Cách đây 4 năm, Chính phủ quyết định lấy ngày 18/5 là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhằm tôn vinh các nhà khoa học; nâng cao nhận thức; khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam và tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân.
Nhân dịp này thử nhìn lại một lĩnh vực không kém phần quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN) đó là doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) của nước nhà, xem loại hình doanh nghiệp này có bước tiến nào và còn gặp những khó khăn gì trên đường phát triển?
1- Thuật ngữ "Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KH&CN)" xuất hiện trên thế giới từ giữa thế kỷ XX từ mô hình spin-off (doanh nghiệp khởi nguồn),và start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) vốn được hình thành từ các nước công nghiệp phát triển. Spin-off được khởi nguồn từ các trường Đại học nhưng tách ra hoạt động độc lập và do các cá nhân tạo ra các tài sản KH&CN tham gia vào quá trình quản lý doanh nghiệp. Còn start-up chỉ sự khởi nghiệp của một doanh nghiệp mới hình thành dựa trên kết quả nghiên cứu KH&CN. Điểm chung của hai loại hình này là sự khởi đầu một doanh nghiệp mới dựa trên kết quả KH&CN và có khả năng thực hiện đổi mới và thương mại hóa các kết quả đó để sản xuất các loại sản phẩm mà người tiêu dùng đang có nhu cầu.
Ở Việt Nam, thuật ngữ doanh nghiệp KH&CN được đề cập lần đầu tiên vào năm 1980 trong Văn kiện của Đảng và được Chính phủ cụ thể hóa trong Nghị định 80 và 96, trong đó nêu rõ khái niệm doanh nghiệp KH&CN: "Doanh nghiệp KH&CN là doanh nghiệp do tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật KH&CN. Hoạt động chính của doanh nghiệp là thực hiện sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả R&D do doanh nghiệp được quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp"...
Năm 2013, doanh nghiệp KH&CN được đề cập trong văn bản có giá trị pháp lý cao hơn, đó là Luật KH&CN. Điều kiện để được công nhận là doanh nghiệp KH&CN có quy định cụ thể tại Thông tư 17 của Chính phủ: "Đối tượng thành lập doanh nghiệp KH&CN hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KH&CN được sở hữu, sử dụng hợp pháp hoặc sở hữu hợp pháp công nghệ để trực tiếp sản xuất thuộc các lĩnh vực".
Có thể nói những quan điểm về doanh nghiệp KH&CN được quy định bởi pháp luật Việt Nam khá phù hợp với quan điểm về doanh nghiệp KH&CN của thế giới. Tuy nhiên, quan điểm của thế giới về doanh nghiệp KH&CN phải là doanh nghiệp "thành lập mới" (spin-off-khởi nguồn và start-up-khởi nghiệp), còn ở nước ta, yếu tố này không đề cập tới. Bởi việc hình thành các doanh nghiệp mới từ kết quả KH&CN của chúng ta gặp rất nhiều rủi ro, đòi hỏi người quản lý, điều hành doanh nghiệp vừa phải có kiến thức quản lý, kinh nghiệm thực tiễn điều hành doanh nghiệp, vừa phải có kiến thức khác liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, kiến thức chuyên môn kỹ thuật để tiếp nhận và đưa công nghệ mới vào vận hành khai thác, mới có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
GS.VS.Châu Văn Minh thay mặt Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN phát biểu và báo cáo trước Chủ tịch Quốc hội
2- Các quốc gia trên thế giới đều có những chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nguồn, khởi nghiệp như khuyến khích thành lập Vườn ươm công nghệ, các Trung tâm chuyển giao công nghệ, Văn phòng cấp phép sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, các Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư thiên thần (angel fund- Quỹ đầu tư cá nhân).
Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông, ở Hà Lan, cứ 100 doanh nghiệp thì có từ 5-8 doanh nghiệp KH&CN(5%-8%). Trường đại học Stanford của Mỹ hiện có 1000 doanh nghiệp KH&CN (spin-off), doanh thu của nó bằng ½ của Thung lũng Silicon.
Còn ở nước ta, sau 10 năm thi hành Nghị định 80/2007 về doanh nghiệp KH&CN và một số văn bản luật, Chính phủ đã đưa ra một số chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp KH&CN phát triển, như có một vài ưu đãi liên quan đến thuế, phí, lệ phí, tín dụng, sử dụng các dịch vụ KH&CN… nên đã thu hút được một số đơn vị đầu tư cho hoạt động R&D, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Giá trị của sản phẩm và lợi nhuận của doanh nghiệp loại này từ đó gia tăng, một hệ thống doanh nghiệp KH&CN ở nước ta được hình thành.
Tính đến hết năm 2017, cả nước có hơn 300 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Nhưng theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: "Số lượng doanh nghiệp KH&CN còn ít so với tiềm năng và mục tiêu đề ra".
Nguyên nhân làm số lượng doanh nghiệp KH&CN không phát triển như mong muốn có nhiều, nhưng không thể bỏ qua cái gọi là "điều kiện để được công nhận là doanh nghiệp KH&CN". Câu chuyện của Công ty điện Toàn cầu cách đây chưa lâu mà tôi còn nhớ là một ví dụ: Sau khi nghiên cứu và thử nghiệm hiệu quả thiết bị tiết kiệm điện cho đèn đường PowerEco, năm 2009, kỹ sư Huỳnh Minh Hải đã lập Công ty Công nghệ kỹ thuật điện Toàn Cầu để thương mại hóa sản phẩm. Anh cùng các cộng sự đã lắp đặt hơn 12.000 bộ đèn tại Cần Thơ, Tiền Giang, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Với 900 bộ ở tỉnh Tiền Giang đã tiết giảm đến 37% điện năng tiêu thụ và thời gian hoàn vốn chỉ sau 17 tháng. Nhiều nhất là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với gần 10.000 bộ đã giúp tiết kiệm trên 7 tỷ đồng ngân sách của tỉnh cho tiền điện chiếu sáng mỗi năm. Thế nhưng sau hơn 5 năm thử nghiệm tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được triển khai đại trà vì khi việc mở rộng thị trường thì gặp khó khăn, doanh thu không đạt, đã cản trở Toàn Cầu trở thành doanh nghiệp KH-CN.
Doanh nghiệp KH&CN của các nước được sự hỗ trợ ban đầu khá nhiều, trong khi ở nước ta, các doanh nghiệp KH&CN hầu như phải tự xoay xở, phải dựa vào tiềm lực của các doanh nghiệp đang hoạt động để hỗ trợ cho các kết quả KH&CN được ứng dụng vào thực tiễn. Nhưng với quy định doanh nghiệp KH&CN phải đáp ứng điều kiện: "Doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả R&D đạt tỷ lệ theo quy định" vô hình trung trở thành một rào cản mới đối với các doanh nghiệp mong muốn đứng vào hàng ngũ doanh nghiệp KH&CN được nhà nước thừa nhận, nhất là các doanh nghiệp thành lập mới từ kết quả R&D.
Với tinh thần của Chính phủ kiến tạo, thiết nghĩ nên loại bỏ điều kiện "doanh thu kết quả R&D đạt tỷ lệ theo quy định" trong điều kiện cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Bởi quá trình kinh doanh, không phải bao giờ doanh nghiệp cũng đảm bảo doanh thu như mong muốn (như trường hợp của Công ty Toàn cầu), nhất là sản phẩm mới hình thành thường tiềm ẩn những rủi ro, phải mất một thời gian thị trường mới đón nhận.
Ảnh tại Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2018 và 43 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (20/5/1975-20/5/2018
Nói tới cách tổ chức thực hiện chính sách về KH&CN cũng bộc lộ những hạn chế. Một số nơi, việc cấp phép đầu tư và để được công nhận là doanh nghiệp KH&CN còn thiếu thống nhất giữa các sở, ngành liên quan. Các quy định về thành lập doanh nghiệp KH-CN có nêu: "Đối tượng phải hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KH-CN được sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp kết quả KH-CN đó". Đây là cơ sở để xem xét ưu đãi về thuế thu nhập DN. Trong thực tế công tác nghiên cứu lại khác, một kết quả KH&CN thông thường chỉ giải quyết vấn đề cho một phần của sản phẩm thương mại, không giải quyết trọn vẹn cho một sản phẩm. Doanh nghiệp KH&CN còn gặp rào cản khi đưa sản phẩm ra thị trường. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN chưa có hiệu quả, việc mở rộng thị trường ra nước ngoài càng khó hơn.
Ngay trong khâu quản lý các doanh nghiệp KH&CN cũng có "vấn đề". Giữa các địa phương còn có sự khác nhau trong việc nhìn nhận doanh nghiệp KH&CN và các doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN. Việc tiếp cận chính sách KH&CN ở các địa phương cũng khác nhau nên gây khó cho doanh nghiệp. Có tình trạng này có lẽ là do pháp luật của ta chưa có quy đinh cụ thể, khung pháp lý áp dụng cho lĩnh vực KH&CN chưa thực sự đầy đủ và thống nhất.
Một nguyên nhân khác, chất lượng, dịch vụ tại các Vườn ươm công nghệ của chúng ta có còn nhiều hạn chế nên chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp KH&CN hình thành và phát triển mạnh mẽ.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong quý 1/2018, VCCI tiếp tục nhận được nhiều kiến nghị từ các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh, trong đó có cả những doanh nghiệp KH&CN. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng cần hành động kịp thời để bảo vệ quyền sở hữu phát minh, sáng kiến, kiểu dáng công nghiệp, tránh để vi phạm trong thời gian kéo dài, gây tổn hại lớn cho doanh nghiệp.
Nhìn lại 7 chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp KH&CN, một số chính sách chưa được cụ thể hóa trong quá trình thực hiện, như chính sách được ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm; hưởng ưu đãi về giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; ưu đãi vay vốn tín dụng đầu tư.
Ngay cả chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp-một trong những chính sách hấp dẫn và cụ thể nhất, các điều kiện được hưởng ưu đãi đã được xác định cụ thể tại một số thông tư liên tịch, nhưng các ngành chưa thống nhất; Các chính sách của Chính phủ chưa tập trung nhiều vào việc hỗ trợ thương mại hóa các kết quả KH&CN. Bên cạnh những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh, có khả năng thương mại hóa thành công các kết quả nghiên cứu, thì còn rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đưa các sản phẩm của mình ra thị trường. Bởi trong quá trình thương mại hóa các kết quả KH&CN gặp nhiều rào cản, như quy định về công nhận sản phẩm mới, vấn đề bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ...
Ảnh minh họa
Những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp KH&CN gặp phải thời gian qua cho thấy cơ chế, chính sách dành cho loại hình doanh nghiệp này vẫn còn vướng mắc, có độ chênh cần tiếp tục hoàn thiện. Nghị định mới về doanh nghiệp KH&CN kỳ vọng sẽ gỡ được những vướng mắc, san bằng độ chênh để các doanh nghiệp KH&CN phát triển nhanh và bền vững.
Một tin vui với giới KH&CN, ngày 22/3/2018, Bộ KH&CN và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã động thổ xây dựng Viện KH&CN Việt Nam-Hàn Quốc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Khi đi vào hoạt động Viện sẽ đóng vai trò quan trọng việc cung cấp giải pháp công nghệ doanh nghiệp, phục vụ đắc lực cho các ngành công nghiệp và sự phát triển bền vững của Việt Nam, đồng thời là vườn ươm về KH&CN và về nhân tài cho Việt Nam.
Tài nguyên của một quốc gia càng khai thác càng cạn kiệt, nhưng trí tuệ, năng lực sáng tạo càng khai thác, sử dụng thì càng thêm giàu có, phong phú. Mọi người dân đều có quyền tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu, phát triển KH&CN. Chỉ cần có chính sách "hợp lòng dân" sẽ khơi dậy được tiềm năng vốn có. Nếu kịp thời đổi mới chính sách, cơ chế thì mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 5.000 doanh nghiệp KH&CN không phải là chuyện viễn vông và phong trào "Sáng tạo khởi nghiệp" trong cộng đồng sẽ được tiếp thêm sức sống mới.
Đ.Ngọc
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn