa. Do vậy Bộ cần có kế hoạch đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các trường nghề đã có, mở thêm trường nghề mới cho học sinh theo học.

Đặc biệt, Bộ phải có giải pháp khắc phục tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều hiện nay và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Bởi sự thất nghiệp có nguyên nhân chủ yếu là cung vượt quá cầu, tốt nghiệp đại học ồ ạt nhưng chất lượng yếu kém, không đủ năng lực làm việc. Bộ cần kết hợp các ban ngành liên quan khảo sát thị trường lao động để phân bổ chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo cho các trường. Hoặc giao cho các trường trách nhiệm liên kết đào tạo để giải quyết đầu ra cho học sinh tốt nghiệp.

Đặc biệt hơn nữa, Bộ phải gấp rút có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho hội nhập khu vực ASEAN và hội nhập quốc tế như Nghị quyết 29 của Trung ương đã đề ra. Nếu không con em chúng ta sẽ thất bại ngay trên “sân nhà”.

Nhà giáo Nguyễn Văn Ưng, GV Trường THPT Lê Hồng Phong, Tp Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây